Khoa học - Công nghệ

eSIM có tốt hơn thẻ SIM truyền thống hay không?

eSIM dự kiến được VinaPhone cung cấp trong tháng 2/2019. eSIM có gì khác với SIM truyền thống và có tốt hơn không.

Huawei tiếp tục vượt qua Apple, trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới / Xôn xao thông tin Sony ngừng kinh doanh smartphone tại thị trường Đông Nam Á

Dòng iPhone 2018 chính thức hỗ trợ eSIM

Theo kết quả thử nghiệm của VinaPhone, thao tác kích hoạt eSIM trên iPhone đời mới chỉ mất 20 giây. Ngay sau khi kích hoạt VinaPhone eSIM, người dùng có thể sử dụng mọi tính năng di động như thoại, sms, 3G/4G… như SIM vật lý thông thường.

eSIM được biết đến từ năm 2017 sau khi Google ra mắt Google Pixel 2 và Pixel 2 XL. Tuy nhiên, sau khi Apple tuyên bố iPhone Xs, Xs Max hỗ trợ eSIM, công nghệ này mới phổ biến hơn. eSIM cũng đã được Apple đưa vào Apple Watch nhưng đây là lần đầu tiên nó có mặt trên flagship của “táo khuyết”.

Hiện tại, mới chỉ có 24 quốc gia hỗ trợ eSIM, đó là: Áo, Na-uy, Canada, Ba Lan, Croatia, Qatar, Singapore, CH Séc, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Estonia, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Phần Lan, Đức, Đài Loan, Hồng Kong, Thái Lan, Hungary, UAE, Ấn Độ, Anh, Kuwait, Mỹ. Việt Nam sẽ là nước thứ 25 khi VinaPhone chính thức cung cấp eSIM.

eSIM/Embedded SIM hay chính thống hơn là Universal Integrated Circuit Card (eUICC) có chiều dài và chiều rộng dưới 5mm, được hàn vào bảng mạch của thiết bị khi sản xuất nhưng vẫn có chức năng như thẻ SIM thông thường. Nó có các chức năng M2M (Machine to Machine) và Remote Provisioning.

 

Remote Provisioning bên trong chuẩn eSIM mang đến trải nghiệm tốt hơn khi kích hoạt và quản lý điện thoại. Trong quá trình cài đặt, người dùng có thể chọn nhà mạng và gói cước mình muốn. Khi du lịch, về mặt lý thuyết điện thoại của bạn sẽ biết vị trí địa lý đã thay đổi và cung cấp một số điện thoại cũng như gói cước của nhà mạng địa phương. Một lợi ích khác được thảo luận đó là eSIM bảo đảm thiết bị tương lai có giá thành sản xuất rẻ hơn. Nói một cách đơn giản, nếu điện thoại như iPhone Xs và Xs Max hỗ trợ eSIM, bạn sẽ không cần cắm thẻ SIM vào máy để sử dụng dịch vụ của nhà mạng nữa.

Đối với nhà sản xuất, eSIM là giải pháp giúp họ cho ra các thiết kế nhỏ hơn do không cần chỗ chứa thẻ SIM nữa. Theo nhà mạng Vodafone, eSIM cho phép nhiều thiết bị thông minh hơn vì không cần nhiều không gian bên trong thiết bị, khiến cho ngay cả những thiết bị nhỏ như máy theo dõi tập luyện hay kính cũng có kết nối 4G độc lập chưa từng có.

Dù vậy, eSIM cũng có nhược điểm từ góc độ người dùng. Chẳng hạn, nếu thường xuyên đổi điện thoại, thay vì chỉ cần rút thẻ SIM từ máy này lắp vào máy khác, việc chuyển đổi eSIM không hề đơn giản. Bạn sẽ phải kích hoạt nó thông qua phần mềm trên thiết bị. Hoặc, nếu điện thoại hết pin và bạn muốn lắp SIM sang máy của bạn bè phòng khi có cuộc gọi đến, điều đó không hề dễ dàng.

eSIM vẫn chưa được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, khi Apple và Google đang dùng chuẩn này, chúng ta có thể thấy các nhà sản xuất khác “học tập” trong tương lai cũng như sự ủng hộ từ nhiều nhà mạng hơn.


Theo ictnews.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm