Pháp luật

Kết luận vụ đa cấp Liên Kết Việt lừa đảo nghìn tỷ

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa có kết luận điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam.

Ngày 13/4, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã có kết luận điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (gọi tắt Công ty Liên kết Việt, trụ sở tại Hà Nội) và các đơn vị liên quan, theo tin tức trên báo Người lao động. 

Bảy bị can gồm: Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty Liên kết Việt; Nguyễn Thị Thủy, phó tổng giám đốc; Lê Văn Tú, Tổng Giám đốc Công ty Liên kết Việt; Trịnh Xuân Sáng, Lê Thành Sơn, Nguyễn Xuân Trường, Vũ Thị Hồng Dung, đều là thành viên nhóm quản lý phát triển kinh doanh.

Công ty Liên Kết Việt chi tiền làm giả bằng khen của Thủ tướng rồi tự tặng mình. Ảnh: LKV.

Theo kết luận điều tra, Công ty Liên kết Việt đã cùng Công ty CP Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP (gọi tắt Công ty BQP) mạo danh Bộ Quốc phòng để lấy danh tiếng, lừa đảo người tham gia vào hệ thống của mình nhằm thu lời bất chính.

Sở dĩ đặt tên Công ty BQP để khách hàng nhầm tưởng là viết tắt của chữ Bộ Quốc phòng, rằng 2 công ty này cũng như các sản phẩm hàng hóa có liên kết với các đơn vị của Bộ Quốc phòng.

Thực tế, Công ty BQP do chính Lê Xuân Giang lập ra, buôn bán một số sản phẩm gồm máy vật lý trị liệu GREAT-12 in tem nhãn và logo sản phẩm của Bệnh viện Trung ương quân đội 108, máy khử độc Ozone G13 dán mác đơn vị lắp ráp sản xuất là Công ty BQP hợp tác với Công ty Thanh Hà - Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, cả 2 sản phẩm này đều không liên quan đến các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

Dưới danh nghĩa công ty đa cấp, Công ty Liên kết Việt lôi kéo các nhà đầu tư, thuê xe đưa đón khách hàng đến các địa điểm tổ chức sự kiện đại hội tôn vinh nhà phân phối có thành tích xuất sắc. 

Khi đến công ty, nhà đầu tư được nhân viên của Công ty Liên kết Việt và Công ty BQP “chém gió” là công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng, Lê Xuân Giang là đại tá quân đội.

 

Chúng tổ chức các đại hội hoa hồng, lễ đón nhận các danh hiệu, khen thưởng một cách hoành tráng ở những nơi như Thiên đường Bảo Sơn, Trung tâm văn hóa quận Thanh Xuân, Bảo tàng Hà Nội và ngay trụ sở Công ty…, chi thưởng cho các NPP top đầu những phần thưởng cực lớn như căn hộ trị giá 1,8 tỷ đồng, ô tô trị giá 1 tỷ, xe máy SH, Vission ... báo Công an Nhân dân đưa tin.

Với vỏ bọc Bộ Quốc phòng hoành tráng và chiêu trò chi trả tiền hoa hồng siêu cao như trên, từ tháng 3/2014 đến tháng 11-2015, Lê Xuân Giang và đồng phạm đã mở rộng mạng lưới phát triển 34 chi nhánh, văn phòng, đại lý tại 27 tỉnh thành, lôi kéo 66.880 người tham gia ký hợp đồng với tổng số tiền hơn 2.091 tỉ đồng.

Trong số tiền thu được, Giang đã chi cho các NPP, chi hoạt động của công ty tổng số tiền hơn 1.113 tỉ đồng. Như vậy, các bị can đã sử dụng số tiền còn lại và phải chịu trách nhiệm là hơn 978 tỷ đồng.

Cá nhân Lê Xuân Giang phải chịu trách nhiệm hơn 871 tỉ đồng (bản thân Giang khai cũng không nhớ hết chi tiêu khoản gì vì không biết hồ sơ, sổ sách kế toán thế nào); Nguyễn Thị Thuỷ hưởng lợi cá nhân 36,4 tỉ đồng; Lê Văn Tú hưởng lợi 61,9 tỉ đồng; Trịnh Xuân Sáng hưởng lợi 15,4 tỉ đồng; Lê Thanh Sơn hưởng gần 8 tỉ đồng; Vũ Thị Hồng Dung và Nguyễn Xuân Trường mỗi bị can hưởng lợi hơn 4 tỉ đồng.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Công an 49 tỉnh thành phố đã tiến hành lấy lời khai của 9.100 người khách hàng của công ty Liên kết Việt, về cơ bản những người này đều khai báo được bạn bè rủ rê họ đã đến chi nhánh các văn phòng đại diện, đại lý để tìm hiểu về hoạt động kinh doanh của công ty đa cấp Liên kết Việt.

 

Số người này đã mua 63.173 mã sản phẩm với số tiền đã nộp là hơn 747 tỷ đồng, trừ đi số hoa hồng và hàng hóa họ đã được nhận thì hiện họ vẫn bị thiệt hại hơn 423 tỷ đồng.

Trong khi đó, đến nay cơ quan CSĐT- Bộ Công an chỉ tạm giữ được gần 148 tỷ đồng của Lê Xuân Giang (chưa tính tài sản kê biên). Như vậy, khả năng người bị hại được hoàn trả toàn bộ số tiền bị thiệt hại là không thể.

Đây là bài học chung cho những người nhẹ dạ, cả tin, lao vào trò kinh doanh đa cấp mà không hiểu được rằng, cần cảnh giác trước những “miếng phomat trong bẫy chuột”.

Nên đọc
Dã Qùy (Tổng hợp theo báo Người lao động, Công an Nhân dân)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo