Môi trường

Khí thải động cơ diesel gây ung thư

Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc vừa tái xác định khí thải từ động cơ diesel là chất gây ung thư cho con người.

Sau hội nghị kéo dài một tuần của các chuyên gia y tế quốc tế và trên cơ sở các bằng chứng đầy đủ về nguy cơ ngày càng tăng đối với căn  bệnh ung thư phổi, ngày 12/6 Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu bệnh Ung thư (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) của Liên Hợp Quốc tái xác định khí thải từ động cơ diesel là chất gây ung thư cho con người.  

 

Theo IARC, phần đông dân số rất dễ hít phải khí thải từ động cơ diesel qua nghề nghiệp hoặc không khí xung quanh trong cuộc sống hàng ngày. Con người không những dễ hít phải khí thải của động cơ diesel từ các loại xe ô tô mà cả các loại động cơ diesel khác như xe lửa và tàu thuyền chạy bằng động cơ diesel, hay các máy phát điện động cơ diesel.

 

IARC cho biết các nhà khoa học ngày càng lo ngại về khả năng gây ung thư từ khí thải của động cơ diesel, đặc biệt trên cơ sở những phát hiện trong các công trình nghiên cứu người lao động mắc bệnh ung thư.

 

Nhóm nghiên cứu của IARC đã xem xét và phát hiện bằng chứng rõ ràng về chất gây ung thư từ khí thải của động cơ diesel trong con người. Do đó, Nhóm khẳng định khí thải của động cơ diesel là nguyên nhân gây bệnh ung thư phổi và liên quan chặt chẽ với nguy cơ ngày càng tăng của bệnh ung thư bàng quang trong con người.

 

Ngoài ra, Nhóm Nghiên cứu cũng kết luận, khí thải từ xăng dầu có khả năng là chất gây ung thư cho con người và đây là một phát hiện không thay đổi so với kết luận năm 1989 của các nhà khoa học. Tiến sĩ Christopher Portier, Chủ tịch Nhóm Nghiên cứu của IARC, cho biết đến nay tất cả các nhà khoa học nhất trí với kết luận: khí thải từ động cơ diesel gây ung thư phổi cho con người.

 

IARC nhấn mạnh, hiện nay chính phủ các nước và các nhà hoạch định chính sách đã có cơ sở chứng cứ giá trị để xem xét các tiêu chuẩn môi trường đối với khí thải từ động cơ diesel và tiếp tục hợp tác với các nhà sản xuất động cơ diesel cũng như sản xuất nhiên liệu nhằm đạt được các các mục tiêu đề ra.

 

Giám đốc IARC, Tiến sĩ Christopher Wild, nói: "Mặc dù việc tái khẳng định của IARC nhằm thiết lập cơ sở chứng cứ cho các quyết định pháp lý ở cấp quốc gia và quốc tế, nhưng kết luận hôm nay của IARC phát ra bức thông điệp mạnh mẽ rằng, chính phủ các nước cần cam kết bảo đảm sức khỏe của công chúng. Sự chú trọng này cần mang tính toàn cầu, nhất là ở các nước đang phát triển-nơi các công nghệ mới và các biện pháp bảo vệ sức khỏe có thể mất nhiều năm mới được áp dụng".   

 

Năm 1988, IARC đã xác định khí thải từ động cơ diesel có khả năng là chất gây ung thư cho con người. Một Nhóm Tư vấn, có  nhiệm vụ xem xét và kiến nghị các ưu tiên với IARC, đã đề nghị khí thải từ động cơ diesel là một ưu tiên cao cần đánh giá lại từ năm 1998. 

 

Theo Chinhphu.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo