Khoa học - Công nghệ

Hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại Quảng Ninh

Nhanh nhạy và sáng tạo, nông dân Quảng Ninh thời gian qua đã tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, hình thành nên những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao điển hình.

Một hành tinh khác sống được nhờ phủ kim tuyến? / Điều bất ngờ từ “chiến hạm ma” 360 tuổi dưới sông Thames

Ở những mô hình này, quy trình sản xuất ưu việt, thiết bị sản xuất hiện đại, người nông dân tự tin làm chủ các yếu tố tác động sản xuất, từ đó mang lại sản lượng lớn, chất lượng cao, nâng cao giá trị sản phẩm, giá trị trên diện tích đất canh tác và đảm bảo tính phát triển bền vững.

Đi vào sản xuất từ tháng 2/2024, HTX nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả (xã Cộng Hoà, TP Cẩm Phả) đã có đợt thu hoạch vụ tôm thứ 5 với sản lượng cao, mẫu mã đẹp. Công nghệ nuôi tôm của HTX này là công nghệ 3 giai đoạn trong nhà màng.

Theo anh Nguyễn Bá Mạnh, Giám đốc HTX, công nghệ này cho phép người nuôi tôm có thể chủ động nắm bắt và cân chỉnh những yếu tố môi trường nuôi cần thiết để tiến hành thả nuôi quanh năm. Ở từng giai đoạn trưởng thành của con tôm đều được thả vào những ao nuôi riêng biệt và áp dụng cách chăm sóc cụ thể, phù hợp lứa tuổi, mật độ, sức khoẻ và sở thích của con tôm.

1

Anh Đặng Bá Mạnh (đội mũ) áp dụng công nghệ nuôi tôm trong nhà bạt cải tiến và nuôi theo 3 giai đoạn.

Cái hay của HTX nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả còn là hệ thống nhà màng đã được cải tiến theo hướng nâng độ cao nhà màng. Việc này, giải quyết một vấn đề lớn của các nhà màng là sự bí và hấp hơi hoặc tình trạng sương mù xảy ra do sự chênh lệch nhiệt độ, khiến cho con tôm phải chịu cảnh sống trong môi trường yếm khí. Có nhà màng cải tiến, HTX nuôi tôm công nghệ cao Cẩm Phả tự tin chuẩn bị các điều kiện để bước vào nuôi tôm vụ đông, vốn là vụ nuôi khó thành công bởi thời tiết lạnh giá khắc nghiệt, không phù hợp với sự sống của con tôm.

Đông Triều với thế mạnh hạ tầng sản xuất nông nghiệp tương đối hoàn thiện, cộng với trình độ và tư duy canh tác của người nông dân tốt, đã khiến nơi đây trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp trong toàn tỉnh, vùng điển hình về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Nho sữa là giống cây chịu lạnh xuất xứ từ Hàn Quốc. Ông Ngô Đức Trí xã An Sinh là người mạnh dạn trồng giống cây này. Qua kênh bạn bè giới thiệu, ông Trí nhập giống cây, cải tạo đất và áp dụng quy trình nhà màng và tưới phun sương vào trồng cây. Nhờ đó, ông Trí giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực đến cây nho sữa, như thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao, thay vào đó là nền nhiệt trong nhà màng thấp, tương đối phù hợp với giống cây nhập ngoại này. Cùng với những điều chỉnh về nhiệt độ, ông Trí duy trì chế độ chăm sóc vườn nho theo hướng hữu cơ, ưu tiên sử dụng các loại phân, thuốc gốc sinh học, tạo nên độ giòn, ngọt cho quả nho.

Từ giải pháp canh tác hiện đại trên, vườn nho rộng 3 sào của ông Ngô Đức Trí không chỉ sinh trưởng và phát triển tốt mà còn sai trái, trái to, giòn, ngọt, ngon không kém sản phẩm nho sữa nhập ngoại. Vụ mùa này, ông Trí thu hoạch khoảng gần 1 tấn nho, trong đó, 70% là chùm nho loại 1, giá bán 300.000-350.000 đồng/kg.

2

Từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả, người dân khu Bình Lục Hạ, phường Hồng Phong, TX Đông Triều, đã chuyển đổi sang trồng hoa thiên lý, cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Có thể thấy, những mô hình nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao đã góp phần nâng cao giá trị cho kinh tế nông nghiệp trên toàn tỉnh. Không khó để bắt gặp những vườn cây trái hoa màu giống mới; những mô hình sản xuất nông nghiệp người dân đã sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, người dân sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm đối với các vùng hạn, ứng dụng ánh sáng để điều chỉnh hoa nở, chủ động phân vụ, thụ phấn để giảm sức tải cho cây trồng…

Hiện nay, bám sát chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh, diện tích canh tác sẽ ngày càng giảm đi, nhường chỗ cho các dự án đô thị cũng như các lĩnh vực kinh tế khác. Xu hướng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn sẽ ngày càng phát triển hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, của thị trường hướng tới những sản phẩm đặc sắc, ngon, lành, tốt cho sức khoẻ. Đồng thời nông nghiệp công nghệ cao cũng phù hợp với tiến trình đô thị hoá hiện đang phát triển rất mạnh mẽ trên địa bàn. Vì vậy, việc tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật trong mỗi mô hình sản xuất trở nên cấp thiết, rất cần được triển khai sớm và triển khai rộng rãi.

Với sự quan tâm của tỉnh và sự vào cuộc rất khẩn trương của hội nông dân các cấp, những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được khuyến khích hình thành và phát triển, nhận được những chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp. Đây là động lực quan trọng để nền nông nghiệp Quảng Ninh tiến lên hiện đại, bền vững và giá trị cao, có những chuyển động tích cực và mạnh mẽ, cộng hưởng cùng các ngành kinh tế khác để phát triển.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm