Khó có việc giảm giá điện
Tăng thật lực rồi giảm chút ít!
Việc doanh nghiệp được điều chỉnh giá điện 5% với thời hạn xem xét 3 tháng/lần thực chất không phải là chuyện mới, vì đã được quy định trong Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cách đây hơn 1 năm.
Tuy nhiên, hôm 9/7 tại cuộc họp Bộ Công Thương, thông tin về giá điện lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận khi Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho biết: “Bộ sẽ xem xét và cân nhắc tới việc 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần. Điều chỉnh ở đây được hiểu theo cả nghĩa giảm giá điện chứ không phải chỉ tăng giá".
Trước câu chuyện giá điện sắp tới sẽ “có tăng, có giảm” như lời Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, trao đổi với phóng viên NTNN chiều qua, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh hài hước bình luận: “Cứ tăng thật lực rồi sau đó giảm chút ít là ngay lập tức sẽ được coi là “có tăng, có giảm ngay. Họ nghĩ tăng 10 rồi giảm 1 là đáp ứng được mong muốn của người tiêu dùng ngay”.
Theo ông Ánh: “Cần phải nhìn rõ bản chất của câu chuyện tăng, giảm của giá điện ở chỗ, khi đã giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam toàn quyền như tại Quyết định 24 thì việc tăng, giảm giá điện chỉ là lời giải thích nực cười”.
Ông Ánh bức xúc: “Nên giải tán Cục Điều tiết điện lực nếu đúng là Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực quan niệm “cái gì của EVN thì trả cho EVN”. Bởi đơn cử như quản lý xăng dầu không cần phải có Cục Điều tiết xăng dầu và rằng khi việc tăng, giảm giá giao cho EVN thì không cần có Cục Điều tiết điện lực”.
Giá nào người dân cũng phải mua
Theo Quyết định 24, “giá điện có thể giảm do phụ thuộc vào cơ chế thị trường và biến động của thông số đầu vào”. Tuy nhiên, trong lần tăng giá điện 5% từ 1/7, Bộ Công Thương và EVN cho rằng lần tăng giá điện này dựa trên các thông số đầu vào đều tăng, cụ thể giá than cho sản xuất điện đều tăng 10-11,5% tùy loại; giá dầu do và tỷ giá USD tăng.
Trên thực tế, giá các mặt hàng đầu vào này lại không hề biến động, thậm chí có chiều hướng giảm trong suốt thời gian qua.
Ngành điện và các cơ quan quản lý vẫn vin vào cớ giá điện của ta vẫn đang thấp quá, vẫn đang ở trạng thái bù lỗ nên chưa có cơ sở để hạ giá được. Ông Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam |
Xung quanh câu chuyện cơ sở để giá điện có thể giảm theo như lời giải thích của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, ông Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam phân tích: “Nếu nguồn nước thuận lợi, mưa thuận, gió hòa, lượng điện năng phát ra dồi dào, đi kèm với giá dầu, giá than hạ thì người dân có quyền thắc mắc về chuyện giá điện sao không hạ.
Về việc giá điện có thể hạ hay không, ông Long nhận định: Dường như không phụ thuộc vào những yếu tố khách quan như tôi vừa nêu trên.
“Ngành điện và các cơ quan quản lý vẫn vin vào cớ giá điện của ta vẫn đang thấp quá, vẫn đang ở trạng thái bù lỗ nên chưa có cơ sở để hạ giá được” - ông Long cho biết.
Ông Long ủng hộ nhu cầu chính đáng của người dân khi đòi hỏi phải công khai minh bạch giá thành của 1kWh điện ra sao để có thể giám sát.
Ông bày tỏ: Đây là vấn đề không chỉ người dân bức xúc mà cả những chuyên gia về điện như chúng tôi cũng không hiểu rõ được doanh nghiệp tính giá thành theo công thức nào, mỗi thành phần trong công thức đó giá trị là bao nhiêu.
“Lâu nay doanh nghiệp bán bao nhiêu thì người dân phải chấp nhận mua bấy nhiêu. Không chỉ riêng giá điện, mà cả giá xăng dầu, giá các mặt hàng thiết yếu khác, giá nào cũng “tệ” cả” - ông Long nói.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Chưa bao giờ giảm
Đòi hỏi của người tiêu dùng về việc giảm giá điện xem ra còn khó giải quyết và "phức tạp" hơn nhiều so với câu chuyện giảm giá xăng. Bởi vì muốn điều chỉnh giá điện sẽ liên quan đến yếu tố kỹ thuật, chẳng hạn như chốt số đồng hồ đo điện sẽ rất phức tạp, khó xác định số lượng điện năng tương ứng với từng mức giá khi có sự thay đổi giá trong mỗi kỳ 3 tháng... Từ trước đến nay, trong suốt quá trình kinh doanh của ngành điện, giá điện chưa bao giờ giảm. Tôi cho rằng đây chỉ là cách nói để "an ủi" người dân khi mà ngành điện bị phản ứng quá nhiều của dư luận.
Ông Trần Quang Thiện (25 Láng Hạ, Hà Nội): Chỉ nói kiểu “xoa dịu”
Nói vậy để xoa dịu người dân thôi, 3 tháng điều chỉnh giá điện 1 lần sẽ chỉ có tăng chứ không thể giảm khi chưa có cạnh tranh. Việc điều chỉnh giá điện của Việt Nam với cơ chế hiện tại chắc chắn không bao giờ có giảm. Ngành điện lực luôn báo cáo lỗ. Tôi nghĩ đã đến lúc phải có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, để tạo ra tính cạnh tranh trên thị trường. Lúc đó quyền lợi của người dân sẽ được nâng cao hơn.
Ông Nguyễn Quốc Bảo Anh - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Phước Thọ (TP.Nha Trang, Khánh Hòa): Cần xem xét lại chu kỳ điều chỉnh giá điện
Nếu cứ 3 tháng lại có sự thay đổi giá điện thì doanh nghiệp chúng tôi sẽ phải tính toán giá thành theo hợp đồng cho khách hàng như thế nào để có thể bắt kịp với “tốc độ” điều chỉnh kiểu này? Hiện nay, chuyện giá xăng tăng, giảm liên hồi và tăng nhiều, giảm nhỏ giọt đã làm cho doanh nghiệp chạy theo “mệt nghỉ”, nay còn mệt mỏi bởi giá điện. Theo tôi, điều chỉnh giá điện với chu kỳ 1 năm một lần là phù hợp. |
Theo DV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương