Khánh thành công trình thuỷ điện số 1 Đông Nam Á
Thủy điện Sơn La đã hoàn tất và chuẩn bị khánh thành cuối tháng 12 này. Dự án đã vượt tiến độ sớm 3, làm lợi cho Nhà nước 2 tỷ USD.
Thủy điện Sơn La được xây dựng trên địa bàn xã Ít ong, huyện Mường La, Sơn La. Dự án là công trình trọng điểm quốc gia, được Quốc hội phê duyệt, là bậc thang thứ hai trên dòng chính sông Đà (trên là thủy điện Lai Châu, dưới là thủy điện Hòa Bình). Dự án có công suất 2.400 MW bao gồm 6 tổ máy với tổng mức đầu tư 60 ngàn tỷ đồng do tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư và tổng thầu là Tổng công ty Sông Đà.
Nhiệm vụ chính của dự án là cung cấp điện lên hệ thống điện quốc gia với sản lượng điện trung bình hằng năm là 10,2 tỉ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.
Được khởi công vào 02/12/2005, sau 7 năm ròng rã thi công, dự án đã hoàn tất và chuẩn bị khánh thành cuối tháng 12 này. Hiện cả 6 tổ máy hiện đều đã hòa vào lưới điện quốc gia, trong đó, riêng tổ máy 1 hòa lưới thành công vào ngày 17/12/2010 sớm hơn 2 năm. Với sự thi công thần tốc của Tổng công ty Sông Đà, dự án nhà máy thủy điện Sơn La đã về đích sớm hơn 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội.
Việc phát điện sớm các tổ máy đã góp phần hòa lưới điện quốc gia 10,24 tỷ KWH/năm tương đương 7.000 tỷ đồng/năm và giảm chi phí lãi vay 3.000 tỷ đồng. Ước tính làm lợi được cho nhà nước một số tiền lớn khoảng 10.000 tỷ đồng/năm, nếu tính gộp cả 3 năm thì số tiền lên đến gần 40 ngàn tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD).
Nhà máy thủy điện Sơn La về sớm hơn 3 năm, đóng góp vào lưới điện Quốc gia 10,24 tỷ KWH/năm, làm lợi cho nhà nước 2 tỷ USD
Theo ông Dương Khánh Toàn – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Sông Đà, sở dĩ việc thủy điện Sơn La có thể hoàn thành và vượt tiến độ so với nghị quyết của Quốc hội có nhiều nguyên nhân. Trước hết, đó là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ khi thành Ban chỉ đạo nhà nước công trình Thủy điện Sơn La. và ban hành nhiều cơ chế đặc thù riêng cho Thủy điện Sơn La. Ngoài ra, còn có sự tham gia quyết liệt của các địa phương như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên trong công tác giải phóng mặt bằng di dân tái định cư….
Về phía mình, Tổng công ty Sông Đà với vai trò Tổng thầu xây lắp đã huy động lực lượng quân tinh nhuệ vào thi công công trình. Đồng thời, Tổng công ty cùng các nhà thầu đã huy động mọi nguồn vốn, mạnh dạn, đầu tư công nghệ mới để đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, Tổng công ty đã đầu tư dây chuyền thi công bê tông đầm lăn đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công nhanh hơn 1 năm so với việc áp dụng các công nghệ thông thường khác.
Ông Toàn chia sẻ, thời điểm đó, việc khó khăn lớn nhất đối với nhà thầu đó là việc thu xếp nguồn vốn để nhập khẩu hệ thống dây truyền thi công bê tông đầm lăn này. Bởi đây là dây truyền thi công hiện đại nhất thế giới, có giá thành thời điểm năm 2005 là hơn 400 tỷ đồng trong khi nguồn lực tài chính của các nhà thầu hạn chế. Tuy nhiên, xác định việc thi công thủy điện Sơn La không đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Đảng, Chính phủ đã giao vì vậy Tổng công ty với vai trò tổng thầu đã nỗ lực hết sức.
“Giờ đây, thành quả lớn nhất thủy điện Sơn La là hoàn thành sớm hơn 3 năm, chúng tôi là những người xây dựng rất tự hào vì mình đã thực hiện cho đất nước một dự án hiệu quả và đem lại lợi ích to lớn và chúng tôi tự hào về đội ngũ cán bộ, công nhân, kỹ sư của mình thi công xây lắp công trình đáp ứng được yêu cầu tiến độ, chất lượng, hiệu quả dự án” ông Toàn nhấn mạnh.
Đánh giá về sự đóng góp của Tổng công ty Sông Đà trong việc đảm bảo tiến độ thi công thủy điện Sơn La, ông Cầm Ngọc Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, việc Nhà nước ta chọn Tổng công ty Sông Đà là tổng thầu để xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La – một công trình lớn nhất của nước ta là sự lựa chọn sáng suốt bởi đây là Tổng công ty có thương hiệu của cả nước và được đánh giá rất cao.
Dự án thủy điện Sơn La đã được Tổng công ty Sông Đà tổ chức triển khai một cách nghiêm túc và về đích trước tiến độ 3 năm so với nghị quyết Quốc hội đề ra. Đây là thành công rất lớn. Việc công trình được được hoàn thành sớm đã góp phần cung cấp nguồn điện năng phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Đồng thời, góp phần chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa kiệt cho cả vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Đoàn Huế (Theo VnMedia)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam