Chủ tịch VAMA Toru Kinoshita: Thị trường ô tô Việt Nam rất hấp dẫn
Nội địa hoá trong ngành ô tô: Muốn nhanh phải... từ từ / Cận cảnh Mercedes-Benz S400 độ Maybach S600 “dát vàng” của thiếu gia 9X Việt
Ông đánh giá thế nào việc lần lần đầu tiên có doanh nghiệp mang một sản phẩm ô tô thương hiệu Việt tới Triển lãm ô tô quốc tế Paris Motor show?
Mỗi hãng đều có chiến lược kinh doanh và quảng bá riêng. Chúng tôi không đứng ở vị trí của họ để đưa ra bình luận.
Theo ông, Việt Nam có cơ hội tham gia vào ngành công nghiệp ô tô thế giới ở phân đoạn nào? Làm ra sản phẩm cuối cùng của riêng mình hay tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tên tuổi lớn trong ngành ô tô thế giới?
Ở thời điểm hiện tại, quy mô thị trường của Việt Nam còn khá nhỏ so với các nước ASEAN khác như Thái Lan, Indonesia…, điều này kéo theo quy mô sản xuất còn nhỏ, vì vậy chi phí sản xuất chưa thực sự cạnh tranh.
Với điều kiện hiện tại, rất khó để có thể sản xuất toàn bộ một chiếc xe ô tô và xuất khẩu ra các quốc gia khác, phần lớn là do thiếu sự cạnh tranh về mặt chi phí sản xuất. Đối với linh kiện, các nhà sản xuất Việt Nam hiện đã có thể sản xuất và xuất khẩu sang các quốc gia khác, tuy nhiên chưa thực sự đa dạng.
Khi nỗ lực để gia tăng hàm lượng sản xuất ô tô tại Việt Nam, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với thách thức lớn nào khi thuế đã về 0% ?
Như tôi đã nói, hoạt động sản xuất tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN do quy mô sản xuất còn nhỏ hẹp.
Quy mô sản xuất nhỏ sẽ dẫn tới việc khó có thể đẩy mạnh nội địa hóa linh kiện, là yếu tố quan trọng để giảm giá thành. Nếu đầu tư sản xuất một chiếc xe mới, cần đầu tư vào khuôn, đồ gá, chi phí đầu tư rất cao. Nếu chúng ta sản xuất số lượng nhỏ, chi phí cho mỗi sản phẩm sẽ rất lớn. Tại Thái Lan, ở điều kiện tương tự, họ có thể sản xuất với số lượng gấp 10 lần, vì vậy, chi phí sẽ chỉ còn 1/10. Khó khăn này ảnh hưởng lớn đến quyết định của các nhà đầu tư.
Nếu có chính sách hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ, khi quy mô thị trường đủ lớn, Việt Nam sẽ đủ sức cạnh tranh.
Trong điều kiện bảo hộ mậu dịch đang có xu hướng quay lại, cùng với việc một số chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp lớn quay về sản xuất ở chính quốc, theo ông, Việt Nam có sức hút gì để hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài bỏ tiền vào đầu tư?
Chúng tôi cho rằng, tiềm năng tương lai của thị trường Việt Nam là điểm hấp dẫn. Trong 10 - 20 năm tới, cùng với sự phát triển của nền kinh tế nhờ thế mạnh dân số lớn và chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện, tôi tin rằng, Việt Nam sẽ trở thành một thị trường ô tô lớn mạnh và ngành công nghiệp ô tô cũng sẽ phát triển mạnh.
Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành cơ hội đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư thì cần tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh; ổn định từ chủ trương đến chính sách, nhất quán giữa các chính sách của các bộ, ngành; đặc biệt là cần sớm triển khai các chủ trương thành chính sách và hành động cụ thể.
Vậy nếu miễn hết các loại thuế nhập khẩu linh - phụ kiện vì cho rằng đó là cơ hội để có sản xuất tại Việt Nam thì có hợp lý không, thưa ông?
Chúng tôi ủng hộ ý tưởng áp dụng thuế nhập khẩu 0% đối với linh kiện lắp ráp xe CKD.
Ngoài ra, Chính phủ cần có chính sách thiết thực và khả thi để hỗ trợ phát triển năng lực của các nhà cung cấp phụ tùng linh kiện ô tô, ví dụ hỗ trợ chi phí đầu tư khuôn, đồ gá, ưu đãi về thuế.
Có ý kiến cho rằng, nên tăng thuế nhập khẩu trở lại với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc để tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển. Nếu thực hiện như vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức nào, thưa ông?
Việc có chính sách hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước như tôi nói ở trên là cần thiết. Để chính sách đó khả thi thì cần công bằng, rõ ràng với các nhà sản xuất trong nước, cũng như Chính phủ cần cân nhắc ý kiến của các nước có liên quan.
End of content
Không có tin nào tiếp theo