Khoa học - Công nghệ

Nơi ươm mầm cho những ý tưởng đột phá

DNVN - Là thành viên của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam, Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (thành phố Cần Thơ) đã hỗ trợ chuyển giao công nghệ, cải tiến quy trình công nghệ và phát triển sản phẩm mới cho hơn 30 doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Công ty Deep Blue Aerospace mở bán vé du lịch không gian / Học sinh cần cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro khi sử dụng AI

Trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ.
Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (gọi tắt là Vườn ươm) là dự án viện trợ ODA không hoàn lại từ Chính phủ Hàn Quốc với tổng số vốn đầu tư 21,13 triệu USD. Vườn ươm rộng khoảng 4,5ha nằm trong khu khu công nghiệp Trà Nóc 2, phường Phước Thới, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ.

Phó Giám đốc Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc Trần Hà Đông Quân cho biết, đến năm 2023 cả nước có hơn 80 cơ sở ươm tạo hoạt động dưới dạng là trung tâm, vườn ươm hoặc công ty do Nhà nước hoặc tư nhân thành lập. Các cơ sở này nhằm cung cấp các dịch vụ và cơ sở vật chất cần thiết để hỗ trợ việc khởi nghiệp từ giai đoạn hình thành ý tưởng, phát triển sản phẩm cho đến khi thành lập và phát triển doanh nghiệp.

n

Cán bộ, giáo viên trường Cao đẳng cộng đồng Đồng Tháp tham quan học tập tại vườn ươm.

Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc thuộc thành viên của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam, được đầu tư đồng bộ với các trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu từ phòng thí nghiệm đến xưởng sản xuất thực nghiệm, xưởng gia công chế tạo.

Ngay từ khi đi vào hoạt động, vườn ươm đã nhận được sự đồng hành, hỗ trợ tích cực từ các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu từ các trường đại học, cao đẳng trong khu vực. Từ đó, đã giúp cho đơn vị này hoạt động ngày càng hiệu quả, trở thành cầu nối thu hút doanh nghiệp các tỉnh ĐBSCL tham gia nghiên cứu phát triển, cải tiến sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.

Ông Trần Hà Đông Quân cũng cho biết, vườn ươm tạo ra ba loại giá trị gia tăng: hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển; phát triển các kết quả nghiên cứu khoa học có khả năng thương mại hóa và là “chiếc nôi” ươm mầm tạo ra các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Điểm tựa và đồng hành cùng doanh nghiệp
Trong phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là những doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ, thường gặp khó khăn trong đổi mới công nghệ sản xuất cũng như dịch vụ kinh doanh. Với thế mạnh của mình, nhằm thực hiện mục tiêu hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, những năm qua, vườn ươm đã tập trung công tác nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật công nghệ trên các lĩnh vực chế biến nông sản, chế biến thuỷ sản và cơ khí chế tạo. Đặc biệt là công tác nghiên cứu phát triển, cải tiến chất lượng sản phẩm của vườn ươm luôn được các tổ chức và doanh nghiệp ĐBSCL đánh giá cao.

Vườn ươm đã hỗ trợ hơn 30 doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ chuyển giao công nghệ, nghiên cứu cải tiến hoàn thiện quy trình công nghệ, phát triển sản phẩm mới từ các nguyên liệu truyền thống của địa phương. Từ đó, góp phần khắc phục, giải quyết những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp trong khâu kỹ thuật sản xuất, cải tiến sản phẩm, tăng thời gian và chất lượng bảo quản sản phẩm.

n
Thực hành sửa chữa máy nông nghiệp tại một phân xưởng của Vườn ươm.

Được kết quả như vậy là nhờ vườn ươm có đội ngũ nhân lực nghiên cứu tâm huyết, sáng tạo, có kỹ năng chuyên môn dành nhiều thời gian nghiên cứu tạo ra những sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị cho nguyên liệu và sản phẩm. Trong đó, có 2 sản phẩm được đưa vào sách vàng sáng tạo Việt Nam, 2 sản phẩm đạt giải nhất, 4 sản phẩm đạt giải khuyến khích tại các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật Cần Thơ.
Vườn ươm còn chủ trì thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ như thực hiện 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố; tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp trường cùng với các giảng viên tại Đại học Cần Thơ; hỗ trợ hơn 5.000 lượt sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng nghiên cứu thực hiện các đề án tốt nghiệp và đề tài khoa học tại vườn ươm.

Với hơn 80 máy kéo từ khoản viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc trong dự án “Hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp Việt Nam tại thành phố Cần Thơ”, vườn ươm đã lựa chọn, chuyển giao các máy nông nghiệp phục vụ việc cơ giới hóa cho hơn 20 hợp tác xã ở các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai và Vĩnh Thạnh. Vườn ươm cũng đang có kế hoạch phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ và các đơn vị có liên quan thực hiện “Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp” trên địa bàn thành phố.

Đánh giá về vai trò của vườn ươm thời gian qua, tại hội thảo “Định hướng công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL” vào ngày 26/10, các chuyên gia, nhà khoa học đều khẳng định, vườn ươm đã được thực hiện khá hiệu quả nhiệm vụ, chức năng của mình. Qua đó, góp phần khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ, lựa chọn công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước, nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo của địa phương và khu vực.

“Vườn ươm không chỉ hỗ trợ, đẩy mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp mới thành lập mà còn mang trong mình sứ mệnh quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế, xã hội của vùng. Vườn ươm tạo ra môi trường tốt để ươm mầm, hiện thực hóa những ý tưởng, đam mê sáng tạo, đồng thời, luôn hướng đến và cam kết đồng hành vì sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp, mang đến những sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường và xuất khẩu”, ông Trần Hà Đông Quân nói.

Hòa Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm