Sau khoảng nửa Thế kỷ sử dụng, chiếc Honda Super Cub C70 của một nhà sưu tập ở Hà Nội vẫn giữ lại gần như mọi chi tiết nguyên bản và hoạt động hoàn hảo.
Vào tháng 8/1958, thế hệ đầu tiên của Honda Super Cub đã được ra mắt. Mặc dù vậy, dự án Super Cub đã được 2 nhà sáng lập Honda là Soichiro Honda và Takeo Fujisawa nảy sinh khi họ thăm quan các nước châu Âu vào năm 1956. Đến với châu Âu, họ đã nhìn thấy các dòng xe đạp máy Kreidler hay scooter Lambretta được người dân sử dụng rất nhiều ở khu vực này. Tuy nhiên trong mắt Fujisawa, chúng vẫn còn có nhiều nhược điểm để có thể trở thành một sản phẩm toàn cầu cho mọi tầng lớp khách hàng.
Theo ông, một chiếc xe máy bán chạy phải phù hợp với tất cả mọi người, và thật đơn giản để có thể dễ dàng sửa chữa ở cả những nơi điều kiện thiếu thốn. Ngoài ra, chiếc xe còn phải êm ái, có độ tin cậy cao và cấu trúc đơn giản để sản xuất số lượng lớn.Khi Super Cub ra đời, lúc đó động cơ 2 kỳ vẫn còn đang được sử dụng rộng rãi cho xe máy. Tuy nhiên, chiếc Super Cub với động cơ 50cc 4 kỳ êm ái, bền bỉ, tiết kiệm nhiên liệu cùng các đặc tính khác như yếm nhựa chắn bùn hiệu quả, dễ dàng lên xuống xe và giá rẻ đã nhanh chóng được ưa chuộng và "đánh bật" các đối thủ sử dụng máy 2 kỳ.
Với những ưu điểm vượt trội, Super Cub đã nhanh chóng được khách hàng trên khắp Thế giới đón nhận. Chỉ sau 3 năm, Honda đã kỷ niệm chiếc Super Cub thứ 1 triệu được sản xuất trên toàn cầu. Thế hệ Super Cub C100 đầu tiên trang bị động cơ 4 kỳ 50cc xi-lanh đơn với cam đũa (OHV) không có thay đổi lớn cho tới năm 1965, với sự xuất hiện của phiên bản C65 mới. Dù không thay đổi thiết kế, nhưng Super Cub C65 được thay động cơ mới với xú-páp đóng mở bằng trục cam (OHC).
Cho tới tận ngày nay, mọi dòng xe Honda phổ thông 4 kỳ, hộp số bán tự động có dung tích từ 110cc trở xuống đều vẫn tiếp tục sử dụng cấu trúc động cơ này. Trong khi đó, các động cơ 125cc sử dụng vách máy khác, nhưng công nghệ vẫn tương tự. Chỉ sau 1 năm có mặt trên thị trường, Super Cub C65 đã được thay thế bằng chiếc Super Cub với thiết kế hoàn toàn mới. Với thế hệ thứ 2 này, Honda Super Cub được bán với 2 phiên bản là C50 và C70 - trong đó C70 được ra mắt muộn vào năm 1969.
So với chiếc Super Cub đầu tiên, thế hệ thứ 2 này sở hữu khung chính bằng thép dập và hàn sống giữa với thiết kế tương tự, nhưng có kiểu dáng thay đổi khá triệt để. Những điểm khác biệt lớn nhất của chiếc xe nằm ở phần đầu, bộ yếm và cụm đèn phía sau. Trong khi đó, sự khác biệt giữa Super Cub C50 và C70 cũng tương đối nhỏ - phiên bản C70 có tem chữ "Super Cub 70" thay vì "Super Cub 50" trên bình xăng và bảng đồng hồ với mặt số khác màu.
Trong khi chiếc C50 có dung tích tăng chỉ đúng 0,5cc so với Super Cub C65 cũ, phiên bản C70 đã được nâng đường kính trái piston lên từ 39 thành 47mm để đạt 71,8cc. Nhờ máy lớn hơn, chiếc xe có thể đạt công suất 6 mã lực tại tua máy 9.000rpm và mô-men xoắn 5,2Nm tại 7.000rpm. Super Cub C70 được Honda tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu về một chiếc Super Cub mạnh mẽ hơn của khách hàng - đặc biệt là ở Mỹ và các nước phương Tây.
Cũng giống như các phiên bản của C100 trước đó, những chiếc Honda Super Cub C50/C70 thế hệ thứ 2 đã nhanh chóng "phủ sóng" trên toàn Thế giới. Tại Việt Nam, mẫu xe này cũng đã trở nên phổ biến do được người Mỹ đưa vào trong thập niên 70 của Thế kỷ XX. Có lẽ do xuất hiện nhiều ở nước ta vào năm 1978 nên tới nay, chúng thường được phân biệt bằng cái tên Cub 78 - tương tự cách người Việt gọi Honda SS50 là Honda 67 hay đời sau này là Cub 81.
Ngoài Cub 78, chúng còn được gọi bằng cái tên dân dã là Honda Dame, xuất phát từ chữ "madame" (quý bà) trong tiếng Pháp do đây vốn là loại xe dành cho nữ giới. Đã từng một thời được coi là "báu vật" đối với bất kỳ người chủ sở hữu nào, sau này những chiếc Cub và Dame đã bị mất giá trị khi các dòng xe hiện đại hơn xuất hiện tại Việt Nam. Thậm chí có thời điểm chúng còn thường mặc định được coi là "xe thồ", xe chở hàng.
Tuy nhiên với trào lưu hoài cổ đang nở rộ, những chiếc Super Cub các đời lại đang dần được giới chơi xe ưa chuộng bởi thiết kế trường tồn với thời gian, dễ sửa chữa, phục chế và có giá tương đối rẻ. Mặc dù vậy, những chiếc xe đời sâu như Cub 78 "Dame", 79 "đầu vênh máy cánh" hay 81 "kim vàng giọt lệ" ở trạng thái nguyên bản vẫn rất khó kiếm.
Ngoài số lượng giảm xuống do qua tay nhiều đời chủ và bị xuống cấp tới mức trở thành "đồng nát", những chiếc xe còn tồn tại cũng đã bị "lai" nhiều phụ tùng không đúng đời bởi đồ "zin" bị hư hỏng theo thời gian. Chính vì vậy, những chiếc xe còn nguyên bản gần như hoàn toàn như chiếc Cub 78 "Dame" trong bài viết này hiện đã trở thành "hàng hiếm" được giới chơi xe cất công săn lùng.
Thuộc sở hữu của một nhà sưu tập xe tại Hà Nội, sau khoảng nửa Thế kỷ sử dụng, nó vẫn còn trong trạng thái "zin" gần như toàn bộ. Ngoài cặp lốp phải thay thế do mòn, yên phải bọc lại do bị rách và mất 1 bên gương chiếu hậu, toàn bộ những phụ tùng còn lại trên xe đều không thay đổi so với khi rời nhà máy Honda tại Nhật.
Dù bộ khung cùng nhiều chi tiết mạ đã không thể chống chọi lại với thời gian và xuất hiện những đốm rỉ, nhưng động cơ của xe vẫn trong trạng thái hoạt động hoàn hảo - nổ máy chỉ sau một cú đạp ngay cả trong thời tiết giá lạnh của mùa đông Hà Nội. Đặc điểm này không chỉ chứng minh sự hoàn hảo của chiếc Super Cub C70 này, mà còn khẳng định chất lượng của những dòng xe Honda cổ. Và để có thể sở hữu một chiếc Cub cổ hoàn hảo như vậy, được biết chủ xe đã phải bỏ ra số tiền còn đắt hơn cả một chiếc Honda SH mới tinh để đưa nó vào bộ sưu tập của mình.
Một số hình ảnh chi tiết về chiếc Honda Super Cub C70 nguyên bản tại Hà Nội:
Theo Nghe nhìn Việt Nam