Khó vay lãi suất 15%/năm
Nhiều doanh nghiệp cho biết trở ngại lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ là phải chứng minh được năng lực tài chính, cũng như các khoản thanh toán qua ngân hàng một cách minh bạch, chưa kể phải có tài sản thế chấp…
Đủ điều kiện cũng bị từ chối
Ông N. - chủ một doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên kinh doanh vải và sản phẩm may (quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh) - cho biết ngay ngày đầu tiên áp dụng mức trần lãi suất cho vay 15%/năm, tự thấy mình đáp ứng đủ các điều kiện, ông đến ngân hàng X để làm thủ tục vay hơn 100 triệu đồng trong tổng hạn mức cho vay hơn một tỉ đồng mà ngân hàng này dành cho doanh nghiệp lâu nay.
Thế nhưng ông N. đã phải thất vọng ra về do không được vay vốn với mức lãi suất công bố.
“Nghe nhân viên ngân hàng thông báo lãi suất cho vay là 18%/năm, tôi thắc mắc rằng hồ sơ của tôi đủ điều kiện để được vay với lãi suất 15%/năm, nhưng nhân viên tín dụng nói chưa nghe hướng dẫn cụ thể…”, ông N. kể.
Theo ông N., khoản vay hơn 100 triệu đồng dù không nhiều, nhưng do công ty ông chuyên bán hàng cho các công sở nhà nước nên việc trả chậm thường xuyên diễn ra vì vậy rất cần khoản vay này để không bị chôn vốn.
Bà T., phụ trách kinh doanh Công ty dịch vụ thương mại TH (Q.9), cho hay hồ sơ xin vay hai tỉ đồng làm vốn lưu động của công ty đã bị ách lại khi ngân hàng thẩm định tài sản thế chấp thấp hơn rất nhiều so với thực tế. “Họ chưa nói mức LS cho vay là bao nhiêu, nhưng cho biết lô đất mà công ty thế chấp được định giá rất thấp, không thể đáp ứng tiêu chuẩn cho vay” - bà T. than thở.
Cũng theo bà T., nhân viên tín dụng nói thẳng ngay cả trong trường hợp công ty có vay được thì mức lãi suất cũng không phải là 15%/năm mà phải trên 18%/năm. Ông Trương Chí Thiện, giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho rằng dù NH có quy định hạ trần lãi suất cho vay xuống 15%/năm “nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, dù nằm trong tiêu chuẩn”.
Phải quy định rõ tiêu chí
Là một trong số ít doanh nghiệp được ngân hàng xét cho vay với lãi suất 15%/năm, ông Lương Trọng Tuấn, giám đốc điều hành Công ty CP sản xuất thương mại dịch vụ Phú Phong, cho biết so với mức 18-19%/năm như trước thì doanh nghiệp đã dễ thở hơn. Vấn đề là thủ tục nhiêu khê vì ngân hàng thẩm định rất kỹ.
Hơn nữa không phải doanh nghiệp vừa và nhỏ nào cũng có thể tiếp cận được.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết dù đã có quy định nhưng ngân hàng khó áp dụng do quá chung chung.
Phó tổng giám đốc phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp một ngân hàng cho biết 97% doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngân hàng Nhà nước lại không quy định cụ thể, do vậy sẽ dẫn đến tình trạng mỗi ngân hàng đưa ra quy định riêng.
Như vậy đối tượng được vay lãi suất 15%/năm sẽ tùy theo quy định của từng ngân hàng và sẽ không giống nhau.
Như tại ngân hàng Maritime Bank, các doanh nghiệp thuộc bốn nhóm đối tượng khách hàng ưu tiên phải đạt một số tiêu chí như trong 12 tháng gần nhất không có nợ xấu, doanh nghiệp phải có báo cáo kiểm toán và đạt xếp hạng A, 2A, 3A theo hệ thống đánh giá nội bộ của ngân hàng mới được áp dụng lãi suất 15%.
Lãnh đạo ngân hàng HDBank cho biết sẽ ưu tiên cho vay lãi suất 15%/năm với những doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực xuất khẩu.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết việc giảm 1%/năm lãi suất không phải là nhiều. Vấn đề là hàng tồn kho của doanh nghiệp quá nhiều, do vậy doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn để sản xuất. Ông này kiến nghị thay vì kích cung, tức giảm lãi suất, nên có biện pháp kích cầu nhằm giải phóng hàng tồn cho doanh nghiệp vì một khi bán được hàng doanh nghiệp mới dám vay vốn để đầu tư sản xuất.
Đẩy vốn qua tiêu dùng
Sau khi Ngân hàng Nhà nước áp trần 15%/năm cho doanh nghiệp thuộc bốn lĩnh vực ưu tiên, nhiều ngân hàng cho biết sẽ chọn lọc kỹ khách hàng.
Trước đây chênh lệch lý tưởng giữa lãi suất đầu vào - đầu ra là 3,5-4%/năm, nay chênh lệch giảm nên ngân hàng phải tiết giảm chi phí, chọn lọc cho vay doanh nghiệp tốt để dòng vốn không bị tắc lại. Một cửa khác là đẩy vốn qua kênh tiêu dùng để có thể cho vay với lãi suất cao hơn.
Ngày 9/5, ngân hàng HSBC công bố giảm lãi suất cho vay tiêu dùng gồm vay mua nhà để ở, vay thế chấp, vay mua xe và vay tín dụng tiêu dùng. Theo đó lãi suất vay mua nhà và vay mua xe hơi sẽ được giảm lần lượt là 1,5% và 2%. Ngân hàng cũng giảm 1% cho các khoản vay tín dụng tiêu dùng.
Như vậy trong vòng chưa đầy bốn tháng, lãi suất cho vay tiêu dùng tại HSBC đã giảm 4,5% đến 5%. Hiện nay, lãi suất vay dài hạn thấp nhất với khách hàng vay thế chấp tại HSBC là 15,5%/năm.
Nhiều ngân hàng khác cũng tung chiêu để kích thích cá nhân vay tiền thông qua việc áp dụng lãi suất cho vay thấp hoặc giảm lãi các tháng đầu tiên. Các ngân hàng cũng liên tục cho nhân viên chào mời các khách hàng vay cũ.
Theo các ngân hàng, kênh cho vay tiêu dùng là cửa thoát vốn trong bối cảnh lãi suất trên đà giảm mạnh và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp rất hạn chế. Tuy nhiên theo các chuyên gia, khách hàng vay vốn nên tìm hiểu kỹ cũng như cân nhắc khả năng trả nợ do nhiều ngân hàng chỉ ưu đãi lãi suất trong những tháng đầu, những tháng sau lãi suất cho vay sẽ cao hơn.
Hiện nay dù Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ thị về giảm lãi suất cho những khách hàng vay cũ, nhưng nhiều ngân hàng cho biết chỉ điều chỉnh lãi suất khi đến hạn điều chỉnh lãi suất theo hợp đồng.
Chưa kể đoán trước xu hướng lãi suất đi xuống, nhiều ngân hàng còn thiết kế hợp đồng theo hướng ưu đãi lãi suất nhưng kéo dài thời hạn điều chỉnh lãi suất lên sáu tháng, thay vì ba tháng như trước đây nhằm trì hoãn việc giảm lãi suất cho khách hàng.
Theo TT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
VCCI kiến nghị lập cơ quan độc lập đốc thúc giải quyết vướng mắc, bất cập
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg