Ít nhất 7 ngày nữa, giá cước vận tải giảm
Chỉ tính riêng mặt hàng xăng A92, từ tháng 7-2014 đến nay giá đã giảm hơn 30%. Tuy nhiên, giá cước vận tải chỉ giảm nhỏ giọt, thậm chí là đứng yên.
Điều này khiến người tiêu dùng gần như phẫn nộ. Họ bày tỏ ý kiến: các đơn vị vận tải vô cảm với việc lẽ ra phải thực hiện.
Giải thích vì sao lại chậm giảm như vậy, ông Bùi Danh Liên, chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng giá cước vận tải phụ thuộc vào yếu tố đầu vào khác, ngoài giá xăng dầu.
Theo ông Liên, có những yếu tố cấu thành giá vận tải đang có xu hướng tăng nên không phải cứ giá xăng giảm là điều chỉnh giá cước ngay được.
Ông Liên cho rằng giá dầu thế giới trong một, hai ngày qua lại đang tăng.
“Vì thế, chúng tôi phải cân nhắc cẩn trọng vì mỗi lần tăng, giảm giá mất rất nhiều thủ tục và cũng gây rối loạn công tác quản lý của các đơn vị vận tải. Việc giảm giá theo xăng dầu đang được các đơn vị vận tải nghiên cứu và cân đối”, ông Liên cho hay.
“Theo quy trình đăng ký giá cước vận tải thì phải ít nhất 15-20 ngày mới có thể giám giá. Vì thế, chúng tôi rất mong cộng đồng thông cảm với ngành vận tải”, ông Liên bày tỏ.
Ông Liên khẳng định với ngành kinh doanh taxi, có những đơn vị đã điều chỉnh giảm từ 14.000 đồng/km xuống 12.000 đồng/km. Còn những đơn vị nào kinh doanh 9.000 đồng/km từ trước giờ thì không thể giảm được.
“Cân nhắc” giảm
Những đơn vị vận tải nào chưa điều chỉnh giá trong lần xăng dầu giảm giá trước thì phải giảm giá ngay; còn những đơn vị đã giảm giá rồi thì phải cân nhắc để điều chỉnh tiếp trong 15-20 ngày tới, ông Bùi Danh Liên kết luận.
Theo ông Lê Quang Mão, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Đắk Lắk, trong các lần giảm giá trước, ¾ doanh nghiệp vận tải trong hiệp hội đã giảm giá cho khách hàng, trong khoảng 3-5%.
Mức giảm này, theo ông Mão là chưa đạt yêu cầu. Vì thế, hiệp hội đang khuyến khích, kiểm tra và đôn đốc các đơn vị giảm giá ít nhất 10% sau các đợt xăng giảm giá vừa qua.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở Đắk Lắk gặp khó khăn về vấn đề đường sá khó khăn, chi phí thuế… nên chỉ giảm giá cầm chừng, ông Mão cho hay.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Tô Văn Hiệp, chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng, cho biết những đơn vị vận tải tham gia hiệp hội rất ý thức việc chia sẻ với xã hội trong việc giảm giá khi xăng dầu giảm giá.
“Trong hợp đồng với các khách hàng truyền thống, chúng tôi luôn có điều khoản quy định về việc tăng/giảm giá bằng cách xác định tỉ lệ giá nhiên liệu đầu vào là 38 - 43%. Nếu giá nguyên liệu đầu vào tăng/giảm vượt biên 5% thì sẽ lấy tỉ lệ tăng/giảm thực tế nhân với 38-43% để ra mức tăng/giảm tương ứng của giá cước. Sau 15-20 ngày thì nhà vận tải và chủ hàng sẽ thống nhất mức giá mới bằng một phụ lục hợp đồng”, ông Tô Văn Hiệp thông tin về cách tính giá cước vận tải tăng giảm khi giá xăng dầu có biến động.
Ông Lâm Đại Vinh, phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho biết phương án của hiệp hội là giảm giá trực tiếp trên giá xăng dầu.
“Tùy theo từng doanh nghiệp, từng tuyến đường mà có sự giảm giá thích hợp. Ví dụ như chuyến từ các cảng TP.HCM đi Bình Chánh, mức tiêu hao nhiên liệu là khoảng 35-40 lít dầu. Khi giá giảm 4.000 đồng/lít, chúng tôi khuyến khích giảm trực tiếp 150.000-160.000 đồng/chuyến cho khách hàng”, ông Vinh nói.
“Khách hàng vãng lai cũng có sự giảm giá thích hợp”, ông Lâm Đại Vinh cho biết thêm.
Theo ông Hiệp, hiện tại sự lựa chọn thuộc về chủ hàng hơn là nhà vận tải. Không nhà vận tải hàng hóa nào quy định được giá cước với chủ hàng cả.
“Đối với khách hàng lẻ, chúng tôi phải chào những giá rất cạnh tranh. Thị trường sẽ điều tiết giá cước vận tải”, ông Hiệp nói.
Ông Lâm Đại Vinh cho biết việc điều chỉnh giá của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM sẽ được áp dụng từ ngày 29-12-2014, tức là 7 ngày từ ngày giá xăng dầu giảm.
Ông Hiệp cũng cho rằng việc điều chỉnh giá cước theo giá xăng dầu phải theo lộ trình.
Tuy nhiên, có những mặt hàng giá xăng dầu không chiếm tỉ trọng lớn trong việc cấu thành giá, chẳng hạn những loại hàng tươi sống, đòi hỏi chất lượng dịch vụ vận chuyển cao.
“Khi đó chủ hàng và nhà vận chuyển sẽ thỏa thuận giá hợp lý, dần dần sẽ đưa về thị trường điều tiết”, ông Hiệp cho biết.
Theo ông Nguyễn Thành Nhân - phó tổng giám đốc Saigon Co.op, giám đốc chuỗi siêu thị Co.opmart: "Saigon Co.op đang phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp thực hiện chương trình khuyến mãi, giảm giá theo hướng có lợi nhất cho người tiêu dùng. Tùy theo nhóm hàng cụ thể, mức độ trễ của việc tác động giá xăng đến tỉ lệ chi phí đầu vào của từng chủng loại sản phẩm mà tiến hành giảm giá nhanh nhất".
Một số mặt hàng sẽ lập tức giảm giá ngay sau khi giá xăng giảm. Cụ thể, nhóm hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp của giá vận chuyển chủ yếu là thực phẩm tươi sống như nông sản, rau, củ, quả, thủy hải sản đã tiến hành luân phiên nhau giảm giá từ ngày 27-12, các mặt hàng như bưởi, dưa hấu, quýt đường, cà chua, khoai tây, bí đỏ, cà rốt, dưa leo… được hệ thống Co.opmart giảm giá bán trung bình khoảng 15% so với giá bán trước đó.
Ngoài ra, một số mặt hàng rau ăn lá như cải, rau muống, rau thơm, cải ngọt, cải xanh… và các mặt hàng thủy hải sản như cá, mực, tôm… dự kiến cũng sẽ giảm giá khoảng 10% đến 20% nếu không bị biến động về sản lượng do thời tiết và các yếu tố khách quan khác.
Các mặt hàng có tính dự trữ như hóa phẩm, thực phẩm công nghệ, đồ dùng, may mặc… sau khi loại trừ biến động chi phí nguyên liệu đầu vào đều có kế hoạch giảm giá trong chương trình khuyến mãi tiếp theo bằng nhiều hình thức như giảm giá trực tiếp, mua sản phẩm tặng sản phẩm...
Như vậy từ 27-12, ngoài hàng nghìn mặt hàng giảm giá mạnh đến 50% theo kế hoạch khuyến mãi, sẽ có thêm một lượng lớn sản phẩm thực phẩm và đồ dùng được tăng cường giảm giá bổ sung.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines