Khánh thành nhà máy đầu tiên biến rác thải thành dầu
Sáng 27.6, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cùng Công ty CP Môi trường Việt Nam khánh thành giai đoạn 1 Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn, lần đầu tiên trên cả nước không chôn lấp rác mà xử lý 100% thành các sản phẩm năng lượng tái tạo, Thanh niên cho biết.
Giai đoạn 1 đầu tư 400 tỉ đồng trên diện tích 10 ha, rác - chất thải rắn được đưa vào hệ thống hút khí ẩm để khử mùi, sau đó qua dây chuyền tách lọc phân thành 3 loại.
Trong số này, nilon được dây chuyền nhiệt phân cracking sản xuất dầu PO, RO và FO. Rác hữu cơ đưa vào dây chuyền nung yếm khí và cho ra than sinh học, than biochar. Dầu và than sinh học làm nhiên liệu công nghiệp, than biochar dùng tái tạo đất lâm nghiệp.
Đất đá, xà bần, chai lọ thủy tinh được khử thành phần ô nhiễm bằng nhiệt, nghiền nhỏ, thêm phụ gia để sản xuất gạch không nung, phục vụ công trình xây dựng.Giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành cuối năm 2016, đầu tư 500 tỉ đồng nâng công suất lên 700 tấn rác/ngày, giải quyết việc làm hơn 200 lao động địa phương.
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho hay, lượng rác toàn thành phố hiện 650 tấn/ngày và sẽ tăng lên 700 tấn/ngày trong thời gian tới là thách thức lớn cho mục tiêu “thành phố môi trường” của Đà Nẵng bởi phương pháp xử lý chôn lấp hiện nay vẫn gây ô nhiễm và bãi rác Khánh Sơn rộng 50 ha sẽ quá tải và đóng cửa năm 2020 trong khi đã hết quỹ đất chôn lấp rác thải.
Do đó, theo ông Điểu, việc Đà Nẵng tiên phong xử lý thành công 100% rác không chôn lấp mà biến thành dầu, than đốt và vật liệu xây dựng sẽ chấm dứt ô nhiễm bãi rác, tạo bước ngoặt trong lĩnh vực môi trường cả nước, có thể áp dụng rộng rãi ở nhiều địa phương, đồng thời giúp Đà Nẵng sớm đạt mục tiêu “thành phố môi trường”.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Công ty CP Môi trường Việt Nam cho biết: Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn xây dựng trên tổng diện tích 10ha tại thôn Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Nhà máy có tổng số vốn đầu tư gần 900 tỉ đồng, chia làm 2 giai đoạn; Gia đình & xã hội đưa tin.
Nhà máy được đầu tư các dây chuyền công nghệ xử lý triệt để chất thải rắn không chôn lấp, không phát tán ô nhiễm thứ cấp ra môi trường, đồng thời sản xuất ra các sản phẩm năng lượng tái tạo từ chất thải rắn.
“Chúng tôi đã tìm hiểu công nghệ xử lý chất thải rắn ở nhiều nơi trên thế giới và các địa phương khác trên cả nước để tìm kiếm công nghệ phù hợp với đặc điểm rác thải Việt Nam, nhưng phải tái sử dụng được tối đa nguồn rác thải, giảm tỷ lệ chôn lấp xuống mức tối thiểu.
Sau quá trình nghiên cứu, tìm tòi và cải tiến công nghệ phù hợp, chúng tôi đã phát triển và làm chủ công nghệ có thể tái sử dụng hầu như 100% thành phần có trong chất thải rắn để tạo ra các sản phẩm hữu ích, đặc biệt, tỷ lệ chôn lấp là 0%”, ông Tuấn cho biết.
Được biết, chất thải rắn được phân loại thành 3 thành phần chính: nilon, rác hữu cơ và đất đá – xà bần – chai lọ thủy tinh. Sau đó nilon sẽ được đưa vào dây chuyền nhiệt phân cracking để sản xuất ra dầu PO, RO và FO. Thành phần rác hữu cơ sẽ được đưa vào dây chuyền nung yếm khí để sản xuất ra than sinh học và than biochar.
Đất đá, xà bần, chai lọ thủy tinh đưa qua nhiệt để khử các thành phần ô nhiễm và được nghiền nhỏ, thêm phụ gia để sản xuất gạch không nung dùng cho các công trình xây dựng công cộng và dân sinh. Tất cả các sản phẩm đều đã được kiểm định đủ tiêu chuẩn chất lượng theo quy định tiêu chuẩn ngành.
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn không chôn lấp được khánh thành sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Công nghệ xử lý chất thải rắn đang được ứng dụng tại Công ty CP Môi trường Việt Nam sẽ là điểm sáng trong lĩnh vực xử lý môi trường tại TP. Đà Nẵng. Phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng chôn lấp – một phương pháp có nhiều hạn chế như chiếm quỹ đất, phát sinh mùi hôi, khí độc hại, nước rỉ rác, nguy cơ cháy nổ… sẽ không còn áp dụng trong thời gian tới.
Với thành tựu này, TP. Đà Nẵng sẽ sớm đạt được mục tiêu “Thành phố môi trường” trong tương lai. Công nghệ này được kỳ vọng sẽ ứng dụng rộng rãi tại các địa phương khác trên cả nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo