Khi nào tuyến buýt trên sông Sài Gòn đi vào hoạt động?
Sáng 21/8, Công ty TNHH Thường Nhật phối hợp với Sở GTVT TP. HCM chính thức hạ thủy, vận hành thử nghiệm tuyến tàu buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông), theo tin tức trên báo Zing news.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật cho biết tuyến buýt đường sông đầu tiên này là một loại hình vận tải mới nhằm giúp người dân thành phố có thêm phương tiện di chuyển, đặc biệt nối kết các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 1, 2, 4, 5, 7 và huyện Nhà Bè. Bên cạnh đó khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng nhiều hơn, giúp phát triển du lịch.
Giá vé dự kiến là 15.000 đồng/lượt. Chủ đầu tư sẽ nghiên cứu lịch chạy tàu buýt phù hợp với nhu cầu của người dân khi đưa vào khai thác. Dự kiến đầu tháng 10, tàu buýt sông sẽ chính thức hoạt động, phục vụ người dân và du khách.
Tuyến buýt số 1 có 5 tàu buýt, mỗi tàu chở tối đa 75 khách, vận tốc di chuyển hơn 30 km/h. Đại diện chủ đầu tư cam kết tuyến buýt đường sông đầu tiên đảm bảo an toàn về kỹ thuật, có sự tính toán về nhiệt độ, độ ẩm của miền Nam.
Được biết, tuyến số 1 là Bạch Đằng - Linh Đông dài 10,8 km gồm các bến: Bạch Đằng (Quận 1) - Sài Gòn Pearl (Bình Thạnh), Bình An, Thảo Điền (Quận 2), Tầm Vu, Thanh Đa (Bình Thạnh), Bình Triệu, Hiệp Bình Chánh, Linh Đông (Thủ Đức). Ngoài ra, Công ty Thường Nhật sẽ bổ sung thêm 3 bến gồm Thủ Thiêm (Quận 2), Tân Cảng (Bình Thạnh), Trường Thọ (Thủ Đức), theo báo Điện tử Chính phủ.
Tuyến số 2 là Bạch Đằng - Lò Gốm dài 10,3 km gồm các bến: Bạch Đằng - Nguyễn Thái Bình (Quận 1) - Khánh Hội (Quận 4) - cầu Chữ Y - chợ Hoà Bình - Nguyễn Tri Phương (Quận 5) - Bình Đông (Quận 8) - Bình Tây (Quận 6) - chùa Long Hoà (Quận 8) - bến số 2 - 11 Lò Gốm (Quận 6).
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP. HCM cho biết, Thành phố có hơn 1.000 km đường thủy, hàng hải, tuy nhiên vẫn chưa khai thác được vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy.
Hiện nay thị phần vận tải hành khách công cộng vẫn chủ yếu là taxi, xe buýt bằng đường bộ, chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân. Đến năm 2020, TP. HCM phấn đấu vận tải hành khách công cộng đảm nhận 20% nhu cầu đi lại.
Trong tình hình đó, việc phát triển mô hình buýt sông được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm áp lực cho vận tải đường bộ, cũng như phát huy lợi thế mạng lưới đường thủy của TP. HCM.
End of content
Không có tin nào tiếp theo