Xã hội

Khó quy định người giúp việc ký hợp đồng lao động

Nghề giúp việc gia đình tại các thành phố lớn đang tăng lên nhanh chóng, dự kiến năm 2015 sẽ tăng lên gần 250.000 người. Người giúp việc đi làm chủ yếu là thỏa thuận miệng, họ thường “tặc lưỡi” bỏ qua hợp đồng lao động, bỏ quên những quyền lợi thiết thực cho bản thân mình.

(VOV) Bộ Luật Lao động năm 2012 có hiệu lực từ ngày 1/5/2013 bổ sung quy định về người giúp việc gia đình, trong đó quy định chủ sử dụng và người giúp việc phải ký hợp đồng bằng văn bản.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại việc triển khai trong thực tế rất khó khăn khi chưa có những văn bản hướng dẫn cụ thể và bản thân người lao động cũng như chủ sử dụng lao động vẫn thờ ơ với quy định này.

Nghề giúp việc gia đình tại các thành phố lớn, còn được gọi với tên khác là “làm osin”. Nghề giúp việc gia đình cũng tăng lên nhanh chóng, dự kiến năm 2015 sẽ tăng lên gần 250.000 người.


Đây cũng làm một nghề có thu nhập ổn định, mức thu nhập bình quân của giúp việc gia đình khoảng 2,8 triệu đồng tại Hà Nội. Mặc dù có mức thu nhập khá hấp dẫn nhưng nghề giúp việc gia đình bấy lâu nay vẫn được coi là một nghề phụ, với những thỏa thuận bằng miệng, quyền lợi của người lao động vẫn chưa được quan tâm nhiều.

Theo khảo sát, nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng, có 91,5% hợp đồng lao động là thỏa thuận miệng giữa người giúp việc gia đình với gia chủ.

Nội dung thỏa thuận chủ yếu tập trung vào tiền lương mà không quan tâm tới thỏa thuận như: Thời gian lao động, phụ cấp và các quyền lợi khác.

Chị Ngô Thị Hồng (quê ở Vụ Bản, Nam Định) một người đã làm giúp việc tại Hà Nội được 3 năm nói: “Tôi lên đây giúp việc qua một người hàng xóm gần nhà giới thiệu. Làm việc ở đây, tôi với chủ nhà tự thỏa thuận hợp đồng bằng miệng. Những người giúp việc khác ở trong làng của tôi cũng như vậy cả chứ không một ai có hợp đồng”.

Nói tới hợp đồng lao động cho người giúp việc, bà Nguyễn Thị Hà (phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, bà chưa biết thông tin gì về việc thuê người giúp việc gia đình mà phải ký hợp đồng. Theo bà Hà thì không cần ký hợp đồng thì tiền lương hay việc nghỉ ngơi của người giúp việc gia đình bà vẫn được thực hiện như thỏa thuận của hai bên.

Câu trả lời của bà Hà cũng là câu trả lời thường thấy ở những người làm nghề giúp việc gia đình tại các thành phố lớn hiện nay. Họ thường “tặc lưỡi” bỏ qua hợp đồng lao động, đồng thời bỏ quên những quyền lợi thiết thực cho chính bản thân mình.

Theo TS Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng, có hai thách thức lớn của nghề giúp việc gia đình: Thứ nhất là chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện 5 điều mới (từ Điều 197 đến Điều 183 Bộ Luật Lao động) có hiệu lực từ ngày 1/5/2013 tới.

Thứ hai là lao động giúp việc gia đình cũng chưa được công nhận là một nghề chính thức trong Danh mục Nghề quốc gia.

Để giải được bài toán này, vấn đề chính là vận động xã hội coi đây là một nghề thực sự; đồng thời cần bộ công cụ để xây dựng, quản lý, đào tạo và truyền thông nâng cao nhận thức của cả 3 đối tượng: Người sử dụng lao động, trung tâm giới thiệu việc làm và người giúp việc gia đình.

Quy định bắt buộc chủ sử dụng và người giúp việc phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản trong Bộ Luật Lao động nhằm bảo vệ quyền lợi của cả hai bên.

Hợp đồng ghi rõ những công việc mà người lao động được làm và không được làm; địa điểm làm việc do hai bên thỏa thuận; ghi rõ thời hạn hợp đồng.

Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người sử dụng lao động và người giúp việc. Tuy nhiên, khi cả bản thân người lao động cũng như chủ sử dụng lao động giúp việc gia đình vẫn đang thờ ơ với những bản hợp đồng lao động thì quyền lợi, trách nhiệm của người lao động khó có thể thực thi.

 

 

Thảo Nguyên

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo