Khắc khoải nhớ suối nước đắng ở nơi từng mọc bạt ngàn sâm Ngọc Linh
Không phải ngẫu nhiên mà ở huyện Tu Mơ Rông có một địa danh xã mang tên Tê Xăng. Tê Xăng theo tiếng Xơ Đăng nghĩa là “nước đắng”. Chỉ những người già nhất sống dưới chân núi Ngọc Linh mới còn nhớ tới dòng “nước đắng” với huyền thoại về nó. Bởi đã từ lâu lắm rồi, nước nơi đây đã không bao giờ còn đắng…
Mang tên một dòng suối chảy qua rễ sâm
Mới giữa tháng Sáu dương lịch mà trời đã mưa tầm tã. Vượt đèo Măng Rơi mà chúng tôi cứ ngỡ như lạc vào những đám mây đen kịt giữa bầu trời.
Phía trước chặng đường là xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông), nơi có một huyền thoại về “miền nước đắng” mà chúng tôi cần khám phá.
Quá trưa, chúng tôi mới đến trung tâm xã Tê Xăng. Chúng tôi được anh A Muộn - trưởng thôn Tu Thó đưa về thôn, nơi có dòng suối mang tên Tê Xăng cùng những câu chuyện về nó.
Băng qua chiếc cầu treo dân sinh, chúng tôi vượt qua nhiều con dốc bê tông cao ngất. Nhiều điểm bị sạt lở do đợt mưa mấy ngày trước đang được khắc phục. Xa xa, làng Tu Thó cheo leo giữa sườn núi…
Theo giới thiệu của A Muộn, chúng tôi tìm đến nhà ông A Gúp. Ngôi nhà sàn thấp tè của ông A Gúp nằm khuất sâu trong con đường nhỏ. Khi biết chúng tôi là nhà báo, ông vui vẻ mời vào nhà tiếp chuyện.
Ông A Gúp năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn còn tráng kiện và nhanh nhẹn lắm. Bên bếp lửa trong ngôi nhà sàn, ông kể cho chúng tôi nghe chuyện về “nước đắng”.
Ông A Gúp nói: Tê Xăng có nghĩa là “nước đắng”. Ở làng này có một con suối tên Tê Xăng chảy qua. Cái tên này đã có từ lâu lắm rồi, khi tôi lớn lên nghe kể lại nó có từ lúc trước khi ông bà nội của tôi chào đời. Tôi còn nhớ, vào năm 1960, Chi bộ Đảng Cộng sản của xã được thành lập bên cạnh con suối Tê Xăng. Và cũng ngay sau đó xã kháng chiến cũng được thành lập và lấy tên của con suối là Tê Xăng đặt tên cho xã. Từ đó xã Tê Xăng ra đời…
Như để minh chứng cho lời mình nói, ông A Gúp dẫn chúng tôi đến dòng suối mang tên Tê Xăng. Con suối Tê Xăng cách làng Tu Thó chỉ non một cây số đường làng. Băng qua mấy đám ruộng, chúng tôi đã ở cạnh con suối.
Lòng suối không rộng lắm, nhưng dòng nước trong vắt chảy róc rách không ngừng. Chỉ tay về đỉnh Ngo Sang, ông A Gúp nói: Con suối này bắt nguồn từ trong lòng núi này chảy ra. Khi xưa xung quanh ngọn núi này cây cối um tùm, bây giờ nhà báo thấy đó, chỉ còn lại đồi trọc và rẫy cà phê, lúa, mì… của bà con trong làng.
Đưa tay chỉ về khoảnh đất ở hướng đông, nơi người dân địa phương xây cất chòi giữ lúa, ông A Gúp nói tiếp: Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập ngay trên bãi đất bằng này, dưới những tán cây rừng, phía dưới này là suối Tê Xăng. Hồi đó, cũng chưa có mấy đám ruộng này đâu, chỉ rừng là rừng. Sau này, người dân mới lấy nước con suối này dẫn vào làm ruộng…
“Nước đắng”
Qua câu chuyện của ông A Gúp, đến bây giờ thì nguồn nước nơi đây đã không còn đắng nữa. Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, đầy gian khổ người dân ở đây vẫn không bỏ vùng này. Họ vẫn kiên cường bám trụ, một lòng theo cách mạng, nuôi giấu và che chở cho cán bộ.
Bởi nguồn “nước đắng” ở đây giống như “lộc” của thiên nhiên ban tặng không bao giờ cạn kiệt, đã giúp họ vượt qua bệnh tật, chống chọi với sự hà khắc của chốn “rừng thiêng, nước độc.”
Nguồn “nước đắng” đó bắt nguồn từ những đỉnh núi quanh năm mây phủ. Nơi đó có một thứ cây rất quý, từ rất xa xưa người dân ở đây đã biết dùng củ và lá để tẩm bổ và chữa bệnh. Thứ cây đó mang trong mình vị rất đắng, đến nỗi nguồn nước từ trong núi chảy ra thấm qua rễ và củ của cây, làm cho nước cũng có vị đắng. Vì vậy mà dòng suối có tên gọi Tê Xăng cũng là điều dễ hiểu.
Thứ cây thuốc quý hiếm đó người dân nơi đây gọi là “cây thuốc giấu”, hay còn gọi là sâm Khu V mà nay ta gọi là sâm Ngọc Linh, khi đó nhiều vô kể. Theo những người dân sống quanh đây cho biết ngày xưa đến mùa thu hoạch chẳng cần phải đi xa, chỉ lên núi hái một gùi lá thật to và mang ít củ về để trên gác bếp dùng dần.
Nhưng người dân ở đây cũng có một quy định rất nghiêm ngặt. Củ sâm nào chưa đủ 10 mắt là phải trồng xuống lại …Cây “thuốc giấu” – sâm Ngọc Linh nhiều “huyền thoại” được xem như một thần dược trong chữa bệnh ở xứ sở quanh năm lạnh, sương mù này. Ví như phụ nữ vùng này sau khi sinh nở vài hôm là khỏe mạnh và lao động sản xuất bình thường vì được uống thứ nước sắc từ lá của cây đắng (sâm Ngọc Linh). Những người ốm đau bệnh tật … khi được nhai củ thì càng mau khỏi bệnh.
Đặc biệt, trong chiến tranh, nhiều thương binh, bệnh binh của cách mạng được bà con các vùng như Mường Hoong, Tê Xăng, Măng Ri cho ăn củ cây thuốc đắng này mà sức khỏe chóng hồi phục và vết thương mau lành miệng.
Cũng trong những năm kháng chiến đầy gian khổ, người dân ở đây phải chịu cảnh đói cơm, lạt muối nhưng các lực lượng như bộ đội, dân quân du kích, dân công hỏa tuyến nhờ được nhai và ngậm cây thuốc đắng này, nên dù đóng góp nhiều công sức mà không hề thấy mệt mỏi…
Đến bây giờ thì thứ cây thuốc ấy đã trở nên quý hiếm thật sự bởi sự săn lùng, khai thác bừa bãi của con người. Họ thu hoạch cả những cây sâm mới chỉ vài ba năm tuổi, miễn là được một số tiền trước mắt…
Nỗ lực cứu “dòng nước đắng”
Hiện nay, nhằm khoanh nuôi và nhân giống cây thuốc đắng - sâm Ngọc Linh - tỉnh đã có kế hoạch phát triển dự án vùng dược liệu một cách khoa học và bài bản.
Cùng với việc người dân địa phương tự trồng tại các khu rừng, nhiều năm trước đây việc khoanh nuôi và nhân giống sâm Ngọc Linh đã được giao cho các lâm trường, doanh nghiệp tiến hành.
Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông có khoảng 328,37ha, do doanh nghiệp và nhân dân tự trồng; trong đó nhân dân tự trồng phân tán dưới tán rừng trên 15ha. Ngoài ra các loại dược liệu như đảng sâm, đương quy… cũng được đầu tư trồng trên địa bàn huyện.
Giai đoạn 2018-2020, huyện Tu Mơ Rông phấn đấu toàn địa bàn sẽ có 500ha sâm Ngọc Linh, trong đó nhân dân tự trồng 20ha và 250ha cây đảng sâm cùng các loại dược liệu như đương quy, ngũ vị tử, sơn tra, sa nhân tím…. Huyện phấn đấu hình thành ít nhất 2 cơ sở sản xuất giống sâm Ngọc Linh và 1 cơ sở giống cây dược liệu khác…
Tin rằng, với những định hướng đúng đắn của tỉnh và huyện, một ngày không xa, cây sâm Ngọc Linh sẽ trở thành một cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế tỉnh nhà. Và đến khi đó, dòng “nước đắng” nơi đầu nguồn lại tiếp tục tuôn chảy như vốn dĩ ngàn đời không bao giờ khô cạn…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương