Khó xử lý hoạt động tín dụng đen
Thời gian qua, ở một số tỉnh khu vực Tây Nguyên và nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ vỡ nợ tín dụng đen. Nguyên nhân, do người dân tham lãi suất cao đã đổ hết vốn liếng, thậm chí huy động cả bạn bè người thân đưa tiền cho chủ nợ. Đáng nói là câu chuyện này luôn được cảnh báo, hậu quả luôn nặng nề, nhưng nhiều người vẫn nhẹ dạ cả tin chạy theo hoạt động tín dụng đen.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với Luật sư Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Công ty tư vấn VFAM Việt Nam
Dưới góc nhìn tâm lý, các chủ nợ thường đánh vào tâm lý hám lợi của người gửi tiền, cụ thể là chào mời lãi suất tiền gửi rất cao, và điều này là khiến người có tiền rất khó cưỡng nổi. Ông phân tích gì về hậu quả kinh tế, xã hội của tình trạng tín dụng đen, đặc biệt khi vỡ nợ?
Luật sư Vũ Xuân Tiền: Có thể khẳng định, tín dụng đen gây hậu quả rất nghiêm trọng về kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là khi bị vỡ nợ. Trước hết, điều đó thể hiện sự bất ổn của hệ thống tài chính, tín dụng của đất nước. Mất lòng tin vào hệ thống ngân hàng, người cần tiền phải vay vốn của tín dụng đen; còn người có tiền thì gửi ở bên ngoài để lấy lãi suất cao hơn, thay vì gửi ngân hàng. Như vậy, có thể cho rằng, việc liên tục hạ trần lãi suất huy động của NHNN cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến người dân đến với tín dụng đen. Tín dụng đen làm nảy sinh một lực lượng đòi nợ thuê bất hợp pháp, thậm chí cả những công ty thu nợ được thành lập hợp pháp cũng bị cuốn vào vòng xoáy này. Hành vi đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen đã và đang gây bất ổn nghiêm trọng tới an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Những nhà kinh tế thường nói, tín dụng đen như một cái bẫy. Và dường như cái bẫy này nhiều hơn ở khu vực nông thôn, nơi kiến thức thị trường của người dân không cao.
Đúng là tín dụng đen như một cái bẫy. Cái bẫy này xảy ra nhiều hơn ở nông thôn nhưng cũng đã xảy ra ở các đô thị lớn và ngay cả ở Hà Nội - trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước. Nguyên nhân của tình trạng này là lòng tham của người dân trước lãi suất quá cao của chủ nợ. Song, chúng ta chưa thật sự coi trọng việc tuyên truyền, phổ biến thông tin cần thiết cho người dân. Chẳng hạn, nếu chúng ta làm tốt công tác tuyên truyền để người dân biết, lãi suất tiền vay tới 20%/ tháng là vô lý, không có bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào bảo đảm có lãi với lãi suất tiền vay như vậy thì chắc chắn sẽ có ít hơn những người tự nguyện thu gom tiền vay cho chủ nợ. Việc tuyên truyền như vậy là trách nhiệm của báo, chí, các phương tiện truyền thông và chính quyền các cấp.
Tình trạng tín dụng đen âm thầm diễn ra ở các địa phương trong thời gian dài, thế nhưng, thường chỉ khi vỡ nợ chính quyền địa phương mới biết và vào cuộc. Vấn đề là chính quyền địa phương đang thiếu sự sát sao hay do thiếu cơ chế pháp luật giao cho chính quyền địa phương?
Có ý kiến cho rằng, một trong các lý do để các đơn vị tín dụng đen có cơ hội phát triển là luật pháp còn nhiều lỗ hổng, chưa quy được trách nhiệm. “Nếu quy trách nhiệm cho những cán bộ như tổ trưởng ở phường xã, thị trấn - những người sâu sát nhất về nhân sự địa phương thì các tổ chức tín dụng đen sẽ bị đẩy lùi”. Tôi đồng ý với nhận định này. Song, không thể quy trách nhiệm chung chung cho tất cả cán bộ ở hệ thống chính quyền phường, xã. Bởi, những chủ nợ với giá trị lớn thường khoác áo doanh nhân thành đạt và thực hiện việc huy động vốn rất tinh vi. Ở đây, lực lượng bảo vệ pháp luật ở cơ sở phải được giao trách nhiệm cụ thể hơn để phát hiện và ngăn chặn ngay từ đầu những vụ tín dụng đen.
Nhìn rộng hơn câu chuyện tín dụng đen, cho vay nặng lãi này là câu chuyện cung cầu vốn. Có cầu thì có cung. Vậy tại sao tín dụng đen vẫn len lỏi và bung ra, phải chăng do chúng ta chưa đáp ứng đủ vốn cho các hoạt động có nhu cầu thưa ông?
Không hẳn là chúng ta chưa đáp ứng đủ vốn cho các hoạt động có nhu cầu. Vấn đề là ở chỗ, do những quy định khá chặt chẽ trong việc cho vay của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng mà người dân chưa thể tiếp cận được vốn vay của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Theo một báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 65% nông dân vẫn chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng, trong khi đó nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ ởã nông thôn rất lớn. Chúng ta đã có các quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tài chính vi mô, các quỹ như quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ tín dụng tiết kiệm phụ nữ... Song, các tổ chức này còn yếu do nguồn vốn có hạn, năng lực quản lý còn nhiều hạn chế.
Tuy nhiên, phân tích kỹ từ những vụ vỡ nợ tín dụng đen, thì nguyên nhân chính lại không phải từ sự yếu kém của các quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tài chính vi mô... Vì, chủ nợ trong những vụ vỡ nợ tín dụng đen không thuộc diện “xóa đói giảm nghèo”, không phải những người cần vay vốn để làm kinh tế gia đình... mà huy động vốn để đổ vào kinh doanh bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng cá nhân. Do đó, tín dụng đen vẫn xuất hiện chủ yếu là do lòng tham của cả hai phía: người cho vay, bao gồm cả việc thu gom để cho vay, tham vì lãi suất cao; người vay - các chủ nợ - tham vì muốn làm giàu nhanh hơn, giàu hơn.
Xin cám ơn ông!
Quyết Thắng
Theo ĐBND
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo