Xã hội

Khoa học bảo vệ chủ quyền biển đảo:Phải đặt hàng cụ thể...

Với lĩnh vực nghiên cứu biển đảo cũng giống như các lĩnh vực nghiên cứu khoa học khác, chúng ta đang thiếu một thị trường sử dụng nó.

Để kết quả nghiên cứu phục vụ tốt hơn cho vấn đề an ninh biển đảo trong chính sách phát triển kinh tế quốc phòng cần có những chọn lựa và xác định nhiệm vụ để đặt hàng cho khoa học


GS.TSKH Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang đã nói như vậy.

Theo GS An, việc nghiên cứu biển đảo mới chỉ giống như việc làm ra viên gạch hay hạt lúa, còn muốn xây nhà, muốn ăn, hay làm ra sản phẩm bánh kẹo thì còn phải một giai đoạn gia công nữa. "Nếu như nhìn như vậy thì các sản phẩm khoa học về biển đảo mới chỉ ở giai đoạn đầu".

Quân đội phải đặt hàng cụ thể

Dẫn lại nhiều kết quả nghiên cứu khoa học nói chung, nghiên cứu về biển đảo nói riêng, GS An cho rằng: Quan trọng hơn cả là cần cụ thể hóa những nghiên cứu biển được ra thực tiễn.

Như chúng ta đã biết dư luận vẫn nói về việc rất nhiều công trình nghiên cứu của Việt Nam nghiệm thu rồi không biết đi đâu hết.

"Phải có một chính sách đổi mới sáng tạo cụ thể cho vấn đề Biển Đông. Xâu chuỗi lại các nghiên cứu để đưa vào cung ứng trong tình hình hiện nay thì mới có thể ra được những sản phẩm cụ thể tiếp theo.

Nhưng để thúc đẩy được giai đoạn hai thì cần những nhà chính trị biết cách ứng dụng đưa kết quả này vào thực tiễn. Đầu tiên phải xem thực tiễn bảo vệ Biển Đông hiện nay mình cần cái gì, có những doanh nghiệp quân đội đặt hàng và sẽ có nhóm chuyên gia tạo ra những sản phẩm cụ thể ví dụ cho hải quân, tàu cảnh sát biển...

Còn nếu để mình nhà khoa học sẽ không biết những sản phẩm cụ thể cần là gì, do đó trong chính sách phát triển kinh tế quốc phòng cần có những chọn lựa và xác định cần gì để làm", GS An phân tích.

Đưa ra hình ảnh ví von, GS An nói: giống như trong sản xuất lúa chúng ta sản xuất được nhiều nhưng giá trị thương mại rất yếu. Xuất khẩu lương thực nhất nhì thế giới nhưng nông dân rất khổ. Lý do là mình thiếu công đoạn tham gia vào chuỗi hàng hóa thị trường.

"Với lĩnh vực nghiên cứu biển đảo cũng vậy, chúng ta đang thiếu một thị trường sử dụng nó. Muốn thay đổi phải biết được yêu cầu cụ thể là gì, quân đội đặt hàng. Phải có người làm chính trị nhưng hiểu khoa học để có những đặt hàng, đưa ra yêu cầu.

Phải có những công cụ nghiên cứu vận dụng kết quả đã nghiên cứu vào thực tiễn, nhưng Việt Nam đang thiếu hẳn điều đó", GS An khẳng định.

Phải quốc tế hóa, đa phương hóa việc nghiên cứu biển

Nhận định về những việc đã làm được của khoa học Việt Nam đối với lĩnh vực nghiên cứu về biển đảo, Phó Giáo sư Tiến sỹ Phùng Văn Phách, Viện trưởng Viện Địa chất và Địa vật lý biển, Viện hàn lâm Khoa học Việt Nam cho rằng những kết quả đã có bước đầu có thể giúp chúng ta hiểu được mình đang có gì nhưng cũng còn nhiều việc phải làm.

"Nói chung cần tăng cường khả năng nghiên cứu của các nhà khoa học đối với an ninh chủ quyền. Việc nghiên cứu không chỉ bó hẹp trong phạm vi trong nước mà cần phối hợp đa phương, song phương cùng nghiên cứu để quốc tế hóa hoạt động này.

Hiện Viện Địa chất và Địa vật lý biển cũng đang đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ để xúc tiến hoạt động này", TS Phùng Văn Phách chia sẻ.

Ông Bùi Mau, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Khánh Hòa cũng đánh giá cao về những kết quả nghiên cứu khoa học thời gian qua đối với lĩnh vực biển đảo.

Tuy nhiên ông Mau cũng thẳng thắn nhìn nhận, giới khoa học vẫn phải tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu.

"Vẫn còn nhiều lĩnh vực cần nghiên cứu chi tiết hơn nữa như việc bảo tồn tài nguyên biển. Các dữ liệu cũng cần cập nhật thường xuyên, đa dạng và quan trọng đây phải là cơ sở dữ liệu nền tảng để mỗi khi cần ứng dụng có thể có ngay được", ông Mau nói.

Theo đó ông Mau cho rằng việc bảo vệ chủ quyền vô cùng quan trọng, song nghiên cứu bài bản để khai thác tiềm năng biển mà mình có cũng cần thiết vô cùng. Để khai thác tốt tiềm năng về biển cần phải nghiên cứu bài bản hơn", ông Mau nói.

Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo