Chân dung

Khát vọng vượt lên

(DNHN) - Khát vọng vươn lên, chiến thắng nỗi đau da cam – Đó cũng là điều anh Diêm Trọng Thắng gửi gắm vào logo sản phẩm của mình. Anh Thắng nói: “Màu đỏ là tượng trưng cho nhiệt huyết, ngôi sao và vầng trăng là biểu tượng của khát vọng tuổi trẻ, những ước mơ bay bổng. Những người như chúng tôi cũng có những ước mơ và vầng trăng, ngôi sao sẽ chắp cánh cho ước mơ ấy vươn cao.”

Lần theo địa chỉ, chúng tôi tới thôn Khả Lễ 2, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh. Hai cha con ông Diêm Trọng Thách và anh Diêm Trọng Thắng đang “đánh vật” với chiếc xe Nouvo của một khách hàng Hải Phòng.

 

Mải mê làm việc, họ chỉ ngẩng lên hỏi chúng tôi: “Anh chị muốn đặt xe cho người nhà à?” rồi lại cúi xuống lặng lẽ với công việc của mình. Sau hơn một giờ đứng quan sát hai cha con, chúng tôi mới có cơ hội chuyện trò với gia đình đặc biệt này.

 

Năm 20 tuổi, với sự cháy bỏng, nhiệt huyết và cống hiến của tuổi trẻ, chàng trai Diêm Trọng Thách lên đường nhập ngũ, ông cùng đồng đội tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị - Khe Sanh, Thượng Lào… thuộc binh trạm 14, 18, 21.

 

Bốn năm sống dưới làn bom đạn của kẻ thù, với bao lần đối mặt với cái chết, ông đã nhiều lần bị thương nặng. Rời quân ngũ, ông phục viên về làng, xây dựng quê hương, xây dựng tổ ấm, lấy vợ sinh con. Bốn người con trai kháu khỉnh, bụ bẫm: Toàn, Tiến, Thắng, Thịnh lần lượt chào đời trong niềm hân hoan của vợ chồng trẻ.

 

Thế nhưng, những năm tháng chiến đấu trên chiến trường, ông đã nhiễm chất độc da cam/dioxin để rồi truyền sang các con ông. Một vết thương không mảnh đạn, không rỉ máu, nhưng lại dai dẳng, đau đớn và âm thầm tàn phá cuộc đời con cái của ông suốt mấy chục năm qua. Gạt nỗi đau, ông động viên vợ gắng gượng mà đứng dậy chăm sóc các con trưởng thành…

 

Năm 2007, 4 anh em anh Thắng đưa ra ý tưởng mua một chiếc xe ba bánh để mấy anh em có thể ra ngoài ngắm nhìn cuộc sống. Lúc đầu, mọi người ngăn cản, cho là ý định viển vông, vì điều kiện sức khỏe của mấy anh em không đảm bảo. Nhưng điều đó không ngăn cản ước mơ của các anh.

 

Mất hơn một năm gom góp tiền từ việc buôn bán tạp hóa, các anh chung nhau mua một chiếc xe điện và nêu ý tưởng để một xưởng cơ khí gần đó chế lại thành xe ba bánh. Sau 4 tháng sử dụng, sản phẩm này bắt đầu bộc lộ một số lỗi như độ chính xác, xe không chịu đi thẳng mà cứ quay tròn.

 

Thấy vậy, anh Thắng tự mày mò cải tiến, khắc phục các bộ phận lỗi, bỏ vỏ khung, chỉ giữ lại củ máy. Anh nghĩ, trục xe nhỏ sẽ có tính thẩm mỹ, nhưng lại dễ bị cong, gãy nên làm trục to hơn (đường kính 21mm) và vòng bi lớn hơn, có khả năng chịu tải lên tới 200 kg. Sau khi chiếc xe này hỏng, anh tháo tung nó ra, tìm hiểu nguyên lý hoạt động.

 

Sau khi làm hỏng khoảng 2 – 3 chiếc xe, xưởng Trọng Thắng bắt đầu làm ra sản phẩm thương mại đầu tiên. Xửởng chuyên thiết kế khung càng, trục xe, ống bao trục, cải tiến vòng bi để chuyển từ kết cấu xe hai bánh thông thường thành xe ba bánh. Ban đầu phải đặt mẫu mã, các phụ kiện chuyên dụng trên thị trường, chỉnh sửa cho nhỏ gọn, phù hợp với xe máy.

 

Những chi tiết cần độ chính xác cao, anh tận dụng các sản phẩm có sẵn của các hãng uy tín và cải tiến lại, ví dụ như bát phanh nhôm được tiện đi cho vừa ống bao, hàn ghim điểm tay phanh… riêng cơ cấu số lùi phải đặt ở xưởng cơ khí ô tô. Sau này, do chi phí thuê ngoài quá đắt, ông Thách và anh Thắng, anh Thịnh mày mò học thêm nghề hàn, tập luyện trên các thanh sắt vụn. Sau khi bán được sản phẩm, họ tiết kiệm mua máy móc, tự làm toàn bộ tại xưởng – sân sau nhà.

 

Khi mới khởi đầu, phải mất hơn 1 tháng để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Tới giờ, khi đã thạo nghề, mấy bố con mất trung bình từ 7 – 20 ngày cho một chiếc xe.                                                          

Tới giờ, xưởng Trọng Thắng đã cải thiện bánh tải của xe chuẩn xác đến mức tối đa, vận hành liên tục trên những quãng đường dài, gập ghềnh. Anh Thắng đã nhờ hai người em họ thử xe trên một quãng đường từ Bắc Ninh lên Bắc Giang, qua Lạng Sơn, về Hà Nội rồi tiếp tục ngược lên Hòa Bình, vừa để thử độ ổn định của xe trên các cung đường khác nhau, vừa tranh thủ đi tìm hiểu, nghiên cứu thị trường.

 

Đặc biệt, với mỗi khách hàng, tùy theo các khuyết tật về mặt hình thể, anh Thắng lại tư vấn và thiết kế một kiểu xe riêng cho họ. Để đảm bảo uy tín của mình, xưởng của anh chủ yếu chế lại xe cũ của khách hàng mang tới, trừ một số trường hợp đặc biệt, anh mới đặt mua hộ khách xe mới.

 

Dù sức khỏe không tốt, anh Thắng vẫn thường đi quanh thành phố Bắc Ninh và Hà Nội để tìm những nguồn phụ kiện tốt và giá cả hợp lý.

Niềm vui bên “người bạn” mới (khách hàng tại Hưng Yên)

 

Có những người khách muốn anh đến tận nhà tư vấn và xem trước mẫu sản phẩm, anh cũng không ngần ngại lái xe đến với họ, vì anh nghĩ họ cũng có cùng khao khát như anh ngày xưa. Vì nhiệt tình và uy tín, sản phẩm của xưởng Trọng Thắng đã đến với những người khuyết tật ở khắp các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Sơn La, Hà Giang… và một số tỉnh miền Trung.

 

Anh Thắng chia sẻ: “Mình vừa thiết kế một website có tên là www.xebabanh.vn để thuận tiện hơn cho người khuyết tật có nhu cầu tìm kiếm, tìm hiểu về xe ba bánh và thuận tiện hơn cho việc quảng bá sản phẩm của cơ sở”.

 

Cũng nhờ www.xebabanh.vn mà ngày càng có nhiều người đến với chúng tôi hơn. Từ ngày xưởng sản xuất ra đời, mọi người trong nhà đều thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn vì được lao động và mỗi ngày lại có thêm những người khuyết tật được giúp đỡ.

 

Chúng tôi đến đúng lúc một người khách ở Hưng Yên đang đến nhận xe. Anh không giấu nổi niềm vui khi ngắm nghía chiếc xe “mới” của mình.

 

Anh kể, mình đã tham khảo trang web từ hồi tháng 4. Lúc ấy gia đình chưa có điều kiện nên anh không dám mua, nhưng vẫn âm thầm tiết kiệm tiền. Ở làng anh cũng có người thương binh đã mua xe ba bánh, nhưng không có số lùi nên mỗi khi vào ngõ nhỏ, ông phải nhờ người đẩy giúp.

 

Khi đủ tiền, anh quyết định đến tham quan xưởng Trọng Thắng, thử sản phẩm rồi quyết định để lại chiếc xe cũ của vợ để nhờ anh Thắng chế lại thành một chiếc xe ba bánh có số lùi. Vị khách này vốn không phải là người tàn tật bẩm sinh.

 

Sau một lần bị tai nạn, anh phải cưa một bên chân và từ đó, “sống chung” với đôi nạng. Anh kể: “Tôi phải mất một thời gian rất dài để làm quen với sự thiếu hụt đó. Nhiều lúc thấy dường như mình bất hạnh quá! Thế rồi đến đây, nhìn thấy nghị lực và ý chí của gia đình này, tôi mới thấy mình còn quá may mắn!”

 

Phải chăng, đó cũng là điều anh Diêm Trọng Thắng gửi gắm vào logo của xưởng mình? Một người đứng trên vòng tròn (tượng trưng cho bánh xe), và được bao bọc bởi vầng trăng lưỡi liềm; bên trong vòng tròn là ngôi sao màu đỏ.

 

Anh Thắng nói: “màu đỏ là tượng trưng cho nhiệt huyết, cho người Việt Nam, ngôi sao và vầng trăng là biểu tượng của khát vọng tuổi trẻ, và cũng là những ước mơ bay bổng. Người khuyết tật chúng tôi cũng có những ước mơ và vầng trăng, ngôi sao sẽ chắp cánh cho ước mơ ấy vươn cao.”

 

Đình Trinh

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo