Chân dung

Khi bạn thật sự thuộc về một nơi nào đó

Ông Trương Quốc Hưng là Phó tổng giám đốc trẻ nhất trong Ban Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Phú Mỹ Hưng (PMH) hiện thời, và cũng là người có thâm niên lâu năm theo sát dự án phát triển đô thị PMH từ những ngày đầu tiên.

Từ một nhân viên kinh doanh đến nhà từng khách hàng bán những căn hộ đầu tiên năm 1998, trải qua gần 20 năm, ông hiện đang quản lý 2 bộ phận quan trọng tại PMH: Kinh doanh và Hậu mãi. Nhân kỷ niệm 19 năm thành lập Công ty PMH (19/5/1993-19/5/2012), chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông xung quanh chuyện đời, chuyện nghề và những thăng trầm của quá trình gần 20 năm để một đô thị PMH thành hình như hôm nay.

 

May mắn có được cơ duyên



* Cảm giác một ngày mới của ông như thế nào?



- Mỗi sáng đi làm, nhìn các gia đình khẩn trương bắt đầu một ngày mới, trẻ em đến trường, những khuôn mặt hân hoan của người bố, người mẹ chuẩn bị đón đứa con sắp ra đời, những công trình, dịch vụ từng ngày... thành hình, tôi vui và phấn khởi lắm.

 

Một cảm giác ấm áp khó tả khi thấy nơi mình đã góp sức xây từng ngôi nhà, từng cây cầu... nay đón bao người đến an cư, chọn làm nơi gắn bó ổn định cuộc sống.



Gần 20 năm trước, đến với PMH khi vừa tốt nghiệp đại học, bao nhiêu nhiệt huyết của tuổi trẻ được tôi gói trọn trong dự án như là cách để thực hiện hoài bão của mình.

 

Chắc chắn, sẽ có nhiều đô thị hình thành trong tương lai, nhưng dự án mang tính lịch sử, ghi dấu một chặng đường phát triển mới của thành phố như PMH sẽ không nhiều. “Mình may mắn”, ý nghĩ ấy thường trực trong tôi.

 

May mắn có được cơ duyên tham gia vào dự án mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, có duyên được chung tay với các đồng nghiệp cũng may mắn như mình, cùng làm cho vùng đất này thay đổi. Hành trình đó vẫn còn tiếp diễn và luôn tạo cho tôi một cảm xúc rất đặc biệt không diễn tả đủ ý được.



* Cơ duyên nào đã đưa ông đến với PMH và những năm tháng ở đây đã để lại trong dấu ấn nào đậm nét?



- Mười chín năm trước, ai muốn đến xã Phú Mỹ, huyện Nhà Bè, chỉ có thể đi bằng ghe, xuồng. Vùng đất ngập phèn này mang trên mình một hệ thống kênh rạch chằng chịt, không có lấy một con đường bộ, một cái cầu để xe đi qua.

 

Cả vùng đất mênh mông đều trông cậy vào tuyến độc đạo tỉnh lộ 15, nay là đường Huỳnh Tấn Phát. Định hướng thay đổi kinh tế cho Nhà Bè được xác định bắt đầu từ nền tảng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị.

 

Tôi đến với vùng đất này từ những ngày đầu. Một trong những cột mốc đáng nhớ nhất đối với chúng tôi là khi Thủ tướng Chính phủ duyệt Quy hoạch tổng thể định hướng cho sự phát triển của đô thị PMH vào tháng 12/1994.
 


Khi đó, hằng ngày, chúng tôi đi làm trong điều kiện đường sá rất khó khăn. Mỗi khi đi khảo sát dù chỉ vài địa điểm nhưng phải mất cả ngày, lúc trở về thì lấm lem bùn đất vì có những nơi bùn ngập đến thắt lưng.

 

Đến cuối năm 1997, chúng tôi thông xe được 2 làn đầu tiên của đại lộ Nguyễn Văn Linh ngày nay. Đây là điều khiến những người trong cuộc rất vui mừng vì từ một vùng sinh lầy, hoang hóa đã xuất hiện một con đường nối liền Khu chế xuất Tân Thuận tới quốc lộ 1A, dù ban đầu chưa được chỉn chu nhưng việc đi lại đã thuận tiện hơn xưa rất nhiều.

 

Không thể diễn tả được tâm trạng ngây ngất của anh em lúc bấy giờ khi đi trên con đường này. Từ con đường này, chúng tôi mới bắt đầu triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu đô thị.



* PMH bán dự án nhà ở từ khi nào? Cảm giác bán những căn nhà đầu tiên với ông lúc đó ra sao?



- Gian nan và kiên trì lắm! Vào thời điểm đó, thuyết phục khách hàng mua căn hộ đã là điều khó vì nếp nghĩ “cha chung không ai khóc” đã tồn tại lâu đời.

 

Đã thế, Tổng giám đốc lúc đó là ông Lawrence S. Ting còn đặt ra nguyên tắc khách hàng khi mua nhà phải tuân thủ các nội quy của khu dân cư được đề cập trong hợp đồng để đảm bảo môi trường sống xanh-sạch-đẹp-an toàn nhằm hướng đến nếp sống văn hóa chung.

 

Những ràng buộc này khiến chúng tôi đã khó lại càng khó hơn. Lúc mua khách hàng phản ứng rất gay gắt, nhưng chúng tôi đã cố gắng thuyết phục, chỉ ra những mặt tiêu cực nếu mọi người sống một khu phố mà không có quy định chung.

 

 

Dần dà họ xuôi lòng và khi dọn đến ở thì họ thấy đặt ra nội quy là hợp lý. Dự án đầu tiên chúng tôi đưa vào kinh doanh năm 1998 là khu Mỹ Cảnh, chỉ với 80 căn hộ nhưng phải mất 1 năm rưỡi mới bán được hết.

 

Như mọi người thấy đấy, về lâu dài thì đây thực sự là định hướng đúng đắn để hình thành không gian sống vừa văn minh vừa nhân văn và đem đến thành công ngày hôm nay cho PMH.

 

* Lúc đó, có bao giờ ông muốn bỏ cuộc?



- Thật tình có những lúc tôi muốn bỏ cuộc vì mơ hồ về tính khả thi của dự án: mấy trăm hecta sình lầy làm thế nào để thành đô thị hiện đại trong khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện và còn nhiều hoài nghi khác.

 

Cô Ba (bà Ba Dah Wen) – tên thân mật tôi gọi Tổng giám đốc nữ đầu tiên của PMH - đã hun đúc trong tôi lý tưởng của hai chữ sự nghiệp. Đô thị này phải trải qua nhiều thập kỷ mới thành hình và sự ra đời của nó có ý nghĩa với nhiều người, nhiều thế hệ, thay đổi cả một vùng đất, nơi có hàng ngàn người làm việc, có hàng trăm ngàn người đến sinh sống...

 

Ghi dấu sự nghiệp một đời người không chỉ thành đạt về địa vị, vật chất mà quan trọng là để lại gì cho thế hệ tiếp nối. Chính những chuyến tháp tùng đi làm việc với ông S. Ting và cô Ba ở Hà Nội và các nơi, xem cách các vị xử lý công việc, thể nghiệm và cụ thể hóa những dự định, lắng nghe họ chỉ dẫn kinh nghiệm... đã giúp tôi xây dựng niềm tin vững chắc và đó cũng là động lực tiếp sức để tôi kiên định trên con đường mình đã chọn.

 

Tôi nghiệm ra, những vị trưởng bối đến từ đất nước xa xôi kia, đã, đang và sẽ đặt tất cả tâm huyết với một tầm nhìn dài hạn để biến vùng đất này thành đô thị hiện đại, chắc chắc không đơn thuần chỉ là mưu sinh mà còn vì một điều cao đẹp hơn - Một chữ Tâm để hình thành nên khu đô thị vừa hiện đại văn minh vừa nâng cao giá trị cộng đồng.



* Sau gần 20 năm làm việc tại PMH, nói một cách ngắn gọn, theo ông, yếu tố nào làm nên thành công của đô thị PMH hôm nay?



- Khi bắt tay vào dự án cách nay 20 năm, mười người nhìn vùng đầm lầy nước mặn, thì có đến chín người nói chỉ có hoang tưởng mới nhận định dự án sẽ thành công. Yếu tố đầu tiên tạo nên thành công chính là tầm nhìn xa, trông rộng và quyết tâm làm cho bằng được của nhà đầu tư mà đứng đầu là ông S. Ting.

 

Khả năng thực hiện dự án là yếu tố thứ hai: đó chính là tài chính vững mạnh, vì thời gian phát triển đô thị phải tính bằng thập kỷ. Chính những yếu tố này là tiền đề để khi triển khai dự án đã thực hiện được sáu thống nhất: đầu tư, quy hoạch, hạ tầng, thiết kế, xây dựng và quản lý. Đúng là chỉ có thay đổi khi dám nghĩ khác.



* Để có sự thống nhất đó, PMH đã phải làm gì?



- Như tôi đã nói, phát triển đô thị là những dự án trải qua nhiều thập kỷ, vì đây là quá trình phát triển vì con người, phục vụ cho cuộc sống con người không chỉ hiện tại mà còn cho tương lai những thế hệ sau.

 

Và tất nhiên, để đạt được nền tảng lâu dài đó, quá trình triển khai cần thiết phải tuân thủ chặt chẽ các tiêu chí và chuẩn mực của quy hoạch khoa học đã được phê duyệt, để hướng tới sự đồng bộ và phát triển bền vững.



Đối với bất kỳ một dự án phát triển đô thị nào, công tác quy hoạch là yếu tố quyết định sự thành bại của cả dự án. Khi nhận giấy phép đầu tư xây dựng đô thị PMH và đại lộ Nguyễn Văn Linh, công ty bỏ ra 2,5 triệu USD để tổ chức cuộc thi thiết kế quy hoạch tổng thể khu Nam trên diện tích 2.600ha với sự tham dự của nhiều công ty quy hoạch, thiết kế kiến trúc hàng đầu thế giới.

 

20 năm trước, con số 2,5 triệu USD là con số không hề nhỏ. Điểm thuận lợi của chúng tôi có hợp tác với công ty nổi tiếng quốc tế về quy hoạch là Skidmore, Owings & Merill của Mỹ - đơn vị thắng giải trong cuộc thi thiết kế đô thị do PMH tổ chức vào năm 1993. Họ có tầm nhìn xa, đưa ra định hướng rất rõ ràng và khiến chúng tôi tin tưởng vào tiềm năng phát triển của đô thị này.

Theo DNSG

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo