Khai thác khoáng sản phải nghĩ đến đầu tư cho tương lai
Chưa minh bạch
Khoáng sản là nguồn thu không tái tạo trong khi cơ cấu ngân sách của nhà nước phụ thuộc nhiều vào khoáng sản, đặc biệt là dầu khí. Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia, thu ngân sách từ khai thác khoáng sản vẫn chưa chặt chẽ dẫn đến rủi ro thất thu.
Theo TS Lê Quang Thuận, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, cơ cấu ngân sách của Nhà nước phụ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản và nguồn thu không tái tạo. Số thu ngân sách từ tài nguyên ngày càng tăng lên. Tổng thu thuế tài nguyên so với tổng thu ngân sách nhà nước tăng từ 4,26% năm 2009 lên 5, 54% năm 2012. Trong khi đó, thu từ dầu khí chiếm tỷ trọng lớn, tính riêng năm 2012, thu từ dầu thô chiếm 19% tương đương 4, 3% GDP.
Câu hỏi đặt ra là, số thu ngân sách có tương xứng với mức độ khai thác, chi phí đầu tư và tổn thất môi trường hay không? Có sự thất thoát nguồn thu không? Ông Thuận cho biết, với cơ chế hiện nay chưa đảm bảo minh bạch. Cho dù thuế suất cao nhưng giá thu thuế và quản lý sản lượng khai thác không chặt chẽ thì số thu không thể cao và khai thác hiệu quả được.
Giá tính thuế hiện nay cơ bản do chính quyền địa phương xác định giá. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp khai khoáng chủ yếu đang thực hiện cơ chế tự khai tự nộp, theo đó các khoản thuế và phí chủ yếu được tính toán dựa trên sản lượng do doanh nghiệp tự khai báo.
Bà Hoàng Thị Hà Giang, Trưởng phòng Các nguồn thu từ đất, vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay chưa có cơ chế để giám sát sản lượng khai thác thực tế của doanh nghiệp. Điều này dấn đến những rùi ro thất thu do doanh nghiệp khai báo số liệu thấp hơn thực tế hoặc không thực hiện các nghĩa vụ đóng góp như cam kết ban đầu.
Ngoài ra, nhiều trường hợp doanh nghiệp chỉ xuất hóa đơn khi người mua yêu cầu để trốn sản lượng và giá tính thuế. Mặt khác, việc quản lý khai thác khoáng sản ở nhiều nơi còn lỏng lẻo, nên vẫn còn hiện tượng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép gây thất thu về sản lượng tài nguyên.
Thất thoát nhiều
Một lý do nữa gây nên việc thất thu trong khai thác khoáng sản, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, tình trạng xuất lậu khoáng sản diễn ra khá công khai. Vì là xuất lậu nên nhà nước không thu được thuế. Do đó, cần phải chú ý quản lý xuất lậu.
Năm nay, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị tăng thêm một triệu tấn dầu và nửa triệu tấn than để xuất khấu nhằm đóng góp cho sự tăng trưởng.
Theo ông Doanh, cần phải quản lý tốt, thu được đầy đủ, công khai minh bạch thì sẽ tốt hơn cho người dân, cho ngân sách và bảo vệ môi trường.
Cùng quan điểm trên, ông Phạm Quang Tú đến từ Tổ chức Oxfam cho rằng, làm sao để tăng hiệu quả thu ngân sách. Ngành khai khoáng là ngành nguyên liệu đầu vào cho các ngành khác, rất cần cho tương lai. Do đó, không nên mắc bẫy tăng thu ngân sách từ việc cấp phép khai thác nhiều lên mà cần tăng hiệu quả nguồn thu. Cơ quan nhà nước cần phải xiết chặt tránh thất thoát trong quá trình thu khoáng sản.
Nhìn theo một quan điểm khác, ông Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, để đạt được hiệu quả thu ngân sách cần phải mang tính bền vững và quan trọng là có quy hoạch lâu dài. Chúng ta hơi nặng về trước mắt không nặng về lâu dài. Phải đưa yếu tố môi trường, xã hội vào.
Sau khi khai thác doanh nghiệp không thể hoàn trả tài nguyên trong khi chúng ta chỉ nghĩ khai thác một cách đơn giản. Lẽ ra sau khi khai thác xong cần tính đến giải pháp làm hồ chứa nước, hồ câu cá, làm du lịch sau này. Đấy thực chất là đầu tư cho tương lai. Lấy tiền thu từ khoáng sản đầu tư trở lại. Hiệu quả lâu dài phải tính. Khai thác khoáng sản là ngành đầu tư cho tương lai chứ không phải là mất đi. Một công đôi việc. Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc đó. Đó mới đúng là hiệu quả nguồn thu ngân sách.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh