Khoa học - Công nghệ

Tìm giải pháp để việc hợp tác giữa trường đại học với các doanh nghiệp không chỉ dừng ở... ký kết văn bản

DNVN - Liên kết giữa các tập đoàn, công ty với Đại học Lâm nghiệp đa phần mới ở cấp độ ký kết văn bản là thực trạng được PGS, TS Nguyễn Văn Việt đưa ra tại hội thảo “Định hướng phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo lâm nghiệp giai đoạn 2022 – 2030” ngày 16/5.

6 trường đại học có mức phí “đắt đỏ” nhất thế giới / Điểm danh những trường đại học có kiến trúc đẹp nhất thế giới

Theo PGS, TS Nguyễn Văn Việt, Trường Đại học Lâm nghiệp, mô hình đại học - doanh nghiệp đã và đang phát triển rất phổ biến trên thế giới. Sự hợp tác này đã ảnh hưởng tích cực tới hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên.

Trường Đại học Lâm nghiệp là trường đầu ngành trong lĩnh vực lâm nghiệp, đã và đang hợp tác với các doanh nghiệp trên nhiều phương diện như: Hợp tác trong nghiên cứu và phát triển, trao đổi nhân sự (học giả, sinh viên và chuyên gia), thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển, xây dựng và phổ biến chương trình đào tạo, học tập suốt đời, phát triển doanh nghiệp và quản trị…

Hàng năm, trường Đại học Lâm nghiệp đã tổ chức ký kết hợp tác mới với hàng chục doanh nghiệp và các tổ chức như: Công ty Archi Việt Nam, Công ty Cổ phần Giáo dục và Đào tạo APEC, Công ty cổ phần Vinpearl, Công ty Cổ phần Tập đoàn Ntea Việt Nam trên tinh thần tự nguyện vì sự phát triển chung.

Các thỏa thuận hợp tác liên quan đến xây dựng đề tài, dự án, sử dụng dịch vụ và quảng bá thương hiệu của nhau liên quan đến tiềm năng và lợi thế sẵn có của mỗi bên; hợp tác huy động nguồn vốn cho các đề tài nghiên cứu thông qua vốn đầu tư của doanh nghiệp, các dự án hợp tác, các dự án đầu tư, các chương trình KHCN.

Đồng thời, bàn thảo về hợp tác đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao đề tài thông qua các hoạt động tiếp nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu, thực hiện các đề tài dự án KHCN, tổ chức các hội nghị, hội thảo cũng như tổ chức đào tạo và tiếp nhận nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp; xây dựng và tổ chức các chương trình đào tạo và bồi dưỡng, cung cấp chứng chỉ đào tạo ở các trình độ, các ngành nghề sản xuất cho đội ngũ công nhân, cán bộ quản lý, hỗ trợ thực tập, thực hành cho sinh viên tại doanh nghiệp.

Hiện các công ty đã và đang xem xét tặng các suất học bổng hoặc phần quà khuyến khích cho các sinh viên có thành tích học tập tốt, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hợp tác trao đổi kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm và các tài liệu chuyên sâu, đề tài khoa học nhằm hiện thực hoá các kết quả nghiên cứu.

Mô hình đại học - doanh nghiệp đã và đang phát triển rất phổ biến trên thế giới.

Các công ty đều sẵn sàng hỗ trợ tài chính, nguồn vốn cho các đề tài nghiên cứu khoa học có tính thực tiễn cao; sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ tinh thần sáng nghiệp, các hoạt động khởi nghiệp của sinh viên, tham gia tài trợ tài chính cho trường đại học để thực hiện các cuộc thi vềtưởng khởi nghiệp, vườn ươm đổi mới sáng tạo, dự án khu công nghệ cao…

“Mặc dù vậy, sự liên kết hợp tác giữa trường và các tập đoàn, công ty đa phần mới ở cấp độ ký kết văn bản hợp tác, một số nhỏ đã bắt đầu đi vào bàn thảo các khía cạnh chuyên môn và hỗ trợ tài chính”, PGS, TS Nguyễn Văn Việt cho biết.

Để thúc đẩy sự liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp trong KHCN và đổi mới sáng tạo, PGS, TS Nguyễn Văn Việt khuyến nghị phía trường đại học cần có chiến lược liên kết với doanh nghiệp thông qua hai hình thức chủ yếu là ký thỏa thuận hợp tác về đào tạo và chuyển giao công nghệ, hoặc trở thành cổ đông của những doanh nghiệp.

Đây là điều kiện để các trường đại học quảng bá thương hiệu, nâng cao năng lực và hiệu quả đầu tư tài chính trước xu thế tự chủ đại học.

Trường đại học cần thường xuyên cập nhật nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy; xây dựng cơ chế để đội ngũ doanh nhân trực tiếp tham gia giảng dạy những nội dung cần thiết trong chương trình đào tạo.

Về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ hơn về lợi ích cũng như xu thế tất yếu của mối liên kết nhà trường - doanh nghiệp, từ đó hoạch định cơ chế phối hợp cũng như chiến lược nhân sự hợp lý cho mình trong tương lai.

Để hạn chế, khắc phục tình trạng đào tạo lại sau khi tuyển dụng, doanh nghiệp cũng cần thiết lập bộ phận chuyên trách để phản biện, góp phần xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo cho trường đại học hướng theo nhu cầu sử dụng nhân lực từ phía doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần có chiến lược “nuôi dưỡng”, “ươm mầm” tài năng tại các trường đại học bằng các hình thức cung cấp học bổng, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính, tuyển dụng trước và sau tốt nghiệp; đặt hàng cơ sở đào tạo giải quyết những vấn đề cần thiết mà doanh nghiệp đang và sẽ có nhu cầu.

“Chủ trương đưa các doanh nhân vào hội đồng trường đại học thời gian gần đây được nhìn nhận là một bước tiến trong chiến lược xã hội hóa giáo dục cũng như đào tạo theo nhu cầu xã hội. Đây cũng được là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh và thương hiệu của mình”, PGS, TS Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm