Khẩn cấp giải quyết nợ xấu và tồn kho
Thiểu phát đã hiện hữu
Thực trạng thiểu phát đã "le lói" xuất hiện từ tháng 6; khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính theo tháng lần đầu tiên giảm sau 38 tháng tăng liên tục. Sang tháng 7, dù xét dưới góc độ nào (so với tháng trước, so với cuối năm trước, so với cùng kỳ năm trước, ở hầu hết các loại hàng, dịch vụ chủ yếu, ở cả vàng, USD, bất động sản, thì tốc độ tăng giá vẫn tiếp tục mang "dấu âm" hay tăng thấp hơn tháng trước.
Nợ xấu ở mức cao và việc đáp ứng các điều kiện vay của các doanh nghiệp thấp, nên tăng trưởng tín dụng dù có tăng lên trong một vài tháng tới, nhưng khả năng vẫn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của năm 2011.
Bản thân đó cũng là yếu tố của thiểu phát. Yếu tố trực tiếp này cùng với các yếu tố khác (như đầu tư, sức mua giảm, hàng tồn kho cao…) sẽ làm cho CPI tiếp tục giảm hoặc tăng thấp trong thời gian tới. CPI tính theo năm của tháng 7 (tăng 5,35%) và chưa chạm "đáy" của năm nay.
Theo dự đoán của nhiều chuyên gia kinh tế, mức "đáy" của CPI có thể sẽ rơi vào tháng 9.
Xử lý hai điểm nghẽn
Thắt chặt tiền tệ là một trong những yếu tố trực tiếp dẫn đến thiểu phát. Và đến lượt thời điểm này, nếu không được giải quyết sớm và tích cực, thiểu phát lại là yếu tố trực tiếp cùng với yếu tố tổng cầu giảm, đầu tư và tiêu dùng co lại, tồn kho cao sẽ dẫn đến giảm phát (suy giảm tốc độ tăng trưởng).
Tăng trưởng kinh tế quý I chỉ đạt 4%, thấp nhất so với cùng kỳ trong 2 năm trước, chỉ cao hơn tốc độ "đáy" (3,14%) của quý I/2009. Quý II, đã có dấu hiệu "thoát đáy" vượt dốc đi lên với tốc độ tăng cao hơn (4,66%), nhưng tính chung 6 tháng cũng chỉ tăng 4,38%, thấp nhất so với tốc độ tăng của cùng kỳ 2 năm trước (2010 tăng 6,18%, 2011 tăng 5,63%).
Đáng lưu ý, việc suy giảm tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước diễn ra ở cả 3 nhóm ngành, trong đó nhóm ngành công nghiệp và xây dựng, tuy là nhóm ngành đầu tàu, động lực tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế lại xuống sâu nhất, quý II có cao lên, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng chung.
Theo dự báo của nhiều chuyên gia và trong Hội nghị ngành Kế hoạch và Đầu tư mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra dự báo khả năng cả năm tăng 5,2 - 5,7%. Theo đó, nếu tăng từ 5,33% đến 5,7%, tăng trưởng năm 2012 chỉ là "đáy" của 3 năm trở lại đây.
Nhưng, nếu tăng dưới 5,32% như năm 2009 (là tốc độ "đáy" của 10 năm trước), thì tăng trưởng năm 2012 sẽ là "đáy" của 13 năm qua (tính từ năm 2000). Sự suy giảm tăng trưởng này đồng nghĩa với giảm phát.
Để khắc phục, thiểu phát, giảm phát cần phải có các biện pháp với liều lượng cao hơn, thời gian khẩn cấp. Trong các vấn đề hiện nay, có hai điểm nghẽn lớn nhất là nợ xấu và tồn kho. Nợ xấu tăng lên, với quy mô lớn, trong khi giải pháp xử lý lúng túng, kéo dài.
Tồn kho tuy tốc độ tăng có chậm lại, nhưng vẫn còn rất cao, lại diễn ra trên diện rộng ở hầu hết các sản phẩm, hàng hoá, ở hầu hết các ngành, từ lương thực, thực phẩm, công nghiệp chế biến, vật liệu xây dựng, xây dựng, bất động sản. Tập trung và khẩn trương trong xử lý hai điểm nghẽn lớn nhất này, kinh tế thời gian tới mới có thể khắc phục thực trạng thiểu phát, giảm phát.
Theo KTĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo