Những điểm yếu của Mitsubishi Xpander bản số sàn, giá 550 triệu đồng
Bảng giá xe máy, ôtô Suzuki tháng 9/2018: Khuyến mãi hấp dẫn / Bảng giá xe Yamaha tháng 9/2018: Khuyến mãi lớn
Giới thiệu chung
Mitsubishi Xpander ra mắt lần đầu tiên tại triển lãm ô tô quốc tế Gaikindo Indonesia (GIIAS) năm 2016 dưới dạng Mitsubishi XM concept. Một năm sau, ngày 10/8/2017, mẫu xe MPV bản thương mại đã chính thức ra mắt thị trường tại triển lãm GIIAS tại Jakarta, Indonesia.
Xpander 2018 được biết đến như là mẫu MPV 7 chỗ mới nhất của Mitsubishi. Tên của xe hiển thị tất cả các thông điệp mà nhà sản xuất Nhật Bản muốn truyền tải: thiết kế cải tiến, mức độ thoải mái và tiện nghi cao hơn, hiệu suất tăng lên và đặc biệt là thị trường “mở rộng” của Mitsubishi.
Mitsubishi Xpander được giới thiệu trong 6 biến thể tại thị trường Indonesia là GLX, GLS, Exceed (hai phiên bản phụ), Sport và Ultimate. Đối với thị trường Philippine, xe chỉ có 4 biến thể là GLX, GLX Premium, GLS và GLS Sport.
Mitsubishi Xpander xuất hiện lần đầu tại đải dất hình chữ S dưới cái tên XM Concept ở Triển lãm ô tô Việt Nam 2017. Xpander được biết đến là một mẫu xe đa dụng MPV 7 chỗ, gầm cao.
Ở thị trường trong nước, mẫu xe đa dụng Mitsubishi Xpander định vị sẽ cạnh tranh với các đối thủ như: Toyota Avanza, Toyota Rush, Honda HR-V hay Suzuki Ertiga.
Hiện mẫu xe được nhà phân phối Mitsubishi bán ra thị trường Việt Nam có hai phiên bản gồm bản MT và AT, giá bán tương ứng là 550 triệu đồng và 620 triệu đồng.
Trong bài viết này, VietnamFinace sẽ “mổ xẻ” chiếc Xpander (bản số sàn) để độc giả có cái nhìn rõ nét nhất về “tân binh” lần đầu bán ra tại Việt Nam.
Ngoại thất
Phần đầu phía trước của Mitsubishi Xpander trông rất giống với Mitsubishi eX concept từng được trưng bày tại triển lãm ô tô Geneva 2016. Phần đầu phía trước áp dụng ngôn ngữ Dynamic Shield, nổi bật là các đường nét góc cạnh, bo các góc và tập trung hướng vào chính giữa tạo thành chữ X độc đáo.
Bộ lưới tản nhiệt phía trước là các thanh ngang giả làm bằng chất liệu nhựa rẻ tiền. Đáng chú ý là phiên bản số sàn không được trang bị cặp đèn sương mù như trên biến thể số tự động.
Cụm đèn pha dạng to bản chia thành hai tầng cách biệt, phía trên là đèn pha Halogen, còn phía dưới là cụm đèn xi-nhan. Bao bên ngoài là đường viền mạ crôm sáng, kéo dài lên tận nắp ca-pô của xe.
Đèn xin-nhan được tích hợp ngay trên gương chiếu hậu.
Ở phía sau, phần đuôi của xe cũng mang nhiều đường nét góc cạnh mang đến dáng vẻ cứng cáp, cản sau mở rộng cùng ống-xả nằm sâu bên dưới.
Cụm đèn hậu dạng chữ L ngược độc đáo, cánh gió trên nắp ca-pô cũng được nhà sản xuất tích hợp đèn hậu.
Phần thân của Xpander mới nổi bật với trục D màu đen, các dải nhựa đen chạy qua khu vực cửa sổ thay vì bằng crôm như trên phiên bản số tự động.
Ấn tượng nhất chính là bộ la-zăng hợp kim 16 inch mới được bảo vệ bởi vòm bánh xe có nhiều đường nét chạm khắc.
Kích thước
Kích thước của Mitsubishi Xpander với các thông số kỹ thuật chiều dài x rộng x cao tương ứng là: 4.475 x 1.750 x 1.700 mm. Khoảng sáng gầm xe 205 mm.
So với các đối thủ cạnh tranh như Suzuki Ertiga hay Kia Rondo, Xpander trông to lớn hơn đôi chút so với Suzuki Ertiga (4.395 x 1.735 x 1.690 mm) về cả 3 mặt số đo, tuy nhiên lại khiêm tốn hơn đôi chút về bề dài và rộng khi xét cạnh Kia Rondo (4525 x 1805 x 1610 mm).
Khối lượng không tải của Mitsubishi đối với bản số sàn MT là 1.230 kg, trong khi bản số tự động năng 1.240 kg.
Nội thất
Không gian nội thất của xe được thiết kế khá hài hòa mang đến khả năng quan sát phía trước và xung quanh khá tốt cho người lái.
Toàn bộ chi tiết ở trên khu vực bảng điều khiển của xe làm bằng chất liệu nhựa rẻ tiền và khá thô sơ. Để tăng thẩm mỹ cho xe, nhà sản xuất còn bổ sung một số chi tiết giả sợi cacbon trên bảng táp-lô, cánh cửa xe.
Vô-lăng trên xe dạng 3 chấu, điều chỉnh 4 hướng và được làm bằng chất liệu nhựa cứng thay vì được bọc da như trên bản số tự động.
Đồng hồ tốc độ và vòng tua máy chỉ là dạng analog
Chưa hết, bản số sàn không được tích hợp các phím chức năng như nút điều khiển âm thanh, đàm thoại rảnh tay trên vô-lăng. Đặc biệt là hệ thống kiểm soát hành trình cũng bị “cắt bỏ”, chỉ xuất hiện bản số tự động.
Hệ thống điều hòa với 2 giàn lạnh và được điều chỉnh bằng tay (trên cả hai phiên bản), khả năng làm lạnh nhanh.
Ở khu vực chính giữa là một màn hình hiển thị đa thông tin, các phím chức năng dạng nút bấm hướng về phía người lái được bố trí khá thoáng. Các trang bị tiêu chuẩn khác trên xe như kính lái chỉnh điện, sấy kính trước/sau, cửa gió điều hòa cho hàng ghế sau, gương chiếu hậu trong chống chói chỉnh tay…
Hệ thống thông tin giải trí là dàn âm thanh 4 loa, đầu CD và cổng kết nối USB. Trong khi trên bản số tự động, Xpander được trang bị tới 6 loa, đầu DVD tích hợp Bluetooth, Tuch Panel và USB.
Một điểm trừ lớn nhất chính là dàn âm thanh 4 loa phát ra khá nhỏ, phải vặn từ mức 30 trở lên thì mới có thể nghe rõ.
Chìa khóa trên bản số sàn dạng khóa thông thường, trong khi bản số tự động dạng chìa khóa thông minh KOS và khởi động bằng nút bấm.
Không gian hàng ghế
Là mẫu MPV đa dụng 7 chỗ ngồi, Mitsubishi Xpander khiến không ít khách hàng (khó tính nhất)cũng phải trầm trồ bởi không gian bên trong khá là rộng.
Xe được bố trí kiểu ghế ngồi dạng 2+3+2, khoảng giữa giữa hai hàng ghế đầu và thứ hai rộng, trong khi hàng ghế thứ 3 chỉ phù hợp cho những người có vóc dáng nhỏ.
Ghế lái điều chỉnh tay 4 hướng (bản số tự động 6 hướng), toàn bộ ghế ngồi trên xe được bọc vải nỉ màu trắng sữa khá bắt mắt. Chất liệu vải nỉ bọc ghế chỉ ở mức độ rẻ tiền, việc sử dụng màu sắc trên cũng có điểm yếu là rất dễ phát hiện ra các vết bẩn xuất hiện trên ghế ngồi.
Ghế ngồi phía trước (bên cạnh ghế lái) còn được nhà sản xuất “sáng tạo” bằng một hộc đựng đồ nhỏ nằm dưới gầm ghế khá tiện dụng để đựng những vật dụng nhỏ như: sách, lon nước hay một số đồ cá nhân nhỏ khác.
Hàng ghế thứ hai với khoảng để chân khá rộng, trong khi khoảng để chân ở hàng ghế thứ 3 lại khiêm tốn và khá chật chội. Cả hàng ghế 2 và 3 đều có thể gập xuống để gia tăng không gian chứa đồ cũng như công năng sử dụng của xe. Cụ thể, hàng ghế thứ hai có tỷ lệ gập 60:40 và hàng ghế thứ 3 là 50:50.
Với kiểu thiết kế tập trung vào 3 hàng ghế, khoang đựng đồ phía sau của xe khá là khiêm tốn. Đây được xem là một “bất lợi” lớn của Xpander so với các đối thủ.
Các hộc đựng đồ phía sau của Xpander chỉ thích hợp để các vật dụng nhỏ như giầy, lon nước, sách báo,…
Hộc đựng đồ phía trước kiêm bệ tỳ tay chống mỏi cho người lái
Các hàng ghế đều có tựa đầu và gập xuống một cách dễ dàng
Hàng ghế thứ 3 bên tay phải còn được bổ sung một ổ cắm sạc điện 12V cùng nhiều hộc đựng đồ
Dàn máy lạnh điều hòa 4 vùng độc lập cho hàng ghế sau, tất cả được điều chỉnh bằng tay
Vận hành
MPV đa dụng 7 chỗ giá rẻ Mitsubishi Xpander sở hữu hệ truyền động với động cơ 1.5L, 4 xi-lanh, sản sinh công suất cực đại 103 mã lực và mô-men xoắn cực đại 141Nm tại 4.000 vòng/phút. Kết hợp với động cơ trên là hộp số sàn 5 cấp. Mức tiêu hao nhiên liệu của Xpander theo công bố là 6.2L/100km đường hỗn hợp.
An toàn
Trang bị an toàn trên xe gồm 2 túi khí, hệ thống cân bằng điện tử, khởi hành ngang dốc, cảnh báo phanh khẩn cấp, chức năng chống trộm, chìa khóa mã hóa chống trộm, hai móc an toàn ISO-FIX… Hệ thống camera lùi chỉ xuất hiện trên phiên bản số tự động.
Kết luận
Mitsubishi Xpander là mẫu xe hoàn toàn mới và lần đầu tiên góp mặt tại thị trường Việt Nam nhưng đã thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng nhờ thiết kế đẹp và mức giá bán hấp dẫn. Đây hiện là dòng xe 7 chỗ có giá bán mềm nhất hiện nay.
Với mức giá từ 550 triệu đồng, Mitsubishi Xpander phiên bản số sàn được trang bị các tính năng cơ bản đủ dùng, không gian rộng rãi, động cơ tiết kiệm nhiên liệu cùng khả năng vận hành ổn định. Đây là một lựa chọn khá phù hợp cho nhóm đối tượng khách hàng mua xe chạy dịch vụ, các công ty, xe trung chuyển hay các gia đình có thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, chiếc MPV đa dụng giá rẻ này cũng có những nhược điểm như không chở được nhiều hành lý khi chở đông người, xe kém linh hoạt khi đi đường trường, bản số sàn thiếu nhiều tiện nghi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo