Pháp luật

Khai khoáng trái phép sẽ đưa vào Luật hình sự

Thừa nhận việc quản trị khoáng sản tại Việt Nam còn nhiều điểm tồn tại khiến lãng phí tài nguyên thất thoát nguồn thu, song ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “việc minh bạch không chỉ riêng khoáng sản mà với tất cả các doanh nghiệp của Việt Nam cũng chưa minh bạch.Cách quản trị khiến doanh nghiệp chưa thể minh bạch được”.

Vấn đề này vừa được nêu tại buổi Toạ đàm trực tuyến: “Khai thác tài nguyên khoáng sản: Minh bạch và Hiệu quả” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 3/12.

Quản trị yếu kém là thực tế
 
Viện Giám sát nguồn thu của Mỹ tháng 5/2013 đã đưa ra chỉ số quản trị tài nguyên khoáng sản Việt Nam hiện chỉ đứng thứ 43 trong tổng số 58 quốc gia được khảo sát. Là quốc gia thấp nhất trong nhóm các quốc gia yếu kém. Và dưới mức yếu kém thì được xếp vào mất khả năng kiểm soát.
 
Bình luận về con số này, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho rằng con số này chỉ nhằm tới khoáng sản khai thác than và dầu khí. Với các khoáng sản khác không có số liệu để Viện thống kê nhưng cũng là con số đáng cảnh báo.
 
“Tuy nhiên minh bạch đối với doanh nghiệp Việt Nam không chỉ riêng khoáng sản mà thực chất nhìn lại minh bạch trong quản trị đối với tất cả các doanh nghiệp trong nước thấy rằng cách quản trị khiến chưa thể minh bạch được. Và doanh nghiệp khoáng sản cũng nằm trong nhóm chưa được minh bạch”.
 
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương cũng thẳng thắn cho rằng: “Chỉ số quản trị yếu kém là thực tế”.
 
Chỉ số quản trị khoáng sản tại Việt Nam yếu kém là một thực tế
 
Theo ông Quân, nguyên nhân của thực tế này là do công tác điều tra cơ bản xác định tiềm năng các loại khoáng sản chưa được thực hiện đúng mức. Theo đó ngân sách nhà nước chi cho công tác này trong 12 năm khoảng 2.200 tỉ. Tức là 1 năm chi khoảng 180 tỉ đồng thì so với nhu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường là Bộ chịu trách nhiệm về điều tra cơ bản khoáng sản đã chiếm khoảng 40%.
 
“Chúng ta thử tưởng tượng nếu công tác điều tra cơ bản không thực hiện được theo nhiệm vụ thì công tác thăm dò cũng không thể hoàn thành. Khi đó cũng không thể đủ độ tin cậy để quản trị tài nguyên. Và  đó chính là tồn tại về mặt quản trị”, ông Quân nói.
 
Một điểm nữa ông Quân chỉ ra rằng: Trong quy hoạch khoáng sản phải thẳng thắn nhận có một tồn tại lớn là quy hoạch khai thác, thăm dò chưa gắn chặt với quy hoạch sử dụng đất sau khai khoáng và bảo vệ môi trường nên mới xảy ra những tồn tại như vậy.
 
Điều này trước đó, ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm UBKT Quốc hội từng nêu, ở Việt Nam trừ dầu khí, than và một số khoáng sản khác rất đa dạng phong phú. Nhưng ở đâu có  khoảng sản thì ở vùng đó lại rất là nghèo. Ở đâu có khoáng sản thì ở đó môi trường bị hủy hoại. Nguyên nhân của tình trạng này được ông Hùng cho rằng: vấn đề quản trị chiến lược còn yếu.
 
Câu chuyện này có lẽ đã kéo dài mấy chục năm qua, để rồi ngay cả ông Ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng cục Kiểm soát hoạt động Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải cay đắng thừa nhận: Nhà nước hiện không nắm được thực trạng “tài sản” của mình cũng như không kiểm soát được sản lượng khai thác của doanh nghiệp.
 
“Với các doanh nghiệp, trách nhiệm thực hiện quản lý tài sản của nhà nước còn nhiều bất cập. Nhà nước chưa kiểm soát được lượng khai thác của doanh nghiệp. Công tác thống kê kiểm kê chưa được thực hiện nên không kiểm soát được nguồn thu từ thuế tài nguyên. Việc báo cáo định kỳ, thống kê kiểm kê còn chưa tốt, phụ thuộc hoàn toàn vào báo cáo của doanh nghiệp”, ông Thanh cho biết.
 
Công tác quản lý yếu kém, không tính toán để sử dụng hợp lý đã khiến không ít quốc gia quá dựa dẫm vào tài nguyên và rơi vào vòng xoáy của “lời nguyền tài nguyên”.
 
Theo ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE) thì Việt Nam đang có nguy cơ đứng chân này chân kia, cận kề của miệng bẫy.
 
Sẽ tái cơ cấu doanh nghiệp khoáng sản
 
Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho rằng để quản trị khoáng sản tốt hơn thời gian tới việc khai thác khoáng sản trái phép sẽ được đưa vào bộ Luật hình sự.
 
“Sẽ phải tái cơ cấu lại doanh nghiệp khoáng sản. Trong thời điểm này doanh nghiệp nào không có kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm khai thác, năng lực tài chính thì sẽ không thể tồn tại”, ông Ngọc nói.
 
Ông Ngọc cũng cho rằng chỉ nên khuyến khích các doanh nghiệp lớn, có quy hoạch phát triển dài hạn, không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khai thác khoáng sản khi không có đủ các điều kiện như: Tài chính, máy móc, công nghệ...
 
“Không thể để tình trạng đến vài nghìn doanh nghiệp làm khoáng sản như hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ lẻ nên tập hợp thành các doanh nghiệp lớn để cùng khai thác khoáng sản.”, ông Ngọc nhấn mạnh.
 
Còn ông Quân thì cho rằng, cách tính thuế hiện nay chưa khuyến khích phần tận thu cũng như tiết kiệm khoáng sản. Lấy ví dụ như thuế Tài nguyên hiện nay chúng ta vẫn đang cào bằng, phân loại thuế theo chủng loại khoáng sản mà chưa tính đến điều kiện khai thác, chưa tính đến chất lượng khoáng sản. Hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa dám tận thu khoáng sản ở những địa bàn có điều kiện khai thác khó khăn vì với cách tính thuế như hiện nay thì sẽ lỗ.
 
Để giải quyết vướng mắc này, ông Quân cũng đưa ra giải pháp bằng cách rà soát lại phương pháp cũng như cách tính thuế tài nguyên để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và Doanh nghiệp. Đối với những trường hợp như khoáng sản tại những vị trí khai thác khó khăn, nếu cần thiết có thể đánh thuế 0%, có như vậy chúng ta vừa tận thu được tài nguyên, phục vụ cho các nhu cầu phát triển công nghiệp của đất nước, vừa đảm bảo cho doanh nghiệp tồn tại, cân đối được chi phí.
Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo