Chế định bảo vệ người tố cáo khó đi vào cuộc sống nên mục đích phòng, chống tham nhũng được hy vọng từ chế định này vẫn chưa đạt được như mong đợi.
Tố cáo là một quyền cơ bản của công dân, được hiến định và cụ thể hóa tại các văn bản pháp luật như Luật Phòng, chống tham nhũng; Bộ Luật Tố tụng hình sự; Bộ Luật Hình sự; Luật Tố cáo và các nghị định hướng dẫn. Theo đó, tố cáo là việc công dân (theo thủ tục do luật này quy định) báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Quyền được hiến định
Tham nhũng là một trong những hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Hiểu theo Luật Phòng, chống tham nhũng thì đó là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi (là lợi ích vật chất, tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng).
Thực tiễn, không ít vụ người tố cáo chống tham nhũng đã bị trả thù, trù dập, hăm dọa, gây thiệt hại về vật chất và tinh thần. Chính vì vậy, khi chưa có biện pháp thực sự cụ thể nào để bảo vệ người tố cáo thì người tố cáo sẽ có tâm lý e ngại, sợ sệt và không dám công khai tố cáo.
Hẳn chúng ta còn nhớ năm 2009, khi Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức buổi lễ vinh danh 88 công dân tiêu biểu chống tham nhũng, hầu hết những người được vinh danh đều nói họ từng bị trù dập, đe dọa. Trước đó, vụ anh Đặng Vũ Thắng (nhân viên kế toán Thảo Cầm Viên TP HCM) bị sát hại do tố cáo hành vi vi phạm của Thảo Cầm Viên là một ví dụ điển hình.
Xuyên suốt từ Hiến pháp 1992 cho đến Hiến pháp sửa đổi 2013 đều thể hiện khiếu nại, tố cáo là quyền cơ bản của công dân; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo.
Năm 2005, Luật Phòng, chống tham nhũng ban hành (sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2007, 2012). Luật này cũng có chế định bảo vệ người tố cáo chống tham nhũng và lập quỹ khen thưởng cho người tố cáo. Chế định này được dẫn chiếu áp dụng đến Luật Tố cáo và cụ thể hóa tại Nghị định 76/2012/NĐ-CP ngày 3-10-2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo. Theo nghị định này thì thông tin, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, vị trí công tác, việc làm và các quyền nhân thân khác của người tố cáo và người thân thích được pháp luật bảo vệ.
Nhiều khái niệm chung chung
Tuy nhiên, giữa pháp luật và thực tiễn có khoảng cách khá xa. Chế định bảo vệ người tố cáo vẫn khó đi vào cuộc sống nên mục đích phòng, chống tham nhũng được hy vọng từ chế định này vẫn chưa đạt được như mong đợi.
Ví dụ, theo quy định, khi có căn cứ cho rằng việc tố cáo có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình hoặc người thân thích của mình, người tố cáo có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan công an tại địa phương nơi người tố cáo, người thân thích của người tố cáo cư trú, làm việc, học tập hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ.
Như vậy, có thể hiểu các cơ quan có thẩm quyền chỉ áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo khi người đó chứng minh được yêu cầu của mình là có căn cứ. Nhưng như thế nào là có căn cứ thì chưa có văn bản nào giải thích, hướng dẫn nên sẽ dẫn đến việc hiểu và áp dụng theo chủ quan của người yêu cầu và người thực thi pháp luật.
Một đơn cử khác: Khi xác định hành vi xâm hại người được bảo vệ đang diễn ra hoặc có nguy cơ xảy ra ngay tức khắc, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải chỉ đạo hoặc phối hợp với cơ quan công an áp dụng ngay các biện pháp bảo vệ như bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để bảo vệ an toàn cho người được bảo vệ tại nơi cần thiết; tạm thời di chuyển người được bảo vệ đến nơi an toàn. Thế nhưng, địa điểm bảo vệ người tố cáo được quy định là “nơi cần thiết” và “nơi an toàn” vẫn chỉ là những khái niệm chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể. Rồi kinh phí, con người có đủ để thực hiện nhiệm vụ này hay không vẫn là một câu hỏi lớn?
Hơn nữa, pháp luật chưa cụ thể hóa quy trình thời gian phối hợp, xác minh yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo. Điều đó có thể dẫn đến sự đùn đẩy trách nhiệm, làm chậm trễ thời gian xác minh, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người tố cáo và người thân của họ.
Tham nhũng đang là vấn nạn xã hội, hoành hành như một ung nhọt chưa có thuốc kháng sinh đặc trị. Cho nên tố cáo tham nhũng là góp phần bảo vệ lợi ích nhà nước và nhân dân; là quyền hiển nhiên, cơ bản của công dân được hiến định. Vì thế, cấp thiết phải đưa quyền này đi vào cuộc sống, góp phần đẩy lùi “quốc nạn” tham nhũng. Điều đó đòi hỏi sự thay đổi nhận thức cơ bản từ phía người tố cáo, người bị tố cáo và những nỗ lực cần thiết của các cơ quan chức năng.
Bà Trần Thị Thủy, phường Đông Vinh, TP Vinh, tỉnh Nghệ An:
Người bị tố cáo dễ có cơ hội trả thù
Có những sai phạm của cán bộ, người có chức quyền tại địa phương, cơ quan diễn ra trong suốt thời gian dài, người dân biết nhưng ngại tố cáo. Họ lo sợ bởi có nhiều trường hợp khi người dân tố cáo, các ngành chức năng vào cuộc thanh tra, kiểm tra cho có rồi xử lý người mắc sai phạm chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở, kiểm điểm... nên người bị tố cáo có cơ hội quay lại trả thù người tố cáo. Có người đi tố cáo tham nhũng mới được khen thưởng, tung hô là người hùng chưa bao lâu đã mất việc hoặc bị chuyển công tác tới nơi khó khăn, vất vả. Cá biệt, có trường hợp người tố cáo phải thường xuyên sống trong tình cảnh nơm nớp lo sợ, bị khủng bố tinh thần bằng chất bẩn, mìn, thậm chí bị đánh đập, tấn công bởi “xã hội đen”.
Suýt bị sa thải vì... tố cáo đúng
Đó là trường hợp ông Trần Khắc Mẫn (SN 1965, nguyên Tổ trưởng Tổ Viễn thông Đông Mỹ thuộc Trung tâm Viễn thông (VNPT) Đông Hòa - Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Tháng 7-2012, ông Mẫn phát hiện hơn 1.000 m dây cáp của trung tâm “không cánh mà bay”. Ban đầu, ông Mẫn gặp riêng ông Trương Văn Sĩ, giám đốc trung tâm, để phản ánh nhưng ông Sĩ không nghe. Sau nhiều lần đưa ra cuộc họp vẫn bị bỏ lơ, ông Mẫn làm đơn tố cáo lên VNPT Phú Yên. Ông Mẫn phải mất nhiều lần tố cáo đi, tố cáo lại, VNPT Phú Yên mới xác minh và kết luận tố cáo đúng sự thật. Theo đó, ông Huỳnh Lê Đức Hoằng, Tổ trưởng Tổ Viễn thông Phú Hiệp và 6 cá nhân thuộc trung tâm này đã làm thất thoát 1.090 m dây cáp viễn thông các loại (trị giá hơn 100 triệu đồng), ông Sĩ liên đới chịu trách nhiệm về vụ thất thoát trên. Dù vậy, VNPT Phú Yên chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những người liên quan, ông Hoằng được chuyển đến đơn vị khác, riêng ông Sĩ thậm chí còn được điều lên làm phó Phòng Kinh doanh dịch vụ của VNPT Phú Yên. Ông Mẫn được VNPT Phú Yên khen thưởng 4 triệu đồng về thành tích phát hiện, báo cáo kịp thời việc thất thoát tài sản, có ý thức bảo vệ của công nhưng ông không nhận.
Điều oái ăm là ngay sau đó, ông Mẫn bị điều chuyển công tác từ tổ trưởng của Tổ Viễn thông Đông Mỹ đến làm công nhân kỹ thuật của Tổ Viễn thông Phú Hiệp. Khi ông Mẫn hỏi lý do việc điều chuyển này thì lãnh đạo trung tâm trả lời là do ông không được tín nhiệm (?). Tiếp đó, ông Mẫn tiếp tục bị đưa vào danh sách lao động dôi dư với lý do yếu năng lực chuyên môn, làm việc kém hiệu quả. Quá bức xúc, ông gửi đơn khiếu nại lên công an và Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên. Ông Đặng Quang Anh, Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên, cho biết đã yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với cán bộ sai phạm trong vụ thất thoát tài sản tại VNPT Đông Hòa - Tây Hòa, đồng thời yêu cầu chấm dứt việc trù dập đối với người tố cáo tiêu cực. Hiện Công an huyện Đông Hòa đang tiến hành điều tra vụ mất cắp dây cáp theo đơn tố cáo của ông Mẫn.
“Không được khôi phục vị trí tổ trưởng, vẫn chỉ là nhân viên nhưng nhờ Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên can thiệp nên tôi không bị sa thải, được rút khỏi danh sách lao động dôi dư. Nực cười thật, tố cáo đúng lại bị trù dập như thế thì còn ai dám tố cáo” - ông Mẫn bức xúc.
Theo NLĐ