Xã hội

Khổ như đi mua vé xe Tết

Tết đến, ai cũng háo hức mong ngày về quê, nhưng về bằng phương tiện gì lại là một vấn đề đang “sốt xình xịch” với những người dân tỉnh lẻ lên Hà Nội học tập và lao động trong thời gian này. Khi mà những bất cập xoay quanh việc mua vé xe khiến người dân lại rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười.

Vé xe uy tín - mua chẳng dễ

Rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay nhiều người rục rịch mua vé tàu xe về tết từ cách đây hơn một tháng. Những hãng xe khách có thương hiệu (vừa phục vụ tốt, vừa thu giá vé hợp lý) thường được khách “tia” từ rất lâu và chờ đến ngày mở cửa bán vé để đổ xô đến, tranh nhau mua. Điển hình như xe Văn Minh (Hà Nội - Hà Tĩnh) trong ngày đầu bán vé tết, khách đã tập trung thành hàng dài thượt trước các quầy vé từ lúc 5h sáng. Có người chờ một ngày dài chưa mua được, nhưng vẫn không bỏ cuộc, chờ sang ngày thứ hai để mua bằng được.

Chị Lê Thị Trâm (nhân viên công ty luật) cho biết: “Hình như ai cũng chờ đến ngày mở cửa bán vé hay sao ấy. Tôi gắng dậy sớm từ 5h sáng mà tới nơi, người đã nối đuôi nhau rồi. Cầm trên tay số thứ tự 79 mà tôi ngán ngẩm. Nghỉ việc một ngày chờ dài cổ vẫn chưa đến lượt, đành phải xin nghỉ thêm một ngày để mua cho được vé. Đã thế, mỗi người chỉ mua được 2 vé nên tôi lại phải bảo chồng xin nghỉ ngày sau để mua thêm một vé nữa cho thằng con về. Đi xe đàng hoàng thì ai cũng muốn, nhưng việc mua vé khổ sở quá”.

 

 

 

Người chờ mua vé tại bến xe Mỹ Đình.



Cũng chỉ sau vài ngày, những hãng xe có uy tín đã hết sạch vé về tết. Nhiều người chuyển sang phương án “trực” người đổi vé. Anh Phạm Đình Phong (thợ điện nước) cho hay: “Ngại chen chúc, nên khi gọi điện hỏi mua thì đã hết vé từ ngày 20 - 29 âm lịch. Không muốn đi xe khác vì sợ có vé nhưng vẫn bị nhồi nhét, tôi quyết định ngày nào cũng gọi điện đến nhà vé Văn Minh một lần để hỏi ai trả vé không, mình lấy luôn. Hoặc hỏi han bạn bè ai muốn bán lại vé thì mua. May mà cách đây mấy hôm, đúng lúc tôi gọi có người vừa trả vé. Giờ thì yên tâm rồi”.

Vé xe hạng thường - không nhanh cũng hết sạch

Không muốn mất thời giờ để mua được vé “cao cấp”, nhiều người quyết định mua vé xe hạng thấp hơn (hay nhồi nhét khách hoặc bắt khách dọc đường), song cũng không hề đơn giản. Chị Lâm Thị Tuyết (giáo viên Trường THPT Dân lập Bắc Hà) thổ lộ: “Mua vé xe tết phức tạp lắm. Vợ chồng tôi mua hai vé về quê mà nhà xe lại yêu cầu phải mua vé từ quê, tức là mình gọi điện đặt vé, người nhà ở quê ra trả tiền, sau đó văn phòng ở Hà Nội gọi mình đến lấy vé.

Nắm bắt được nhu cầu đi lại dịp tết năm nào cũng tăng cao và đối tượng khốn đốn nhất vẫn là sinh viên, nhiều cá nhân, tổ chức đã mở các tuyến xe hợp đồng (thường gọi là xe đồng hương) phục vụ cho sinh viên ở các tỉnh xa như Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Những xe này thường có giá vé rẻ hơn nhiều so với xe khách bình thường (rẻ hơn khoảng 80.000 - 100.000 đồng/vé) và thường được giảm giá nếu mua sớm hoặc mua nhiều vé một lúc.

Tuy nhiên, điều lạ là khi được hỏi sao không mua vé xe đồng hương thì nhiều sinh viên lại chán ngán. Bạn Trần Văn Nhật (Đại học Công nghiệp Hà Nội) than phiền: “Mình khiếp đi xe đồng hương luôn. Giá vé thì rẻ thật, nhưng đi như rùa bò, ngày lại còn ăn hai ba bữa thì sợ lắm. Nên gắng mua được vé xe khách có uy tín vẫn hơn. Đúng là tiền nào thì của nấy”.

Lâm vào cảnh dở khóc dở cười là những người do không biết trước ngày nghỉ tết nên đến ngày về mới tất tả tìm vé mua. Đó là trường hợp của anh Trần Văn Tú (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh), mặc dù gọi điện thoại khắp các nhà xe, hỏi han nhiều trạm bán vé, nhưng kết quả là nghỉ hai ngày, nhưng anh vẫn chưa thể về. Anh đang nghĩ tới phương án tình thế là sẽ phải đi taxi về Vinh với chi phí hơn 3 triệu đồng/lượt.

Thực trạng người dân khốn đốn khi mua vé xe về tết như một phiên bản lặp lại nhiều năm nay. Trong khi vừa qua, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp vận tải không tăng giá vé trong dịp tết, nhưng thực tế, những ngày qua giá vé xe khách vẫn cứ tăng một cách chóng mặt và công khai.

 

 

Đoàn Huế (Theo Lao Động)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo