Giải pháp tháo gỡ tình trạng “bỏ ngăn kéo” kết quả nghiên cứu khoa học
Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng kỷ niệm 5 năm thành lập / Đà Nẵng: Căn hộ khan hiếm, nhà phố và biệt thự tăng nguồn cung
Đề tài nghiệm thu xuất sắc không được ứng dụng vào thực tiễn
Tại lễ khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN) và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên địa bàn nhân Ngày KHCN Việt Nam 18/5 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào thực tiễn, từng bước thương mại hóa kết quả nghiên cứu, gắn kết quả nghiên cứu với hoạt động khởi nghiệp ĐMST.

TS Nguyễn Quân phát biểu tại buổi gặp mặt của lãnh đạo TP Đà Nẵng với các chuyên gia, nhà khoa học chiều ngày 20/5.
“Đẩy mạnh thương mại hoá nghiên cứu” cũng là một trong những vấn đề trọng tâm được TS Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam trao đổi tại cuộc gặp mặt của lãnh đạo TP Đà Nẵng với gần 350 Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS), chuyên gia, nhà khoa học chiều ngày 20/5.
Theo ông, nhiều năm qua, dư luận xã hội luôn phàn nàn về tình trạng các đề tài bị “bỏ ngăn kéo”, đề tài nghiệm thu xuất sắc mà không được ứng dụng vào thực tiễn. Các đề tài, dự án nghiên cứu KHCN của TP Đà Nẵng cũng không nằm ngoài tình trạng này. Nguyên nhân là từ hai vướng mắc lớn nhất chưa vượt qua được ở thời điểm hiện nay.
TS Nguyễn Quân cho biết, các đề tài sau khi nghiệm thu có thể là xuất sắc, có khả năng thương mại hóa nhưng không thể chuyển giao cho sản xuất kinh doanh vì không thực hiện cơ chế giao quyền sở hữu. Theo Luật ngân sách nhà nước và Luật quản lý sử dụng tài sản công thì kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước là sở hữu của nhà nước. Nhà khoa học không thể tự chuyển giao cho doanh nghiệp vì vi phạm quyền sở hữu của Nhà nước.
Luật KHCN 2013 đã đề cập và thông tư hướng dẫn cũng đã quy định việc giao quyền sở hữu là thẩm quyền của Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP - là người đại diện chủ sở hữu nhà nước ở các bộ và các địa phương. Thế nhưng qua theo dõi, TS Nguyễn Quân cho biết đến nay chỉ có một vài trường hợp có quyết định giao quyền sở hữu, còn hầu hết không thực hiện thủ tục giao quyền, trong khi nhiều kết quả nghiên cứu có khả năng thương mại hóa và tính ứng dụng cao, có thị trường.
Ông nhấn mạnh, nhà nước về danh nghĩa là chủ sở hữu nhưng nhà nước không thể trực tiếp làm thủ tục chuyển giao, chuyển nhượng kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp, bởi vì bí quyết công nghệ, quy trình công nghệ do những người làm đề tài nắm giữ.
Theo kinh nghiệm ở các nước phát triển, dù là nhà nước cấp kinh phí cho nghiên cứu nhưng khi nghiệm thu, đánh giá xong thì mặc nhiên quy định đó là sở hữu của nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ, và nhà khoa học được toàn quyền sở hữu kết quả nghiên cứu của mình để đăng ký sở hữu trí tuệ, chuyển nhượng hay góp vốn vào doanh nghiệp.
Điểm nghẽn lớn nhất: Vấn đề định giá
TS Nguyễn Quân cho biết, theo quy định hiện nay, tài sản nhà nước khi chuyển giao cho tư nhân, giao cho doanh nghiệp thì phải định giá, tuy nhiên việc định giá tài sản vô hình là vô cùng khó.
“Định giá tài sản hữu hình như nhà xưởng, đất đai, máy móc, trang thiết bị… đã khó, định giá kết quả nghiên cứu, bằng sáng chế, giải pháp công nghệ, bí quyết công nghệ là tài sản vô hình còn khó hơn. Đây chính là điểm nghẽn lớn nhất trong việc chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp”, ông nói.
Ông cho hay, xu hướng chung ở các nước phát triển là nhà nước không thu lại vốn đầu tư một cách trực tiếp khi chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp. Thay vào đó, nhà nước cho phép nhà khoa học được quyền thỏa thuận giá trị của kết quả nghiên cứu với doanh nghiệp để chủ động trong việc chuyển giao, góp vốn vào doanh nghiệp, và nhà nước gián tiếp thu hồi vốn đầu tư thông qua thuế của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp khi ứng dụng được kết quả nghiên cứu sẽ đổi mới được công nghệ sản xuất, tạo ra sản phẩm mới, doanh thu và lợi nhuận tăng lên thì phần thuế tăng thêm còn lớn hơn nhiều lần mức đầu tư của nhà nước cho đề tài nghiên cứu.
TS Nguyễn Quân nhận định: “Làm như vậy là nuôi dưỡng nguồn thu thông qua việc nhà nước giao quyền sở hữu, giao quyền định giá cho những người làm khoa học, và các nhà khoa học được quyền tự định giá để chuyển nhượng hoặc góp vốn vào doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ là kết quả nghiên cứu”.
Đà Nẵng cần thí điểm giao quyền sở hữu, định giá cho người làm khoa học?
TS Nguyễn Quân cho biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên Nghị quyết này quy định chỉ giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu cho cơ quan chủ trì nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước, chứ không giao trực tiếp cho người chủ trì nhiệm vụ.
Trên cơ sở Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng, ông đề nghị TP thí điểm áp dụng cơ chế mặc định cao hơn quy định của Nghị quyết 193. “Tức là khi nghiên cứu thành công thì quyền sở hữu là của nhà khoa học chủ trì đề tài. Như vậy sẽ tháo gỡ được vướng mắc và chắc chắn số đề tài nghiên cứu bị “bỏ ngăn kéo” sẽ giảm đi rất nhiều”, TS Nguyễn Quân nói.
Ông kiến nghị HĐND TP Đà Nẵng cần ban hành Nghị quyết thí điểm giao quyền sở hữu và quyền định giá kết quả nghiên cứu có nguồn gốc ngân sách nhà nước cho các nhà khoa học chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu cấp TP và cấp cơ sở để đăng ký sở hữu trí tuệ và thương mại hóa kết quả KHCN (chuyển nhượng, góp vốn vào doanh nghiệp, kê khai vốn khi thành lập doanh nghiệp KHCN).
Nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân nhấn mạnh: “Nghị quyết này sẽ tháo gỡ được hai vướng mắc là giao quyền sở hữu và quyền định giá. Các nhà khoa học sẽ có thu nhập cao bằng trí tuệ của mình mà không cần chế độ tiền lương hay phụ cấp ưu đãi đặc biệt”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất

Điều gì giúp Đà Nẵng bứt phá xếp hạng chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2025?
AI - ‘trợ thủ’ giúp ngân hàng thực thi hiệu quả chiến lược ESG
Nghị quyết 57: 'Cởi trói' thể chế, mở ra không gian sáng tạo
Gỡ khó trong quản trị bền vững nhờ công nghệ AI
Giải pháp tháo gỡ tình trạng “bỏ ngăn kéo” kết quả nghiên cứu khoa học
Nguồn gốc bất ngờ của răng người: Tiến hóa từ 'áo giáp' của cá cổ đại cách đây hơn 460 triệu năm