Thị trường

Kênh thanh toán điện tử của các ngân hàng vẫn yếu

Nhiều chủ thẻ vẫn còn dùng thẻ ATM rút tiền mặt thay vì thanh toán qua Internet, trong khi đó, việc phát triển các kênh thanh toán điện tử như Internet Banking, Mobile Banking... hiện thời còn yếu. Đó là ý kiến chung của các chuyên gia ngành NH tại toạ đàm eBanking lần 3 diễn ra tại TPHCM cuối tuần qua.

Theo một thống kê chưa chính thức là Việt Nam hiện đã phát triển tới 60 triệu thẻ ATM (2/3 dân số), 16.000 máy ATM, hàng ngàn điểm thanh toán POS và hàng ngàn điểm thanh toán hàng không, bảo hiểm, viễn thông..., cộng với sự phát triển của các dịch vụ Mobile Banking, InternetBanking, SMS Banking... Trong thời gian qua, việc phát triển mạnh mô hình NH bán lẻ hiện đại nhằm chuyển hướng nguồn thu từ dịch vụ thay vì tập trung khai thác lợi nhuận từ tín dụng theo mô hình NH truyền thống đã và đang được nhiều NH hướng đến, nhất là trong điều kiện tăng trưởng tín dụng những năm gần đây có xu hướng chững lại.

Điều này được nhìn thấy rõ qua việc các NH vẫn đang tích cực phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các kênh Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking... Số lượng máy POS (điểm chấp nhận thanh toán thẻ) đã tăng lên đến 122.000 máy trong năm 2013, và một số NH bước đầu áp dụng hình thức thanh toán di động mPOS (mobile Point-Of-Sale). Tuy nhiên, để tăng thu từ dịch vụ không dễ dàng. H
 
iện nay, ngay cả với những NH lớn thu từ dịch vụ mới chỉ chiếm khoảng 20-30% tổng nguồn thu. Theo đuổi NH bán lẻ buộc các chủ NH phải tăng cường đầu tư công nghệ, cải thiện năng lực quản trị, hướng đến cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, theo đánh giá chung thì dịch vụ NH khá đơn điệu, chưa tạo được nhiều điểm nhấn khác biệt, nên chưa hấp dẫn được khách hàng. Ngay cả khi sản phẩm thẻ phát hành nhiều, nhưng số lượng chủ thẻ giao dịch rất thấp.
 
Theo bà Lê Thị Kim Xuân - Trưởng đại diện Hiệp hội NH tại TPHCM, doanh số sử dụng thẻ ghi nợ nội địa (ATM) trong năm 2013 chiếm đến 93%; vẫn còn hơn 85% chủ thẻ rút tiền mặt, trong khi giao dịch thông qua thẻ lại chỉ có 14%. Bên cạnh đó, việc phát triển và sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến như Mobile Banking vẫn còn yếu. Còn theo ông Nguyễn Đức Huỳnh - Trưởng đại diện CTCP Dịch vụ Thẻ Smartlink tại TPHCM, đa số giao dịch thẻ vẫn được thực hiện đơn giản qua máy ATM/POS, trong khi các giao dịch qua Ecom (cổng thanh toán trực tuyến), Internet Banking, Mobile Banking... trong năm 2013 tuy có tăng nhưng vẫn còn thấp.
 
Theo thông tin từ Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG Đông Nam Á, cho biết thông qua khảo sát thị trường NH của IDG, sự hài lòng của khách hàng đối với các dịch vụ thanh toán Internet Banking, Mobile Banking... vẫn chưa cao. Trong đó, vấn đề bảo mật và an toàn giao dịch là vấn đề khiến khách hàng còn e ngại khi sử dụng dịch vụ trực tuyến. Mối đe dọa lớn nhất của ngân hàng trực tuyến là việc một bên thứ ba tiếp cận được với tên đăng nhập và mật khẩu, ví dụ như trường hợp bị đánh cắp. 
 
Ngoài kiểm tra cơ sở hạ tầng trong việc chống lại các cuộc tấn công của hacker, NH cũng nên chú trọng hướng dẫn khách hàng bảo mật các thông tin cá nhân, mật khẩu và thường xuyên cập nhật phần mềm bảo mật trên máy tính của họ, đại diện của IDG nhận xét.
 
Những vấn đề trên đang đặt ra cho các NH yêu cầu là phải biết đặt trọng tâm chiến lược phát triển vào đâu và tìm cách thay đổi như thế nào để trở thành NH bán lẻ hiện đại phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam. Được biết, 90% thị phần bán lẻ đang thuộc về các NH nội do có lợi thế về mạng lưới và kênh phân phối. Tuy nhiên, thị phần bán lẻ của NH trong nước đang có nguy cơ co hẹp, vì khối NH nước ngoài cũng đang ra sức tấn công thị phần bán lẻ. Nhiều NH nước ngoài như ANZ, HSBC, Standard Chartered, Shinhan Vina... không giấu tham vọng tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam.
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo