Khó xảy ra bong bóng bất động sản nhưng không thể chủ quan
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã cho biết như vậy khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương về diễn biến thị trường bất động sản hiện nay.
Tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ diễn ra sáng 17/11, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương cho rằng, thị trường bất động sản hiện đang có dấu hiệu phục hồi, nhiều dự án đã tái khởi động trở lại, đây là dấu hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, có hiện tượng một số chủ dự án lớn bắt đầu găm hàng, tăng giá và coi đây là nghệ thuật kinh doanh có lợi nhuận cao. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người dân lại đang ở mức cao, thu nhập người dân khó khăn.
Ông Đương đề nghị, Bộ Xây dựng có đánh giá về hình thức kinh doanh thiếu lành mạnh này, đồng thời bày tỏ lo ngại về nguy cơ bong bóng bất động sản trở lại.
Theo baochinhphu.vn, trả lời câu hỏi của đại biểu Đương, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết từ đầu nhiệm kỳ tới nay, ngành Xây dựng đã phải cơ cấu lại nguồn cung bất động sản, tăng cường cung cấp nhà ở cho người thu nhập thấp gắn với thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia. Nhờ đó, thị trường BĐS đã phục hồi, góp phần tăng cường phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó nhiều người dân không đủ khả năng mua nhà ở theo cơ chế thị trường cũng đã có nhà ở.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Xây dựng cũng nói rằng thị trường BĐS đã có đầu cơ, dự án có vị trí tốt, dịch vụ đầy đủ, tiến độ nhanh thì giá cao lên. Có xu hướng nhiều dự án BĐS được khởi công nên đang dẫn đến lo ngại bong bóng BĐS.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia cũng như các nước, “bong bóng” BĐS chỉ xảy ra khi có các yếu tố sau: Nền kinh tế phát triển nóng, không ổn định; các thị trường khác thiếu hấp dẫn nên nhà đầu tư dồn tiền sang đầu tư ở thị trường BĐS; nguồn cung BĐS thiếu; tài chính BĐS lỏng lẻo, việc hạ chuẩn BĐS diễn ra dễ dàng; thiếu kiểm soát và can thiệp kịp thời của nhà nước trong quản lý đầu tư xây dựng, quản lý đô thị.
“Đối chiếu với tình hình hiện nay khó xảy ra vì kinh tế nước ta phục hồi, ổn định vĩ mô được giữ vững cùng với các cân đối lớn”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói. Tuy nhiên ông cũng cho rằng diễn biến của thị trường này vẫn còn phức tạp, không thể chủ quan, phải chủ động điều hành, quản lý để thị trường BĐS phát triển ổn định. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành khác cũng cần có giải pháp ổn định thị trường tài chính, tín dụng, chứng khoán, hàng hóa để hỗ trợ cho thị trường BĐS, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
Để ổn định thị trường BĐS, các giải pháp được đưa ra là tiếp tục tập trung kiểm soát quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch - tức là căn cứ khả năng nguồn lực, khả năng thanh toán của nền kinh tế hoặc đầu tư không đủ tiền khiến dự án kéo dài.
Bên cạnh đó, kiên trì thực hiện các giải pháp về kiểm soát thị trường BĐS gắn với nhà ở quốc gia - tái cơ cấu đa dạng hóa các sản phẩm BĐS cho các nhóm dân cư thu nhập trung bình, thu nhập thấp có khả năng thanh toán hoặc nếu thiếu thì được nhà nước hỗ trợ.
Đặc biệt cần phải tái cấu trúc doanh nghiệp BĐS, tăng tính chuyên nghiệp để khắc phục được các sản phẩm kém chất lượng và những doanh nghiệp không có khả năng kinh doanh dẫn đến thua lỗ, gây thiệt hại cho nền kinh tế...
End of content
Không có tin nào tiếp theo