Khoa học - Công nghệ

Bài 1: Niềm tin về nỏ thần của An Dương Vương và Loa Thành 9 vòng ốc là có thật?

DNVN - Mô hình mô phỏng nỏ thần An Dương Vương của kỹ sư Vũ Đình Thanh được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế ngày 25/8/2022 đã khơi gợi một chủ đề thú vị về truyền thuyết thành Cổ Loa xưa.

Kỹ sư tên lửa: "Nỏ thần" An Dương Vương hoạt động giống tên lửa container? / Dương Dương - Vương Nhất Bác so kè nhan sắc "cực phẩm"

Từ mô hình mô phỏng nỏ thần An Dương Vương…

Nhắc đến Cổ Loa, người ta nghĩ ngay đến truyền thuyết về An Dương Vương được thần Kim Quy bày cho cách xây thành, về chiếc lẫy nỏ thần làm từ móng chân rùa thần và mối tình bi thương Mỵ Châu - Trọng Thủy.

Điều đặc biệt thú vị là sau khi mô hình mô phỏng nỏ thần An Dương Vương của kỹ sư Vũ Đình Thanh được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế ngày 25/8/2022 và mô hình này được đặt tại Bảo tàng trưng bày cổ vật Cổ Loa, không chỉ có tác giả mô hình mà rất nhiều khách tham quan trải nghiệm mô hình đều mang niềm tin về nỏ thần của An Dương Vương và Loa Thành 9 vòng ốc có thật.

Mô hình mô phỏng nỏ thần An Dương Vương của kỹ sư Vũ Đình Thanh được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế ngày 25/8/2022.

Nỏ thần được kỹ sư Vũ Đình Thanh phục dựng đã tái hiện hình ảnh chùm mũi tên Cổ Loa dũng mãnh vượt khoảng cách hàng trăm mét xuyên bia đúng như mô tả trong truyền thuyết xưa. Các mũi tên bay uy lực từ nỏ làm bằng những vật dụng rất thô sơ mà người Việt xưa hoàn toàn làm được và càng đặc biệt khi nỏ có vuốt rùa làm lẫy nỏ có thể bị đánh tráo giống như truyền thuyết đã đề cập đến.

Những mũi tên đồng được kỹ sư Vũ Đình Thanh nhờ người chế tác dựa theo hình dáng, kích thước những mũi tên đồng ngày xưa từng được khai quật.

Theo kỹ sư Vũ Đình Thanh, chiếc nỏ sử dụng phương pháp bắn bằng ống tên, cho phép bắn cùng lúc nhiều mũi tên. Nhờ cách bắn này vận tốc của mũi tên nhanh ít nhất gấp đôi so với cách bắn nỏ thông thường, mũi tên cũng bay xa hơn.

Nỏ chỉ bắn được mũi tên bằng đồng vì tỉ trọng của đồng thắng được sức cản không khí, các vật liệu khác như tre, gỗ khi bắn với vận tốc lớn không bay được xa và chệch hướng vì bị tác động của lực cản không khí.

Mũi tên được kỹ sư Thanh thiết kế theo giống hình dạng, kích thước, chất liệu của các mũi tên đã được khai quật ở Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội và hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Đầu mũi tên có 3 cánh, cánh 1 ngắn hơn cánh 2, cánh 2 ngắn hơn cánh 3, tạo thành một bước của ốc vít để xuyên vào không khí, đồng thời mỗi cánh cong theo cùng chiều kết hợp với chuôi nhỏ dần đều nên khi bắn mũi tên bay quay quanh trục của mình khiến mũi tên ổn định và bay xa, không bị quay ngang.

Sau khi mũi tên bay với tốc độ nhanh và xa hàng trăm mét, đầu nhọn của mũi tên sẽ chúc xuống và cắm mạnh vào phía mục tiêu dưới đất chứ không phải mục tiêu trên cao. Theo truyền thuyết, nỏ thần được đặt trên thành cao bắn xuống mục tiêu là quân địch ở phía dưới mặt đất.

Trải nghiệm bắn nỏ mô phỏng nỏ thần An Dương Vương dưới sự hướng dẫn của kỹ sư vũ khí Vũ Đình Thanh.

Chia sẻ với tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Thanh lý giải, những thông tin về nỏ thần mà ông sáng chế được đăng tải trên báo chí thời gian qua chưa quay được cảnh bắn nỏ thần đúng như ngày xưa vua An Dương Vương đã bắn, tức là phải bắn từ trên cao. Vì nếu có điều kiện bắn từ trên cao, chúng ta mới hoàn toàn chứng minh được sức mạnh của nỏ thần.

Qua những nghiên cứu và sáng chế của mình, kỹ sư Vũ Đình Thanh nhấn mạnh: Sức mạnh của nỏ thần là làm to bao nhiêu cũng được, có thể làm được cái nỏ cực to, trong khi nỏ thường thì không làm được. Thêm nữa, mũi tên của nỏ thần bay rất xa và rất uy lực (xa hơn nỏ thường ít nhất 5 lần). Nỏ thần chỉ bắn được cực xa ở môt vị trí đặt ống duy nhất, còn các vị trí khác tên không bay được và đây chính là điều đặc biệt thú vị.

Cũng theo ông Thanh, truyền thuyết và các thư tịch cổ mô tả thành cổ rộng hơn ngàn trượng, xoắn như hình trôn ốc, cho nên gọi là Loa Thành. Thư tịch cổ Trung Hoa chép thành Cổ Loa có 9 vòng, hình con ốc.

“Ngày xưa vua An Dương Vương đã bắn nỏ thần từ vị trí rất cao. Đây là một chi tiết rất quan trọng vì rằng nếu bắn được các mũi tên đồng từ độ cao thì khi mũi tên rơi tự do từ độ cao trên 100m, nhờ đầu mũi tên nặng nên lao xuống đất đâm vào quân giặc từ hướng trên không với vận tốc hơn 60m/giây. Vận tốc đó xuyên thủng được hết tất cả các loại giáp sắt thời bấy giờ và đảm bảo một phát bắn tiêu diệt được hàng trăm tên giặc”, ông Thanh nói.

Truyền thuyết cũng như các thư tịch cổ mô tả thành Cổ Loa rộng hơn ngàn trượng, xoắn như hình trôn ốc.

Cũng theo ông Thanh, nếu nỏ thần đặt trên mặt đất thì khi bắn xa sẽ là cuối tầm tên, mũi tên sẽ không nguy hiểm nữa.

“Ở đây, chúng ta có được nguyên lý nỏ thần nhưng một kỳ công hơn nữa mà chúng ta chưa nói tới, chưa nói tới cái điều mà hàng chục cuốn sách thời cổ đại nhắc đến như là một kỳ quan của thế giới khi đó, đó là Loa Thành 9 vòng ốc. Loa Thành hình con ốc tức là một tòa thành rất cao, tòa thành rộng hàng ngàn trượng hình con ốc - một kỳ công xây dựng của vua An Dương Vương”, ông Thanh tự hào cho biết.

Liên tưởng đến “kim quang” rực sáng ngàn năm

Ý nghĩa của cụm từ dành cho nỏ thần An Dương Vương "kim quang linh trảo thần nỏ" đã được kỹ sư Vũ Đình Thanh lý giải: kim quang - ánh sáng rực rỡ từ kim loại chính là quầng sáng của hàng trăm mũi tên đồng Cổ Loa khi được bắn ra khỏi nỏ. Hàng trăm mũi tên đồng mang màu đồng rực sáng được cùng lúc bắn ra khỏi nỏ đặt ở thành Cổ Loa, tòa thành hình ốc cao như núi Côn Lôn sẽ tạo ra một vầng sáng kim loại rực rỡ nhìn rõ từ rất xa, bay với vận tốc cực lớn vào quân thù với sức mạnh hủy diệt.

Nhờ sức mạnh của nỏ thần cộng thêm sức hút của trái đất với các mũi tên đồng Cổ Loa khi được bắn từ trên cao, với thiết kế đặc biệt triệt tiêu sức cản của không khí, khi tiếp đất tức là khi lao vào kẻ thù.

Nếu bắn hàng trăm mũi tên đồng Cổ Loa sẽ tạo vầng sáng màu kim loại đồng rực rỡ gọi là "kim quang".

Vầng sáng rực rỡ kim loại đó là nỗi kinh hoàng của mọi kẻ thù xâm lăng Âu Lạc. Vầng sáng rực rỡ "kim quang" đó đã bao lần giết chết hàng vạn tên xâm lược nhà Tần, là niềm tự hào của người dân Âu Lạc và đã khiến kẻ thù phải khâm phục. Điều này đã được sử sách của chính kẻ thù ghi lại trong rất nhiều cuốn sách.

Kỹ sư Thanh tìm ra ý nghĩa của cụm từ "kim quang" trong mô tả về nỏ thần xưa "kim quang linh trảo thần nỏ" khi anh đang hiệu chỉnh để bắn trình diễn nỏ thần từ độ cao lớn, cao như thành Cổ Loa xưa. Khi anh bắn cùng lúc 15 mũi tên đồng mới đúc còn sáng bóng thì thấy xuất hiện ánh sáng lấp lánh dưới nắng mặt trời, từ đó anh liên tưởng đến "kim quang" của nỏ thần năm xưa.

Kỹ sư Thanh lý giải, cha ông ta đã để lại thông điệp ngắn gọn và xúc tích cho con cháu qua cụm từ miêu tả nỏ thần An Dương Vương "kim quang linh trảo thần nỏ". Đó là loại nỏ có vuốt rùa (linh trảo) làm lẫy và khi bắn tạo ra vầng sáng rực rỡ mầu kim loại "kim quang".

Cùng với phát hiện khảo cổ học là các mũi tên đồng Cổ Loa chứng minh rõ ràng truyền thuyết và các ghi chép của sử sách Trung Hoa cổ có thể là có thật: Nỏ Thần An Dương Vương là một cây nỏ rất to, có vuốt rùa làm lẫy nỏ bắn cùng lúc hàng trăm mũi tên đồng tạo ra một vầng sáng rực rỡ "kim quang". Nỏ được bắn từ thành Cổ Loa hình ốc có chín vòng cao như núi Côn Lôn và một lần bắn (hay một lượt bắn) giết vạn quân giặc.

Theo kỹ sư Thanh, việc tìm hiểu về tổ tiên là việc cần phải làm. Nỏ thần cũng được các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu cặn kẽ và với kinh phí lớn và chưa đạt được kết quả. Sử sách Trung Quốc có ghi chép về loại nỏ bắn bằng ống và các nhà khoa Trung Quốc đã thực nghiệm việc bắn bằng ống và có quay lên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV9).

Các nhà khoa học Trung quốc thử nghiệm bắn đồng loạt các mũi tên bằng ống như nỏ thần nhưng mũi tên bay chỉ 1m. Ảnh chụp màn hình từ CCTV9.

Mũi tên thử nghiệm của họ chỉ bay 1m, tức là rơi ngay trước nỏ trong khi chùm mũi tên của nỏ kỹ sư Thanh cũng bắn bằng ống mà xa hàng trăm mét. Thử nghiệm này đã được nhiều người thực hiện, trong đó có Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh. Chủ tịch Hà Nội đã trải nghiệm bắn hàng chục mũi tên xuyên bia ở khoảng cách 50m, trực tiếp chứng kiến chùm tên bay xa hàng trăm mét.

Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội vận hành mô hình nỏ thần, bên lề Hội thảo Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại" ngày 21/3/2023.

Thời gian tới, kỹ sư Thanh sẽ bắn thử nghiệm các mũi tên xuyên bia ở khoảng cách 120m. Kỹ sư Thanh sẽ thực hiện việc bắn nỏ ở một đơn vị quân đội với điều kiện bắn từ trên cao để ai cũng thấy rõ uy lực của nỏ thần xưa, đồng thời giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và khẳng định tiên tổ của chúng ta đã chiến đấu để bảo vệ chủ quyền của đất nước cho các chiến sĩ quân đội.

Ông cũng đang chế tạo nỏ to dài 10 m bắn 100 mũi tên và mong muốn được bắn từ thành Cổ Loa cao hình con ốc như Vua An Dương Vương xưa từng bắn chết hết quân thù.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm