Đưa thương hiệu công nghệ thông tin Việt ra thế giới: Cần chính sách pháp lý phù hợp
Tìm giải pháp sinh học thay thế bền vững cho nhựa hóa dầu / Nhân lực làm chủ công nghệ AI đang được các doanh nghiệp trọng dụng
Đến nay, trong lĩnh vực giải pháp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, Việt Nam đã có những tên tuổi được nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới biết đến như: Viettel, FPT, CMC, VMO...
Giai đoạn hiện nay, để có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp Việt tiến ra nước ngoài gây dựng thương hiệu, cần xây dựng được những quy định pháp lý phù hợp, tháo bỏ rào cản để doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ thông tin Make in Việt Nam “xuất ngoại” thành công.
Câu chuyện doanh nghiệp tiên phong
Từ khi được thành lập năm 1993, Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (Tập đoàn CMC) đã xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp dựa trên nhiều yếu tố. Trong đó, để thích ứng với xu hướng phát triển của công nghệ, Tập đoàn CMC xác định tập trung cho 4 trụ cột quan trọng gồm: Hạ tầng số; Công nghệ và giải pháp; Kinh doanh quốc tế và Nghiên cứu giáo dục.
Ông Trần Tuấn Thanh, Chánh văn phòng Ủy ban Đối ngoại Chiến lược, Tập đoàn Công nghệ CMC chia sẻ, để có thể đầu tư ra nước ngoài, trước hết cần xây dựng được trụ cột vững chắc trong nước. Tại Việt Nam, mảng hạ tầng số đã được Tập đoàn CMC cung cấp nhiều nền tảng số như: Dịch vụ về trung tâm dữ liệu (data center), điện toán đám mây (cloud computing), an toàn thông tin (security)… Trong lĩnh vực công nghệ và giải pháp, CMC đã nghiên cứu và phát triển nhiều giải pháp chuyển đổi số, đồng hành với các cơ quan chính phủ và các địa phương, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Kinh nghiệm khi khai thác thị trường ngoài nước để phục vụ chiến lược “Go-global” của Tập đoàn CMC là tìm cách tiếp cận qua kênh hiệp hội doanh nghiệp của nước sở tại. Từ đó có được thông tin để xây dựng danh sách khách hàng chiến lược phù hợp với sản phẩm của mình. Trên cơ sở tìm hiểu thông tin, đánh giá, phân tích từng khách hàng, Tập đoàn CMC sẽ đưa ra các phương thức tiếp cận khác nhau để có thể đạt được mục tiêu kinh doanh đề ra.
Để có thể có nguồn lực cạnh tranh ở ngoài nước, 10 năm trước, Tập đoàn CMC đã đẩy nhanh quá trình nghiện cứu các công nghệ lõi bằng việc xây dựng Viện Nghiên cứu Ứng dụng CMC. Năm 2024, sinh viên khóa đầu tiên của Trường Đại học CMC sẽ là nguồn nhân lực quan trọng để doanh nghiệp tiến sâu với vào thị trường công nghệ thông tin ở trong và ngoài nước.
Nhờ xây dựng các giải pháp về nhân sự, cùng với các mô hình toàn diện, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho các đối tác nước ngoài, để tập trung phát triển trụ cột kinh doanh quốc tế, năm 2017, Tập đoàn CMC đã mở văn phòng đầu tiên tại Nhật Bản. Đến nay, Tập đoàn CMC đã thành lập được văn phòng thứ 3 và đang tính toán để tiếp tục mở rộng sang các thị trường Hoa Kỳ, Đức, Vương quốc Anh…
Công ty Cổ phần Công nghệ VMO Holdings (VMO Holdings) đã hoạt động trong lĩnh vực phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin được 12 năm. Là doanh nghiệp vừa và nhỏ những có những bước tiến thông minh, công ty đang có doanh thu đến từ thị trường nước ngoài.
Bà Nguyễn Khánh Diệp - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ VMO Holdings chia sẻ: Khi đầu tư ra nước ngoài, VMO Holdings đã gặp phải nhiều khó khăn. Bài học đắt giá nhất mà mọi doanh nghiệp cần chú ý là chọn thị trường thật đúng, chuẩn bị kỹ càng các nguồn lực và nghiên cứu pháp lý, thể chế chính trị bởi mỗi quốc gia có thể chế chính trị pháp luật hoàn toàn khác nhau. Kinh nghiệm của những doanh nghiệp đi trước là vô cùng quý báu nên cần tham khảo, tận dụng.
Khi Go-global, doanh nghiệp không chỉ mở rộng thị trường, tạo không gian phát triển mới, còn tạo ra môi trường để đào tạo nhân viên trong việc phát triển kiến thức, nâng cao chuyên môn để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp hàng đầu trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Bà Nguyễn Khánh Diệp cho biết, các doanh nghiệp công nghệ thông tin đi ra nước ngoài rất mong được nước sở tại nhận diện thương hiệu sản phẩm Việt. Về khía cạnh này, các doanh nghiệp của Việt Nam rất cần Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành để có thể tăng được nhận diện thương hiệu công nghệ thông tin (IT) Việt Nam trong khu vực và toàn cầu.
Đồng hành, hỗ trợ, gỡ khó
Những năm qua, nhờ sự đồng hành của các cơ quan chức năng của nhà nước, các Bộ: Thông tin truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư... nhiều doanh nghiệp công nghệ số đã tự tin tiến ra thị trường toàn cầu trong nhiều mảng của lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn thiếu hành lang pháp lý làm "bàn đạp", động lực cho doanh nghiệp Việt tiến ra thị trường nước ngoài. Thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp, được quốc tế công nhận, doanh nghiệp Việt sẽ không được bảo vệ theo pháp luật khi có tranh chấp xảy ra hoặc muốn phát triển sang thị trường thứ 2, thứ 3.
Ông Vũ Văn Trung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: Để mở rộng thị trường ngoài nước, các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều cần chú ý đến vấn đề pháp lý của Việt Nam cũng như của nước sở tại và cả những vấn đề pháp lý mà Việt Nam đã tham gia trong các quan hệ song phương và đa phương có liên quan. Bên cạnh đó, do lĩnh vực công nghệ thông tin là mới với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hiện, Việt Nam chưa có luật, quy định rõ ràng, đầy đủ, nhưng quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là ủng hộ những chủ chương có lợi cho doanh nghiệp đi ra nước ngoài.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 10/2024, cả nước có hơn 51.000 doanh nghiệp công nghệ số, khoảng 1.540.000 lao động, trong đó có hơn 500.000 người có trình độ kỹ sư. Hiện nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã xây dựng hệ sinh thái sản phẩm số Make in Việt Nam và cùng đồng hành với doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam để vươn ra toàn cầu. Để “mang chuông đi đấm nước người” thành công, ngoài xác định thị trường, xây dựng chiến lược, doanh nghiệp Việt cần chú trọng hơn để tăng cường nhận diện thương hiệu sản phẩm công nghệ thông tin Việt (IT) ở thị trường nước ngoài.
Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, những năm qua, Thông tin và Truyền thông đã thành lập tổ tư vấn để đồng hành và đối tác tin cậy cùng doanh nghiệp đi ra nước ngoài. Nhờ đó, vị thế của các doanh nghiệp Việt dần được tăng lên. Bộ cũng phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia triển lãm nước ngoài và hỗ trợ cho các doanh nghiệp có những sản phẩm ưu tú xuất sắc tham gia xúc tiến thương mại. Đặc biệt, hàng năm, Bộ đều tổ chức thẩm định, đánh giá và vinh danh các sản phẩm Make in Việt Nam xuất sắc qua các giải thưởng công nghệ uy tín.
Sau khi “xuất ngoại”, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã phát triển nhanh cả về số lượng, năng lực cạnh tranh. Nhiều sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số được các doanh nghiệp phát triển, hoàn thiện, phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số. Đáng nói, khi xây dựng được thương hiệu công nghệ thông tin Việt (IT) ở thị trường khu vực và quốc tế, những doanh nghiệp Việt thành công Go-global đã và đang góp phần thu hẹp khoảng cách cùng cộng đồng doanh nghiệp quốc tế chung tay xây dựng thế giới số.
Bộ Thông tin và Truyền thông xác định, các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư ra nước ngoài đang cần một đầu mối tiếp nhận các đề xuất kiến nghị những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp đã gặp phải trong quá trình phát triển thị trường nước ngoài. Đặc biệt, cần tập trung đẩy mạnh hơn các chương trình hoạt động xúc tiến doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài. Thời gian tới, Bộ nỗ lực hơn để thực hiện chức năng là đầu mối, đồng hành với các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt gỡ khó, thành công tiến ra thị trường nước ngoài.
End of content
Không có tin nào tiếp theo