Công nhân được gửi con nhỏ ngay tại chỗ làm; được mua chịu (mua trước, trả tiền sau) nhu yếu phẩm đảm bảo chất lượng.
Mô hình “nhà trẻ công nhân”, “siêu thị công đoàn” đồng hành và chia sẻ khó khăn với người lao động trong thời kỳ kinh tế khó khăn đang xuất hiện ngày càng nhiều tại TPHCM và một số địa phương.
Những siêu thị chuyên bán chịu
Tại siêu thị của Cty Sao Việt (khu công nghiệp Đồng An, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), chị Thanh, công nhân phân xưởng gia công (Cty Sao Việt), cho biết, hằng tháng, Cty phát phiếu mua hàng cho công nhân, để mua hàng trong siêu thị. Cuối tháng, công nhân lĩnh lương rồi thanh toán lại cho Cty.
“Từ ngày có siêu thị, tụi em đỡ lo hơn. Hết tiền vẫn không lo đói, khổ như trước. Siêu thị nằm trong khuôn viên Cty, công nhân không mất quá nhiều thời gian như đi chợ vì hàng bán trong siêu thị là hàng Việt chất lượng cao, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tươi ngon, không lo mua nhầm đồ ôi thiu như mua ngoài chợ”, chị Thanh nói.
Theo chị Hạnh, phụ trách siêu thị, từ vài chục mặt hàng, khi thành lập năm 2013 đến nay, siêu thị đã có trên 800 mặt hàng. Cùng một loại hàng, giá bán trong siêu thị thường thấp hơn so với bên ngoài. Công nhân được mua chịu và không phải trả lãi.
Ông Nguyễn Bình Yên, Chủ tịch Công đoàn Cty, cho biết không chỉ giải quyết khó khăn cho người lao động, việc cung cấp hàng hóa đảm bảo chất lượng còn giúp các công nhân đủ sức khỏe, làm việc hiệu quả hơn. Sự chia sẻ cũng là bí quyết ổn định nhân sự, công nhân lành nghề an tâm, gắn bó với doanh nghiệp.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, ngoài Cty Sao Việt, mô hình siêu thị công đoàn đang được nhân rộng. Công nhân Cty Taekwang Vina chi nhánh Tiền Giang chỉ cần ký xác nhận vào đơn hàng, đến cuối tháng Cty mới trừ tiền mua hàng vào lương.
Tại Đồng Nai, siêu thị của Cty Chang Shin Việt Nam (khu công nghiệp Biên Hòa 2) bày bán hơn 1.000 mặt hàng thiết yếu. Mỗi công nhân được mua chịu tối đa 400.000 đồng. Các công ty có đông công nhân như: Formosa (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3), Hwaseung Vina (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1), Pouchen Việt Nam (thành phố Biên Hòa)… đều mở siêu thị phục vụ công nhân với nhiều hình thức khác nhau, nhưng điểm chung nhất là không vì lợi nhuận.
Nhà trẻ công nhân
Tại TPHCM, Cty TNHH Việt Nam Samho (xã Trung An, huyện Củ Chi) xây nhà trẻ cho công nhân ngay bên trong khuôn viên và có thể tiếp nhận chăm sóc khoảng 200 trẻ. Theo ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn Cty, doanh nghiệp hiện có gần 10.000 công nhân, trong đó có hàng nghìn người có nhu cầu gửi con.
Để công nhân yên tâm, tập trung làm việc hiệu quả, giữa năm 2010, Cty quyết định sửa chữa, cải tạo cụm công trình văn phòng thành trường mầm non và hỗ trợ 250.000 - 320.000 đồng/tháng/cháu (tùy lứa tuổi).
Với gần 9.000 công nhân, hầu hết là nữ, Cty TNHH Shyang Hung Cheng (Bình Dương) đầu tư xây dựng nhà trẻ khá khang trang bên trong khuôn viên và có thể chăm sóc khoảng 300 cháu. Chị Hoa, công nhân Cty cho biết, các công nhân chỉ đóng tiền ăn 20.000 đồng/cháu/ngày. “Tranh thủ giờ nghỉ giữa ca, mình thường tạt vào thăm, cho cháu bú mẹ. Cháu ở bên cạnh, mình rất yên tâm”, chị Hoa nói.
Nhiều nhà trẻ cho công nhân ở TPHCM còn trên giấy
Theo Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM (Hepza), từ năm 2010, Hepza lập sáu dự án nhà trẻ cho con công nhân tại các khu công nghiệp Hiệp Phước, Tân Tạo, Vĩnh Lộc, các khu chế xuất Linh Trung I, Linh Trung II, Tân Thuận, nhưng đến nay chỉ mới đưa vào hoạt động một nhà trẻ tại khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), quy mô 150 cháu, trong khi nơi này hiện có gần 8.000 công nhân. Các dự án còn lại đang quá trình thi công, điều chỉnh quy hoạch, thiết kế.
Tiền Phong