Tiềm năng công nghệ xử lý rác thải điện tử "Made in Vietnam"
Ứng dụng công nghệ trong y tế - “Mỏ vàng” của các startup công nghệ Việt / Sắp diễn ra tọa đàm “Ứng xử truyền thông với công nghệ tiên phong”
Xử lý rác thải điện tử đang là mối quan tâm của các nước trên thế giới, đặc biệt trong giai đoạn phát triển cực nhanh của nền công nghiệp điện tử trong xu thế chuyển đổi số toàn cầu.Theo số liệu thống kê của Hội Thống kê rác thải toàn cầu (The Global E-Waste Statistics Partnership - GESP), trong năm 2019, Việt Nam có 514.000 tấn sản phẩm điện tử được đưa ra thị trường.
Trước thực tế đó, hiện nay tại Việt Nam, nhiều nhà khoa học, các trường Đại học, Viện nghiên cứu và doanh nghiệp cũng đã có nhiều giải pháp công nghệ để giải quyết vấn đề xử lý, tái chế rác thải điện tử.
Nhiều giải pháp công nghệ đang được nghiên cứu để xử lý hiệu quả rác thải điện tử.
Tại hội thảo “Xu hướng công nghệ xử lý rác thải điện tử” do Trung tâm thông tin và thống kê Khoa học và công nghệ TP Hồ Chí Minh (CESTI, thuộc Sở Khoa học và công nghệ TP Hồ Chí Minh) tổ chức mới đây, một số giải pháp, công nghệ nổi bật do các nhà khoa học Việt Nam phát triển đã được giới thiệu.
Có thể kể đến là Quản lý chất thải điện tử tại Việt Nam theo định hướng kinh tế tuần hoàn (PGS Nguyễn Đức Quảng – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Hiện nay, đa phần chất thải điện tử được thu gom và tháo dỡ không theo quy cách, chỉ tập trung thu hồi các vật liệu dễ thu hồi và tái chế (như một số kim loại), phần còn lại bị tiêu hủy hoặc đi vào các bãi chôn lấp chất thải rắn. Do đó, cần gia tăng năng lực tái chế và thu gom từ cộng đồng. Giải pháp được PGS Nguyễn Đức Quảng đưa ra là quản lý chất thải điện tử theo quy trình công nghệ tách và thu hồi kim loại từ bảng mạch điện tử.
PGS.TS. Lê Văn Lữ – Đại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh giới thiệu Lò đốt bản mạch và tái chế kim loại trong xử lý rác thải điện tử. Giải pháp công nghệ này là thành quả từ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ (thực hiện tại Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh), cho phép tái chế rác thải điện tử bằng phương pháp đốt có hiệu quả cao, tận thu nhanh và nhiều kim loại quý.
Kim loại thu hồi được nấu - luyện trong lò tái chế kim loại thích hợp, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và hiệu suất tận thu. Lò đốt thiết kế đáp ứng quy chuẩn quốc gia QCVN 30:2012/BTNMT về bảo vệ môi trường.
“Một số giải pháp tái chế vàng và ứng dụng vật liệu hấp phụ trong công nghệ tái chế rác thải điện tử” là đề tài được giới thiệu bởi TS. Triệu Quốc An – Khoa kỹ thuật thực phẩm và môi trường của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành TP. Hồ Chí Minh.
Giải pháp này sử dụng hỗn hợp persulfate/hydroxyl peroxide để bóc tách vàng từ bảng mạch và sử dụng vật liệu hấp phụ ZrO2 được biến tính bề mặt với acid thioctic để phân tách ion Au(III) trong dung dịch, có thể là các lựa chọn thay thế cho quy trình thu hồi kim loại quý từ bảng mạch điện tử. Giải pháp đã được triển khai thành công ở quy mô phòng thí nghiệm, giàu tiềm năng thương mại hóa, sẵn sàng hợp tác với các đơn vị có nhu cầu để hoàn thiện công nghệ và ứng dụng vào khai thác nguồn rác thải điện tử.
Công nghệ thu hồi Yttri và Europi từ đèn huỳnh quang sau sử dụng (TS. Hà Vĩnh Hưng – Viện KH&CN môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội) đã được thử nghiệm thành công tại phòng thí nghiệm tái chế chất thải (ĐH bách khoa Hà Nội). Công nghệ này có tính ổn định, cho phép thu hồi Yttri có độ tinh khiết trên 95%, Europi có độ tinh khiết trên 90%, hiệu suất thu hồi trên 90%, dễ vận hành. Khả năng ứng dụng công nghệ khá rộng, không chỉ cho phép thu hồi Yttri và Europi từ đèn huỳnh quang, mà còn có khả năng ứng dụng cho đèn LED, màn hình LCD.
Tại hội thảo, Th.S Hoàng Xuân Dương - Công ty phát triển công nghệ HiTech Việt Nam giới thiệu dây chuyền xử lý rác thải điện tử, đặc biệt là các giải pháp băm, nghiền đảm bảo làm biến dạng hoàn toàn các thiết bị phần cứng (ổ cứng, bo mạch, màn hình, điện thoại, máy fax, máy in, bo mạch ATM…); ngăn ngừa khả năng làm lộ dữ liệu, tăng cường tính bảo mật cho các công tác tạo mẫu, an ninh; hỗ trợ tốt cho các công đoạn phân loại, tách vật liệu nhựa khỏi kim loại… trong quy trình xử lý.
End of content
Không có tin nào tiếp theo