IT Việt Nam lượm tiền từ mảng phân tích dữ liệu lớn
Dù phần lớn dòng vốn nước ngoài đổ vào ngành IT VN để khai thác tài năng công nghệ giá rẻ, nhưng không ít công ty vẫn cho rằng VN đủ sức trở thành nhà cung cấp các dịch vụ giá trị cao.
Báo cáo của Techonomy cho thấy VN có tiềm năng lớn trở thành nhà cung cấp chính các dịch vụ công nghệ thông tin (IT) trong tương lai gần, từ phát triển phần mềm phức tạp đến phân tích dữ liệu, thậm chí R&D (nghiên cứu phát triển) nguyên bản.
Ông Chris Harvey - giám đốc điều hành của ITviec (một trang web tuyển dụng cho ngành IT VN) - cho biết: "Các mô hình cũ với nhiều công việc đơn giản, giá rẻ đang dần hết thời. Chúng ta đang nhìn thấy nhiều công ty phức tạp hơn gia nhập thị trường, theo đó kỹ sư tay nghề cao cũng đòi hỏi mức lương cao hơn”.
Dù không thể so sánh với Ấn Độ hay Trung Quốc, nhưng VN đang thu lợi từ việc gia tăng lực lượng lao động công nghệ tay nghề cao, chi phí lao động thấp, ưu đãi chính phủ và các lợi ích khác. Bất chấp nhiều thách thức, doanh thu từ ngành dịch vụ IT của VN vẫn tăng lên 2,4 tỉ USD.
TMA Solutions - một trong các công ty gia công IT tư nhân lớn nhất VN - hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ bảo trì, thử nghiệm và phát triển cho các khách hàng doanh nghiệp lớn trên toàn cầu từ năm 1997. Đến nay, với kinh nghiệm gia công dày dặn cùng hơn 1.700 kỹ sư, TMA Solutions đang đầu tư vào hoạt động R&D.
Từ năm 2010, TMA nâng cấp chuỗi giá trị khi ra mắt kế hoạch dài hơi xây dựng các trung tâm R&D mới ở cả VN và Thung lũng Silicon, Mỹ. Theo đó, công ty đã hoàn thành các dự án phát triển trong nhiều lĩnh vực gồm chăm sóc sức khỏe, giao thông vận tải, công nghệ sinh học và nông nghiệp. Để hỗ trợ những dự án này, TMA thành lập mảng phân tích dữ liệu lớn hồi đầu năm 2013.
Công ty sản xuất kỹ thuật số Quodisys trụ sở tại TP.HCM cũng tập trung cải thiện năng lực khi nâng tầm quy mô doanh nghiệp.
"Chúng tôi bắt đầu với việc xây dựng trang web và các ứng dụng cơ bản cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - giám đốc phát triển Enrick Bui nói - Nhưng các dự án của khách hàng ngày càng phức tạp, đòi hỏi chiến lược tích hợp nền tảng điện toán đám mây, web, điện thoại di động và mạng xã hội".
Để đáp ứng nhu cầu, ông Bui cần tìm nhân tài thật sự. "Các trường đại học VN cho đầu ra kỹ sư lập trình giỏi nhưng không đủ kỹ năng thực tế", ông Bui cho biết.
Forbes nhận định dù người Việt giỏi toán và khoa học, nhưng nhiều công ty IT vẫn phàn nàn các trường đại học địa phương không đào tạo đủ sinh viên tốt nghiệp giỏi nghiệp vụ.
Khi hệ thống giáo dục chưa thể tự điều chỉnh, một số công ty đã liên kết với các tổ chức phát triển, cơ quan chính phủ, phi chính phủ để thúc đẩy thay đổi nhanh chóng. Intel - một trong những nhà sản xuất thiết bị điện tử hoạt động mạnh ở VN - đang đóng vai trò tích cực để cải cách giáo dục.
Theo TT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo