Pháp luật

Kêu ai khi hội bảo vệ từ chối… bảo vệ?

Trước việc Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Khánh Hòa từ chối tiếp nhận khiếu nại về sản phẩm mang nhãn Dr.Thanh, nhiều người dùng đặt câu hỏi như trên.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, lời khuyên hãy là người tiêu dùng thông minh hay được nhắc tới. Ảnh minh họa: TTO

 

Ông Nguyễn Ngọc Anh - chủ nhà hàng Hữu Nghị (P.Cam Phú, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) - gửi đơn đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Khánh Hòa, hôm 5-3, khiếu nại một loạt 6 sản phẩm Dr.Thanh của công ty Tân Hiệp Phát được bán tại cửa hàng của ông có biểu hiện bất thường như căng phồng, có ruồi, lông, dị vật như rong, cỏ, có màu xanh thẫm…

 
Tuy nhiên, ngày 6-3, bà Nguyễn Thị Trang - chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Khánh Hòa - xác nhận Hội không thụ lý đơn đề nghị bảo vệ quyền lợi của ông Nguyễn Ngọc Anh.
 
Vì sao vậy?
 
“Luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xác định đối tượng được bảo vệ là người mua sản phẩm và tiêu dùng trực tiếp, còn trường hợp của ông Anh là chủ quán, mua để bán lại cho khách nên không đúng đối tượng” - bà Trang giải thích.
 
Bà Trang cho biết thêm, thời điểm nhận được phản ánh, bà chưa biết ông Ngọc Anh là người sử dụng hay kinh doanh nên có hướng dẫn ông làm đơn để báo ngay cho Hội.
 
Khi biết không thuộc thẩm quyền giải quyết và sau khi xin ý kiến trực tiếp từ Sở Công thương, Hội đã chủ động chuyển đơn của ông Anh cho Trung tâm chăm sóc khách hàng của công ty Tân Hiệp Phát.
 
“Nếu ông Ngọc Anh thuộc diện người tiêu dùng thì chúng tôi đã vào cuộc ngay. Chúng tôi đã chuyển đơn khiếu nại tới Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm để xác minh, làm rõ. Dù nói vậy nhưng công ty Tân Hiệp Phát cũng phải có trách nhiệm trong vấn đề này”.
           
Bà Trang nhấn mạnh: “Tôi khẳng định việc ông Ngọc Anh phản ảnh rất là tốt. Trường hợp này, ông Ngọc Anh nên đến làm việc với đại lý lấy hàng trước để xác nhận xem đó có phải là hàng của Tân Hiệp Phát hay hàng giả, hàng nhái. Sau đó, ông Anh hãy phản ánh cho Tân Hiệp Phát. Khi nào hai bên giải quyết không được thì bên thứ ba sẽ đứng ra giải quyết như các chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, chi cục quản lý thị trường…Chúng tôi sẽ luôn theo sát tình hình”.
           
Từ chối bảo vệ là đúng luật
 
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Văn phòng luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn Luật sư TP.HCM), cho rằng: “Đơn khiếu nại của ông Ngọc Anh là không đúng đối tượng giải quyết của Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
 
"Ông Ngọc Anh ở giai đoạn giữa của quá trình tiêu thụ hàng hóa nên không phải là người tiêu dùng" - luật sư Hiệp nói.
           
Tuy nhiên, theo luật sư Huỳnh Phước Hiệp, người kinh doanh sản phẩm có thể không phải là người sản xuất mà là người phân phối. Vì vậy, luật còn chưa hợp lý ở chỗ nếu Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không bảo vệ cho họ thì họ có thể phớt lờ mà bất chấp pháp luật bán ra những sản phẩm lỗi, không tốt cho xã hội.  
 
Vì vậy, luật sư Hiệp cho rằng nên có những quy định tách biệt rõ ràng giữa các đối tượng đại lý, người phân phối hàng hóa và người tiêu dùng.
              
Cơ quan chức năng hoàn toàn có thể quản lý được sản phẩm, buộc người kinh doanh phải kinh doanh những sản phẩm có chất lượng bằng những chế tài mạnh. Không cần thiết phải nhờ đến người tiêu dùng phát hiện lỗi thì mới bắt đầu kiểm tra để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
 
“Cơ quan quản lý thị trường có đầy đủ công cụ giám sát thị trường. Nếu quan tâm hơn đến công ty sản xuất, quản lý tốt chất lượng sản phẩm thì cũng là cách bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng” - luật sư Hiệp nhấn mạnh.
           
Không kêu Hội bảo vệ, vậy kêu ai?
 
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp cho biết: “Trong bộ luật Dân sự có quy định nếu hàng hóa không đúng chất lượng có thể yêu cầu đổi hàng hóa, đòi bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được đúng mức độ thiệt hại do mua sản phẩm không đúng chất lượng”.
 
Trường hợp này, ông Ngọc Anh hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa án để buộc công ty Tân Hiệp Phát bồi thường. Như vậy, quyền và lợi ích hợp pháp của ông Ngọc Anh vẫn được bảo vệ.
              
“Chương 4, luật bảo vệ người tiêu dùng cũng có đưa ra các phương thức giải quyết. Một là thương lượng, nếu không được là hòa giải qua trọng tài và cuối cùng là tòa án. Người khiếu nại có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trừ việc chứng minh lỗi của tổchức cung cấp dịch vụ, hàng hóa” - luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.        
 
 

Công khai chất lượng

 
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, quyền lợi người tiêu dùng cần phải được tôn trọng. Song song đó, luật pháp sẽ bảo vệ những nhà sản xuất chân chính.
 
Ông Hậu cho rằng doanh nghiệp không nên tranh cãi với người tiêu dùng; khi họ cung cấp thông tin về sản phẩm thì nên lắng nghe. Đừng phản ứng gay gắt vì người tiêu dùng không đồng tình với thái độ này. Công khai chất lượng sản phẩm vừa giúp người tiêu dùng an tâm hơn vừa giúp những doanh nghiệp chân chính giữ vững vị trí của mình.
Theo Tuổi Trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo