Xã hội

Kết quả thi đại học: không chỉ là chuyện vui buồn

Thi trượt đại học - từ ngữ ám ảnh tâm trí dường như của cả xã hội trong kỳ tuyển sinh và dư âm mãi trong thời gian kế tiếp. Dường như giá trị của tấm bằng đại học trong xã hội ta càng ngày càng tăng theo thời gian.

(giaoduc)  Phụ huynh lấy đó làm thước đo công sức và tình yêu của mình đối với con cái. Trung tâm luyện thi và thầy giáo lấy đó làm công cụ marketing cho các chương trình luyện thi. Nhà trường cấp 3 lấy đó làm thành tích để thu hút thêm nhiều học sinh cho những năm tới. 


Bản thân học sinh thì coi tấm bằng đại học là thước đo của giá trị, thành đạt của chính mình trong  xã hội. Xã hội coi nó là con đường duy nhất để tiến thân và thành công trong cả cuộc đời của mỗi cá nhân. 

Các em học sinh thi đỗ đại học tự hào và thở phào đã đền đáp công ơn nuôi dưỡng của gia đình và bố mẹ. Thế còn các em không đạt thì sao ?

Bản thân từ “thi trượt" đã gần như đóng mọi cánh cửa sáng láng đối với học sinh và  gia đình những em thi trượt đó. Trăm ngàn phụ huynh và học sinh vui nhưng cũng có vài chục ngàn gia đình buồn.

Có thật niềm vui là niềm vui hay nỗi buồn đúng là nỗi buồn hay không. Chúng ta cần phải xem xét lại thấu đáo thế nào là thành công của một bạn trẻ trong xã hội. 


Đại học nhằm tạo cho các sinh viên kiến thức về một nghề, một lĩnh vực sau khi ra trường. Hoàn toàn tương tự, các bậc giáo dục khác cũng giống như đại học. Các bậc giáo dục như trung cấp nghề, các chứng chỉ nghề ngắn hạn, cao đẳng và chỉ cần bằng tốt nghiệp lớp 12 cũng đủ tạo ra các cá nhân thực hiện nghề một cách hoàn chỉnh. 

Các vị trí công việc đó không cần thiết cần tới 3-4 năm đại học để đáp ứng yêu cầu nghề. Nói một cách khác, xã hội cần toàn bộ những cá nhân đáp ứng yêu cầu về nghề nghiệp tại các cấp độ khác nhau do năng lực học, hoàn cảnh của gia đình và đam mê của mỗi cá nhân. Trong một khách sạn năm sao, chỉ có 1/5 tới 1/10 nhân viên cần có trình độ đại học. 

Trong khi đó, số lượng lớn các vị trí công việc không yêu cầu bằng đại học như pha chế rượu, tiếp tân, dọn phòng, nhà bếp v.v.... Trong một bệnh viện chắc chắn số lượng y tá, điều dưỡng phải nhiều hơn số lượng bác sỹ, giáo sư. 

Nhìn rộng ra xã hội, rất nhiều nghề yêu cầu không cần bằng đại học như thợ sửa xe máy, máy lạnh, điện, nước, lái xe. Tất cả các bậc giáo dục đều nhằm tạo cho người học một nghề trong xã hội để có thể tự tạo giá trị nuôi sống bản thân, gia đình và kế đó cho xã hội. 

Trượt đại học có thể là nỗi buồn nhưng cũng có thể là điềm may nếu như những học sinh vào học những ngành không đúng sở thích năng lực tại những trường đại học với những ngành xã hội không thật sự cần hoặc dư thừa. 

Sau 3-4 năm học, bản thân các sinh viên đó không tìm kiếm được việc làm và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Các thí sinh đỗ hay không đủ điểm đại học cần nghiêm túc đánh giá lại sở thích, năng lực và đam mê của mình để chọn một nghề, một ngành và một chương trình cho phù hợp với hoàn cảnh của gia đình. 

Trên thực tế học đại học là một khoản đầu tư không nhỏ về thời gian và tiền bạc của một gia đình. Tiền học cả chương trình đại học vài chục triệu, tiền ăn ở trong cả 3-4 năm học tại những thành phố lớn trị giá khoảng  140 triệu đồng ( 3 triệu x 12 x 4 = 144 triệu ), chi phí cơ hội mất đi do sinh viên không đi làm được trong cả 4 năm  khoảng 90 triệu đồng ( 2 triệu x 12 x 4 = 96 triệu ). 

Tổng số đầu tư trong 4 năm học vào khoảng 250 triệu đồng bao gồm chi phí cơ hội. Số tiền này thật sự là một gánh nặng đáng kể cho các gia đình tại Việt Nam. Các  phụ huynh cần xem xét kỹ lưỡng  "thương vụ đầu tư"  tấm bằng đại học này có thật sự giá trị cho bản thân con em và gia đình hay không về mặt kinh tế thay vì các giá trị ảo nói ở trên. 

Đối với học sinh không đủ điểm đại học, hãy bình tĩnh đánh giá lại bản thân mình, hoàn cảnh gia đình và các đam mê nghề nghiệp để xác định cho đúng những chọn lựa hướng nghiệp của mình. 

Cũng tương tự như vậy, đối với các em đỗ đại học với điểm thi sát sàn hay phải thi những ngành hoặc đại học mình không thích. Trước kỳ thi đại học, các em quá bận với tốt nghiệp THPT, thi đại học, bây giờ là thời điểm cần bỏ thời gian thấu đáo để lựa chọn cho mình một con đường đi. 

Các cha mẹ có con không thi đạt cũng không nên buồn phiền. Hãy ở bên cạnh con mình và cùng giúp các em hướng nghiệp cho đúng đắn. Niềm vui thực sự của cha mẹ là nhìn thấy con cái mình trưởng thành, có một nghề có ích trong xã hội và tạo dựng được một gia đình cho chính bản thân các em. 

Nỗi buồn đúng nghĩa đó chính là những cử nhân đại học với tấm bằng tốt nghiệp thường thường bậc trung đang bám trụ tuyệt vọng tại những thành phố lớn trong cả nước kiếm tìm những công việc thậm chí không cần tới bằng đại học. 

Hiện trạng đó sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới do chu kỳ đi xuống của kinh tế vẫn còn ảnh hưởng rất nhiều tới kinh tế Việt Nam và thế giới. Trong thời gian kinh tế khó khăn, chỉ có những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và giỏi mới có cơ hội làm việc ngay khi tốt nghiệp.  

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Để có một nghề , đại học không phải là lựa chọn duy nhất. Khi ta hết lòng với nghề mình đam mê, học tập và làm việc tận tâm tại mọi cấp độ giáo dục đào tạo, thì niềm vui chắc chắn sẽ tới một cách bền vững nhất. 

 
Vũ Tuấn Anh 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo