Khóc vì thuốc tạo trầm dỏm
Được xem là “cây tỉ phú” nhưng nhiều nông dân trồng dó bầu để tạo trầm hương ở Đồng Nai, Vũng Tàu... đang khóc ròng vì gặp phải thuốc tạo trầm kém chất lượng.
Trái ngược hoàn toàn với sự sôi nổi của phong trào trồng cây dó những năm trước, thời gian gần đây khi đến Tân Phú, Đồng Nai, dù vào mùa thu hoạch dó bầu để lấy trầm hương nhưng chẳng mấy ai vui.
Thua lỗ tiền tỉ
VN được đánh giá là quốc gia cho trầm hương tốt nhất thế giới. Vì vậy nếu giải quyết được bài toán chế phẩm tạo trầm, cơ hội của VN rất lớn. Bởi giá tinh dầu trầm hương có chất lượng hiện lên đến 50.000 USD/ lít, còn nhu cầu của thế giới hàng ngàn lít mỗi năm
Nhìn những cây dó bầu sau hai năm cấy thuốc giờ đây phải cắt bỏ, ông Trần Hoàng Tuấn (Núi Tượng, Tân Phú, Đồng Nai) như rớt nước mắt bởi đã đổ hàng tỉ đồng cho việc trồng gần 5.000 cây dó bầu. Chỉ vào các lỗ chi chít trên thân cây dó, ông Tuấn kể mỗi cây dó được khoan hàng trăm lỗ để bơm 3 lít chất tạo trầm nhưng gần hai năm sau trầm vẫn không thấy, ông nhận ra mình đã bị lừa.
“Nếu trồng cây dó không cần cấy thuốc tạo trầm, mỗi cây tôi có thể bán khoảng 7 triệu đồng. Còn nay cây chết, cây rỗng ruột bán không người mua, chưa kể tiền mua thuốc tạo trầm hơn 1,5 tỉ đồng và công sức, thời gian chờ đợi gần hai năm trời. Với số lượng đầu tư 5.000 cây dó bầu, tính sơ sơ tôi đã thua lỗ hơn 2 tỉ đồng” - ông Tuấn buồn bã.
Dù thiệt hại ít hơn ông Tuấn nhưng ông Đinh Hữu Thông (ấp 2, Trà Cổ, Tân Phú, Đồng Nai) đang khổ sở vì phải còng lưng trả món nợ từ giấc mộng trầm hương để lại. Theo ông Thông, để có hơn 250 triệu đồng mua thuốc tạo trầm cấy vào 200 cây dó bầu, ông phải vay khắp nơi, nhưng nay sau gần bốn năm cấy các cây dó đang chết dần do gặp thuốc tạo trầm dỏm, còn đơn vị bán thuốc lặn mất tăm. “Bao nhiêu năm qua ai trúng trầm không biết chứ Tân Phú ai cũng khóc vì trầm” - ông Thông nói như khóc.
Theo ông Ngô Duy Tư, chủ nhiệm Câu lạc bộ Trầm hương tỉnh Đồng Nai, chỉ riêng Tân Phú cuối năm 2012 và đầu năm 2013 có khoảng 40.000 cây dó bầu bị hư, chết do gặp phải thuốc tạo trầm kém chất lượng.
Tương tự, Hội Trầm hương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết hiện hầu như trong tỉnh không còn cây dó để cấy trầm, bởi năm 2012 và 2013 hàng chục ngàn cây 6 - 8 năm tuổi được người dân đổ xô cấy thuốc tạo trầm nhưng do toàn gặp phải thuốc kém chất lượng nên hầu như bị chết, hư.
Phủi trách nhiệm
Anh Trần Văn Mạnh (Q.12, TP.HCM), người đang trồng 20.000 cây dó bầu tại Đà Nẵng, cho biết không dám tin dùng bất cứ chế phẩm tạo trầm nào để cấy vào cây bởi theo anh, trên thị trường dù có hàng trăm cơ sở sản xuất chế phẩm tạo trầm nhưng chưa nơi nào đủ uy tín để thuyết phục anh. “Tôi chấp nhận để không cây dó hơn là “nhắm mắt” cấy chế phẩm tạo trầm với nhiều rủi ro như hiện nay” - anh Mạnh khẳng định.
Trong khi đó, theo ông Trần Hoàng Tuấn, hầu hết các đơn vị cấy thuốc (kèm bán thuốc) đều không chịu ký hợp đồng, không có giấy tờ nào về thông tin sản phẩm thuốc nên nông dân chỉ mua thuốc bằng niềm tin, khi thua lỗ chẳng đòi được đồng nào.
“Khi cấy thuốc, họ khẳng định sau tám tháng cho loại trầm giá 6 triệu đồng/kg, để lâu hơn sẽ cho ra trầm loại 3, loại 4 với giá trên 10 triệu đồng/kg, nếu không sẽ đền bù thiệt hại. Tuy nhiên, từ trước đến giờ chưa thấy ai đền bù, toàn đi lừa nông dân” - ông Tuấn bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Minh, phó chủ tịch Hội Trầm hương VN, cũng thừa nhận cả nước hiện có hàng trăm cá nhân, tập thể sản xuất và phân phối chế phẩm kích thích tạo trầm và hầu hết không có chứng nhận chất lượng sản phẩm.
“Do năng lực và thẩm quyền của hội có hạn nên chỉ khuyến cáo người nông dân nên lựa chọn kỹ trước khi sử dụng chất cấy tạo trầm chứ không thể quản lý hay can thiệp vào công việc các đơn vị kinh doanh chất tạo trầm. Việc cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm thuốc tạo trầm hiện do các địa phương đảm nhận” - ông Minh nói.
Để giảm thiểu những rủi ro cho nông dân, ông Ngô Duy Tư cho rằng Hội Trầm hương VN nên sàng lọc và đưa vào danh sách các chế phẩm kích thích tạo trầm hương hiệu quả, kèm theo phương pháp sử dụng để nông dân lựa chọn.
Bởi với thị trường chế phẩm kích thích tạo trầm hương hỗn tạp với hàng trăm chủng loại như hiện nay, nếu không quản lý nhiều nông dân sẽ tiếp tục phải trả giá.
Theo TT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo