Khai khoáng Việt Nam còn chìm trong bóng tối
LTS - Việt Nam đang hướng tới tham gia Sáng kiến minh bạch trong khai thác khoáng sản với mục tiêu tận dụng nguồn tài nguyên này một cách hữu ích nhất. Tuy nhiên giữa quyết tâm và thực tế còn khoảng cách khá xa, như một chuyên gia trong chuyến điền dã cùng đoàn nhà báo môi trường về Yên Bái đầu tháng Tám vừa qua nhận xét, nếu không nhanh, khi chúng ta minh bạch được thì chẳng còn gì mà khai thác. Loạt bài của báo điện tử Doanh nghiệp Việt Nam hy vọng góp thêm tiếng nói thúc đẩy việc tham gia Sáng kiến với trên 44 quốc gia tham gia, thúc đẩy quá trình minh bạch để qua đó, đóng góp vào sự phát triển cho đất nước.
Kỳ 1: Khi quan chức vẫn hiểu tài nguyên như hồi học địa lý phổ thông
Có lẽ ngay cả khi muốn công khai thật sự thì với cách hiểu, cách làm ở nhiều địa phương khó mà nói đến quản lý tốt chứ đừng nói đến minh bạch
Quản lý nói không
Một trong những chu trình đầu tiên của hoạt động khai thác khoáng sản là điều tra cơ bản địa chất. “Không có tài liệu điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản thì không thể làm quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên khoáng sản”, ông Lê Đình Đạo, chủ tịch Hội Địa chất – Khoáng sản tỉnh Yên Bái nhấn mạnh.
Thế nhưng điều tra cơ bản địa chất dường như nằm ngoài tầm với của địa phương. Không lạ nếu địa phương nào đó còn lúng túng trong việc quản lý tài nguyên khoáng sản trong phạm vi mình quản lý. “Dưới huyện, xã nói rằng chúng tôi chưa biết đâu là tài nguyên khoáng sản mà bảo vệ. Cái này do Bộ Tài nguyên và Môi trường chứ không phải chúng tôi”, ông Nguyễn Xuân Toản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ lấy dẫn chứng về một ý kiến của cấp cơ sở tại địa phương, cũng là cho thấy thực trạng một khâu trong khai thác khoáng sản dường như đang bị bỏ ngỏ
Không chỉ riêng Phú Thọ, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cũng gặp khó khăn trong việc quản lý tài nguyên khoáng sản của mình với lý do, “ở địa phương chưa có đầy đủ tài liệu điều tra, đánh giá về tiềm năng khoáng sản”. Chính vì thế ông Phạm Văn Đoàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cho biết, công tác tổ chức bảo vệ khoáng sản chưa khai thác còn khó khăn.
Ông Đoàn giải thích kỹ hơn, những số liệu chung địa phương cũng có nhưng cụ thể từng xã, từng khu vực nào thì chưa có.
Do chưa chi tiết hóa số liệu nên việc lập phương án bảo vệ khu vực khoáng sản chưa khai thác gần như không thể. “Chúng tôi triển khai phương án bảo vệ khoáng sản xuống huyện được thôi, còn cụ thể xã nào thì không có”, vị cán bộ quản lý cấp tỉnh thừa nhận. Cũng vì thiếu thông tin nên cơ quan quản lý địa phương cũng khó trả lời được cụ thể xã này có khoáng sản gì, xã kia có trữ lượng bao nhiêu.
Thông tin thiếu cũng gây ra hỗn loạn trong cấp phép khai thác. “Ngay việc khoanh định khu vực để cấp cho doanh nghiệp khai thác cũng có nhiều bất cập. Một quả núi chia mỗi ông doanh nghiệp một mảnh để khai thác. Ông quản lý cũng không biết được mình có bao nhiêu mỏ để mà quản”, ông Lê Đình Đạo chia sẻ.
Khoa học nói có
Nếu chỉ nghe hàng loạt địa phương giải bày thông tin mà ngay cả họ cũng đang thiếu, đang vá víu, không mấy ai còn dám hy vọng triển khai các sáng kiến minh bạch trong thời điểm này. Nhưng những gì các cơ quan quản lý trực tiếp ở địa phương nói lại không như các nhà khoa học nói.
Trả lời ý kiến không và thiếu trong buổi làm việc trực tiếp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, TS Đào Trọng Hưng “mắng”: “Bây giờ hiểu khoáng sản, tài nguyên chúng ta hoàn toàn hiểu bằng cách học địa lý hồi phổ thông thôi”.
TS Đào Trọng Hưng, ở Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, làm một hơi bảo thiếu tài liệu đánh giá tiềm năng khoáng sản là không đúng. Thực ra chúng ta có một quá trình rất dài từ khi thành lập Cục Địa chất đến Tổng cục Địa chất rồi các liên đoàn, các viện địa chất của tổng cục, rồi viện địa chất của Viện Khoa học Việt Nam.
Có rất nhiều các điều tra cơ bản của các liên đoàn, các đoàn địa chất, làm rất cơ bản, rất nhiều số liệu. Cả Ủy ban Kế hoạch Nhà nước trước đây hay cục điều tra cơ bản cũng có số liệu. Thế mà cho đến nay, ở địa bàn nói không có. Đáng lẽ bây giờ đồng chí Mai Thành Trung (Phó trưởng phòng Tài nguyên Khoáng sản , Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái) là người quản lý khoáng sản, có thể bật máy lên để xác định có cái gì, có bao nhiêu, khai thác được như thế nào. “Đấy, thế thì bây giờ mình quản lý bằng cái gì! Quản lý bằng cách mình không có dữ liệu cơ bản thì mình quản lý cái gì!”, TS Hưng kết thúc
Nói về cái thiếu mà Yên Bái là ví dụ, một nhà khoa học khác, TS Nguyễn Đồng Hưng, Chánh văn phòng Tổng hội Địa chất Việt Nam khẳng định thêm, “ từ năm 1996, Cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam đã bàn giao toàn bộ tài liệu khoáng sản của tỉnh Yên Bái đến thời điểm năm 1995. Còn từ đó đến nay có rất nhiều công trình nghiên cứu về địa chất khoáng sản của tỉnh Yên Bái”.
Không biết Yên Bái có tiếp nhận được những thông tin của cơ quan quản lý địa chất cao nhất công bố và đưa vào lưu trữ . “Tôi cho rằng nếu chúng ta cập nhật được các thông tin đó, cũng đã khá nhiều chứ không phải là không có. Tôi cũng biết Tổng cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam đã lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000, tức là tỷ lệ cao nhất trong điều tra về khoáng sản, còn sau tỷ lệ 50.000 là do các doanh nghiệp làm. Như vậy là đủ điều kiện để chúng ta quản lý cái tài nguyên khoáng sản chưa khai thác rồi”, TS Nguyễn Đồng Hưng nói.
Ở cấp trung ương, đích thân Cục trưởng Tài nguyên Khoáng sản khẳng định, bây giờ luật phải công khai những chuyện đấy ra. Công khai thăm dò chỗ nào, công khai những chuyện khai thác ở chỗ nào, công khai những cái theo luật khoáng sản mới.
Thông tin mù mờ thế lấy gì để công khai. Không công khai thì không giám sát được, không minh bạch được. Dân không biết là ở đây có cái gì khai thác, khai thác như thế nào, quản lý thế nào, cái nào là trung ương cấp phép, cái nào là địa phương cấp phép, đóng góp của các doanh nghiệp thế nào. Nếu bây giờ doanh nghiệp hoặc dân đến hỏi chỉ cần bật máy lên xem, “ông đá quý ở chỗ nào, đá trắng ở chỗ nào, vôi chỗ nào, sản phẩm bao nhiêu, tính giá thế nào, lượng giá ra sao, giấy phép thế nào, định mức thế nào. Nhưng hoàn toàn không có”.
Vấn đề của Yên bái rõ ràng là vấn đề chung mà các nhà chuyên môn, khoa học hay quản lý đều thấy đây là vấn đề cấp bách, một lỗ hổng rất lớn của quy trình quản lý, khai thác khoáng sản. Quản lý mà không đánh giá được thực chất có cái gì ở trong lòng đất, có cái gì ở trên rừng, có cái gì ở cái sông thì quả là nguy. Giả sử mai đây muốn minh bạch, muốn công bố, công khai, đòi hỏi giám sát nhưng không có thông tin gì thì giám sát chỉ là vô dụng .
Khoáng sản không thể nói chung chung là ta có đá quý, có sắt, có vàng, nhôm chỗ này, chỗ kia nếu muốn sử dụng tài nguyên tốt nhất để xây dựng đất nước.
Muốn xây dựng chiến lược cho phát triển, muốn giữ gìn bền vững tài nguyên và cho thế hệ này, cho thế hệ sau, cho tương lai, phải là những con số cụ thể. Cứ hiểu địa lý chung chung là rừng vàng biển bạc thì mai sau còn đâu bạc với vàng
Nguyên tắc chung của EITI (Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác) là tăng cường sự giám sát của công chúng trong hoạt động khai thác khoáng sản. Theo đó một số thông tin liên đến dự án khai thác khoáng sản được công khai với sự tham gia của đại diện nhà nước, doanh nghiệp và xã hội dân sự.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Kiện toàn giải pháp thanh toán chạm: VPBank “xanh hóa” để bảo vệ môi trường
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ