Pháp luật

Khi ủy quyền được ví như một cái... bẫy

Chúng tôi nhận thấy cơ bản có hai tình huống xảy ra khi một nạn nhân bị lừa sổ đỏ. Nếu không may rơi vào tình cảnh này thì cơ sở pháp lý để người dân bảo vệ quyền lợi của mình cũng là một vấn đề rất nan giải .

Khi “bẫy” ủy quyền được giăng

 

Từ những trường hợp cụ thể mà chúng tôi đã tìm hiểu có thể thấy, hầu hết các trường hợp ngã ngửa người khi phát hiện…bị lừa, đều liên quan đến việc đã từng làm ủy quyền, song lại rất mơ hồ về nội dung ủy quyền.

 

Về mặt pháp lý, thủ tục ủy quyền tạo nhiều thuận lợi cho các giao dịch lành mạnh, nhưng mặt trái của nó chính là việc đưa người ta vào một cái “bẫy” giăng sẵn.

Kịch bản tồi tệ thứ nhất có thể xảy với những phi vụ lừa đảo này là khi hoàn thiện xong thủ tục ủy quyền, người được ủy quyền sẽ làm những việc trái với cam kết giữa họ với nhau. Và sổ đỏ được ủy quyền đó làm tài sản đảm bảo để vay tiền ngân hàng.

 

Thứ 2 là sổ đỏ sẽ bị... sang tên cho bên thứ 3. Do trong nội dung ủy quyền, có nội dung người được ủy quyền có thể cho, nhượng, sang tặng tài sản được ủy quyền cho… người khác.

 

Khi không còn khả năng thanh toán, tài sản đảm bảo rơi vào tình thế rất dễ bị phát mại để thu hồi nợ của phía ngân hàng. Còn khi đã bị sang tên cho người khác “khổ chủ” lâm vào nguy cơ ra… đứng đường. 

 

Ở đây, phải phân tích tình huống pháp lý này như sau. Nhiều trường hợp bên cạnh việc làm “ủy quyền theo quy định” lại làm thêm một bản cam kết ràng buộc trách nhiệm khác. Thường thì cam kết này để bên ủy quyền và bên được ủy quyền “khóa” nhau.

 

Tuy nhiên, điều đó quá “ngây thơ”. Bởi khi đã có nội dung ủy quyền, thường là bao hàm cả những điều khoản lắt léo khác, sẽ tạo điều kiện cho đối tượng được ủy quyền bắt đầu hành trình lừa đảo.

 

Có người cho rằng đã làm thêm một bản “cam kết” thì có thể yên chí, nhưng thực tế đây chính là việc làm cực nguy hiểm bởi chờ được vạ, thì má đã sưng.

 

Những lời khuyên của chuyên gia pháp lý

 

Một công chứng viên (Văn phòng Luật sư An Phát Phạm) cho hay, khi tiếp nhận các yêu cầu ký hợp đồng ủy quyền cho một bên giữ sổ đỏ với mục đích thế chấp để vay vốn ngân hàng, họ đều giải thích cho người dân rõ nguy cơ rủi ro về pháp lý với nhà đất đem ủy quyền, nếu chẳng may người nhận ủy quyền có ý định lừa đảo.

 

Thực tế, người nhận ủy quyền thường muốn có được nhiều quyền, nên hầu hết các hợp đồng chỉ có nội dung bên nhận ủy quyền được quản lý, sử dụng, thế chấp nhà đất. Nhưng gần đây, nhiều khách hàng đã thỏa thuận ghi rõ người nhận ủy quyền được tặng cho, chuyển nhượng tài sản cho bên thứ ba.

 

Những hợp đồng kiểu này rất dễ bị bên nhận ủy quyền đem nhà đất đi bán.

 

Theo nhận định của luật sư Lương Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư Hà Nội), với tâm trạng và nhu cầu bức thiết muốn được vay tiền nhanh, lại tin tưởng người nhận sổ đỏ nên nhiều người chỉ xem qua ủy quyền rồi ký, dẫn đến khi hậu quả xảy ra, họ mới vỡ lẽ là rất lơ mơ về nội dung đã ủy quyền.

 

Trên thực tế, do mất cảnh giác nên một số tổ chức và cá nhân đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo ranh ma này.

 

Luật sư Nguyễn Việt Hùng (Văn phòng Luật sư Kinh Đô) cho biết: “Người dân cần hiểu, ủy quyền là một căn cứ pháp lý liên quan đến không chỉ người ủy quyền và người được ủy quyền. Thông thường nó còn liên quan đến bên thứ 3 nữa. Do đó, trong quá trình làm nội dung ủy quyền người dân cần phải được tư vấn rõ về các tình huống pháp lý có thể phát sinh khi chính thức đặt bút ký vào hợp đồng ủy quyền”.

 

Theo luật sư Tuấn, để tránh bị lừa, người dân khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng cần tìm hiểu thủ tục để xem mình vướng ở đâu mà phải ủy quyền cho người khác vay hộ. Còn nếu ký hợp đồng giao sổ đỏ cho người khác, phải đọc kỹ các điều khoản, quan trọng nhất là xem đối tác mình giao sổ đỏ có đáng tin cậy hay không, để tránh xảy ra những thiệt hại không đáng có như trên”.

 

Theo NĐT

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo