Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém về đạo đức ngành y, đồng thời thể hiện quyết tâm chấn chỉnh, loại bỏ những cán bộ yếu về đạo đức ra khỏi ngành.
Trong phiên giải trình chiều qua, trước mối quan tâm đặc biệt của các ĐBQH về y đức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận đây là vấn đề nóng bỏng, khiến người dân bức xúc hiện nay.
Theo Bộ trưởng Tiến, ngành y tế đã áp dụng hàng loạt giải pháp nhằm ngăn chặn tiêu cực trong ngành như: Xây dựng hệ thống quy định pháp luật, lập đường dây nóng 24/24, Bộ trưởng cho biết, đã cấp 1.200 điện thoại di động cho giám đốc các bệnh viện để lắng nghe ý kiến người bệnh. 5 tháng qua, ngành đã nhận được 6.700 cuộc gọi phản ánh, trong đó có khoảng 2.000 cuộc về y đức. 40% cuộc gọi phản ánh thái độ của nhân viên y tế; 20% phàn nàn về viện phí, thái độ đòi hỏi; nhiều ý kiến khác phản ánh nhân viên y tế làm sai quy trình hay tình trạng bệnh viện chật chội, chất lượng dịch vụ kém…
“Bà con phản ánh đúng rồi. Một số cán bộ y tế đã bị kỷ luật sau khi xác minh phản ánh của bà con là đúng” – Bộ trưởng Tiến thẳng thắn nói.
Trả lời câu hỏi về quản lý hoạt động khám chữa bệnh tư nhân, Bộ trưởng Tiến thông tin: “Ngành y đã thanh tra toàn diện hoạt động hành nghề y dược tư nhân và phát hiện nhiều vấn đề. Nhiều cơ sở y tế quảng cáo quá mức. Giá cả dịch vụ không công khai theo quy định. Một số cơ sở tham lợi nhuận, sử dụng cả lao động nước ngoài chưa có giấy phép. Sauk hi Bộ xử lý nghiêm, nhẹ là cảnh cáo, nặng là rút giấy phép hành nghề, nhiều cơ sở này đã có tiến bộ…”.
Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) chất vấn: “Hàng loạt vụ việc tiêu cực như nhân bản kết quả xét nghiệm, bác sỹ phi tang xác bệnh nhân khiến chính an hem ngành y phải hổ thẹn. Bao giờ mới chấm dứt những vụ việc nghiêm trọng này”
Đáp lại câu hỏi về y đức của ĐB Trương Minh Hoàng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, có hai loại vụ việc: Một là tai biến và hai là tiêu cực.
Bộ trưởng nói: “Tai biến là không thể tránh khỏi. Có khám chữa bệnh là có thể có biến chứng, thậm chí tử vong. Nền y học đôi khi cũng bất lực. Mấy trăm năm nữa vẫn chưa thể hết. Còn làm thì còn sai sót. Thứ hai, ở đây cũng có sai sót do vô ý hoặc vô trách nhiệm...”.
Nhắc tới loại tiêu cực như ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức hay vụ tiêm nhầm vaccine ở Quảng Trị, Bộ trưởng Tiến nói: “Loại tiêu cực do nhiều nguyên nhân như nhũng nhiễu, tắc trách, đòi hỏi… ĐB hỏi khi nào chấm dứt, chúng tôi không dám trả lời. Chỉ có cách hạn chế bớt. Cơ quan quản lý Nhà nước phải thanh kiểm tra liên tục và xử lý nghiêm, tăng cường giáo dục, và phối hợp chặt giữa người nhà bệnh nhân với bệnh viện.
“Chúng tôi kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ không đủ y đức” – Bộ trưởng quả quyết.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Trong lĩnh vực Y tế, đề nghị phải tạo cho được chuyển biến. Bao giờ thì giải quyết được tình hình quá tải, xuống cấp về cơ sở, y đức, bao giờ đáp ứng được nguồn nhân lực trong ngành y như đại biểu vừa chất vấn? Đây cũng là việc giải quyết bằng con đường kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Không thể để bệnh viện quá tải như vậy mà cứ đòi hỏi về y đức. Nhưng cũng không thể để có bệnh viên tốt rồi mà cán bộ ngành y vẫn tham tiền, vòi vĩnh. Nên phải giải quyết cả vấn đề quá tải lẫn đạo đức ngành y. Như đại biểu vừa nói, người làm ngành y phải có đạo đức, nếu không có mà làm ngành y thì vô cùng nguy hiểm. Không phải cứ đủ điều kiện là có đức, không phải cứ giàu có là có đức, có máy tốt là có đức đâu? Đại biểu nói, cái này không phải trách nhiệm của riêng Bộ trưởng, thì chắc nó là trách nhiệm của toàn xã hội. |
Nguyễn Hoàng