Khoa học - Công nghệ

Người gắn biển tên Đại lộ Khoa học ở Quy Nhơn đoạt giải ‘Oscar khoa học’

DNVN – Giáo sư Gerard 't Hooft - giải Nobel Vật lý năm 1999, người đã gắn biển tên Đại lộ Khoa học ở Quy Nhơn (Bình Định), vừa đoạt giải Đột phá đặc biệt năm 2025 trong lĩnh vực vật lý cơ bản, đây được xem là “Oscar khoa học” của thế giới.

ICISE lập tủ sách cộng đồng, mang khoa học đến gần hơn với công chúng / Nhiều ‘cá mập’ dự diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Bình Định

“Oscar khoa học” 3 triệu USD

Từ Los Angeles (Mỹ), Quỹ giải Đột phá vừa công bố những người đoạt giải Đột phá (Breakthrough Prize) năm 2025, để vinh danh các nhà khoa học có những khám phá đáng chú ý trong lĩnh vực chỉnh sửa gen, các bệnh ở người, các hạt cơ bản của vũ trụ và các nguyên tắc toán học nền tảng.

GS Gerard t’Hooft (SN 1946), người vừa được công bố đoạt giải Đột phá đặc biệt 2025 trong lĩnh vực vật lý cơ bản

GS Gerard 't Hooft vừa được công bố đoạt giải Đột phá đặc biệt 2025 trong lĩnh vực vật lý cơ bản.

Đây là năm thứ 13 giải thưởng danh giá, nổi tiếng và được coi là giải “Oscar khoa học” này được trao cho các nhà khoa học hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực khoa học đời sống, vật lý cơ bản và toán học.

Năm 2025, giải Đột phá trong vật lý cơ bản được trao cho hơn 13.000 nhà nghiên cứu từ các thí nghiệm ATLAS, CMS, ALICE và LHCb tại CERN.

Trong đó, giải Đột phá đặc biệt lĩnh vực vật lý cơ bản đã được trao cho Giáo sư Gerard 't Hooft - giải Nobel Vật lý năm 1999 (Đại học Utrecht, Hà Lan).

Giải Đột phá đặc biệt trong vật lý cơ bản là một giải thưởng danh giá nhằm vinh danh những khám phá khoa học đột phá và sâu sắc trong lĩnh vực vật lý cơ bản. Đây là một trong những giải thưởng khoa học có giá trị tiền thưởng lớn nhất thế giới, với mức thưởng lên tới 3 triệu USD cho mỗi giải.

Giải Đột phá được thành lập bởi Sergey Brin, Priscilla Chan và Mark Zuckerberg, Julia và Yuri Milner, Anne Wojcicki và được tài trợ bởi các quỹ do họ thành lập. Các ủy ban tuyển chọn bao gồm những người đã từng đoạt giải trong mỗi lĩnh vực.

GS Gerard t’Hooft trong lần gần nhất đến với Quy Nhơn.

GS Gerard 't Hooft chia sẻ thông tin khoa học tại Trung tâm ICISE năm 2023.

Những người đoạt giải tham dự một buổi lễ trao giải trang trọng được thiết kế để tôn vinh thành tựu của họ và truyền cảm hứng cho thế hệ các nhà khoa học tiếp theo. Đặc biệt, khoản tiền thưởng lớn giúp các nhà khoa học có thêm nguồn lực để tiếp tục theo đuổi các dự án nghiên cứu đầy thách thức và tiềm năng.

Người gắn biển tên Đại lộ Khoa học ở Quy Nhơn

GS Gerard 't Hooft (SN 1946), người vừa được công bố đoạt giải Đột phá đặc biệt 2025 trong lĩnh vực vật lý cơ bản, được biết đến là một trong những nhà vật lý lý thuyết hàng đầu thế giới về cơ học lượng tử. Vào đầu những năm 1970, ông đã có những đóng góp then chốt vào nền tảng của cái mà sau này được biết đến với tên gọi “Mô hình chuẩn của các hạt hạ nguyên tử”.

GS Gerard t’Hooft chia sẻ cảm xúc khi gắn biển tên Đại lộ Khoa học tại Quy Nhơn.

GS Gerard 't Hooft chia sẻ cảm xúc khi gắn biển tên Đại lộ Khoa học tại Quy Nhơn. Ngoài cùng bên phải là GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam.

Các công trình nghiên cứu của ông tập trung vào lý thuyết đo, các lỗ đen, trọng lực lượng tử và các khía cạnh cơ bản của cơ học lượng tử. Đóng góp của ông cho vật lý bao gồm một bằng chứng rằng các lý thuyết đo được đều có thể tái chuẩn hóa, chuẩn theo chiều không gian và tuân theo nguyên tắc holographic.

Ngoài giải thưởng Nobel vào năm 1999, ông từng được trao giải Wolf năm 1981, huân chương Lorentz năm 1986, giải Spinozapremie dành cho các nhà khoa học Hà Lan năm 1995…

Theo TS Trần Thanh Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), GS Gerard 't Hooft rất yêu mến Trung tâm ICISE và TP Quy Nhơn xinh đẹp, hiền hoà.

Ông đã từng 3 lần (năm 2017, 2018, 2023) đến tham dự các sự kiện khoa học quốc tế ở ICISE và đã đồng ý tham gia Hội đồng bảo trợ cấp cao về khoa học của trung tâm cùng với 8 nhà khoa học đạt giải Nobel khác và GS Ngô Bảo Châu (Huy chương Fields 2010).

Ngày 27/7/2017, nhân dự sự kiện khoa học quốc tế tại Trung tâm ICISE, GS Gerard 't Hooft đã được mời gắn biển tên Đại lộ Khoa học - con đường lượn quanh thung lũng Quy Hòa (TP Quy Nhơn) hướng ra biển, với không gian sơn thuỷ hữu tình, phù hợp cho các hoạt động nghiên cứu khoa học.

GS Gerard t’Hooft và TS Trần Thanh Sơn tại vườn Nobel.

GS Gerard 't Hooft và TS Trần Thanh Sơn tại Trung tâm ICISE.

Đại lộ Khoa học nối từ Quốc lộ 1D (tuyến Quy Nhơn – Sông Cầu) vào khu đô thị khoa học đầu tiên của Việt Nam và khu vực, rộng khoảng 200ha, do kiến trúc sư người Pháp Jean François Milou quy hoạch. Trong đó, hạt nhân là Trung tâm ICISE, Tổ hợp không gian khoa học và các viện nghiên cứu…

TS Trần Thanh Sơn cho biết thêm, trong năm 2026, Trung tâm ICISE sẽ tổ chức một hội thảo khoa học đặc biệt để chúc mừng sinh nhật lần thứ 80 của GS Gerard 't Hooft. Kế hoạch này đã được ông đón nhận và chấp thuận một cách vui vẻ.

Con đường nhỏ - Tinh thần lớn

Lý giải vì sao con đường không lớn nhưng được đặt tên là đại lộ (Đại lộ Khoa học), GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, cho biết, trong con đường nhỏ ấy có một tinh thần rất lớn để phát triển khoa học. Cũng như mỗi con người chúng ta tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng ý tưởng khổng lồ, khám phá những điều khổng lồ. Để con đường này mãi phát triển, chúng ta cần xây dựng một lộ trình khoa học, một đô thị khoa học phát triển mạnh trong tương lai.

Minh Thảo
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm