Khởi đầu mới quan hệ song phương Việt Nam-EU
Khẳng định này được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đưa ra tại Hội thảo “Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện: Khuôn khổ hợp tác mới cho quan hệ Việt Nam-EU” vừa được Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Phái đoàn của Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức sáng 23-10 tại Hà Nội.
Hội thảo do Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Hà Nội Franz Jessen đồng chủ trì. Ngoài các quan chức Chính phủ Việt Nam, còn có sự tham dự của đại diện của các nước thành viên EU, tổ chức xã hội dân sự, doanh nghiệp châu Âu và phái đoàn EU.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu bật những thành tựu hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU trong nhiều năm qua, đặc biệt biểu hiện sinh động qua chuyến thăm lần đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy đến Việt Nam ngày 31-10-2012.
“Hiệp định PCA góp phần quan trọng định hình sự phát triển của quan hệ Việt Nam - EU trong nhiều năm tới...Nhiệm vụ chúng ta là biến những thỏa thuận trong PCA thành những kết quả hợp tác cụ thể, thiết thực, mang lại lợi ích cho cả hai bên, đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới”-Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu.
Đại sứ Franz Jessen nhấn mạnh: “PCA mới thể hiện những cam kết của EU trong việc củng cố mối quan hệ được nâng cao hơn, sâu rộng hơn và chín muồi hơn với Việt Nam, một đối tác sẵn sàng nhận ngày càng nhiều trách nhiệm trên trường quốc tế, một nhân tố trung tâm của ASEAN, và là một nền kinh tế đặc biệt năng động. Hiệp định mới dựa trên những lợi ích và nguyên tắc chung sẽ mở ra một thời đại mới trong quan hệ song phương.”
Sau năm năm đàm phán, ngày 26-6-2012, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Catherine Ashton đã ký chính thức Hiệp định PCA Việt Nam – EU.
PCA Việt Nam-EU có giá trị trong năm năm và được tự động gia hạn từng năm một.
Hiệp định PCA Việt Nam – EU gồm tám chương có quy mô rộng hơn nhiều so với Hiệp định khung hợp tác ký năm 1995 là kết quả của tiến trình đàm phán tích cực mang tính xây dựng, trên tinh thần tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. PCA Việt Nam – EU thể hiện hài hòa ưu tiên của cả Việt Nam và EU, phù hợp với lợi ích và nhu cầu phát triển của hai bên.
Theo các đại biểu từ Việt Nam và EU, ý nghĩa quan trọng của việc ký PCA là việc tạo khuôn khổ mới, dài hạn và toàn diện cho quan hệ Việt Nam-EU cả về chính trị và thương mại-đầu tư.
Ở khía cạnh chính trị, theo Vụ trưởng đặc trách EU Trần Ngọc An, “Hiệp định PCA sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam“ Các thỏa thuận đạt được trong PCA về chính trị, an ninh hòa bình là cơ sở để hai bên tăng cường đối thoại và hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, an ninh và an toàn hàng hải, cả trên bình diện song phương và các diễn đàn đa phương như LHQ, ASEM và đặc biệt là ASEAN –EU.
Về thương mại-đầu tư, PCA tạo điều kiện thuận lợi, cho phép khai thác tốt hơn lợi thế so sánh và tính bổ sung cao về cơ cấu kinh tế của hai bên.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ PCA, hai bên sẽ thông báo cho nhau đều đặn và kịp thời những diễn biến thay đổi ở hai thị trường. Đại sứ Jessen đưa ra thí dụ: “Khi EU thay đổi các tiêu chuẩn trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ được thông báo các quyết định mới nhất, tương tự như đối với các nhà xuất khẩu châu Âu sang thị trường Việt Nam.Việc này sẽ được thực hiện không chỉ trong năm nay mà còn ở những năm tiếp theo. Khi đó, cả hai bên sẽ không bị ngạc nhiên trước những chính sách mới.”
Một ý nghĩa đặc biệt của PCA là việc Hiệp định này sẽ là nền tảng quan trọng đối với đàm phán FTA giữa Việt Nam và EU.
Đại sứ Franz Jessen nói: “Đây là tiền đề để chúng tôi bước tiếp theo là tiến tới Hiệp định thương mại tự do giữa hai bên. Khi EU nhìn vào thị trường ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, chúng tôi luôn muốn nhìn vào một thời gian đầu tư dài hạn là 4-5 năm, khi có PCA chúng tôi mới khẳng định được với nhà đầu tư rằng trong khoảng một thời gian dài chúng tôi đã có được nền tảng khung để bảo đảm được tính ổn định quan hệ hai bên của Việt Nam- EU.”
Mặc dù vậy, để PCA đi vào hiệu lực đầy đủ, hiệp định này cần phải trải qua quá trình phê chuẩn riêng rẽ của 27 nước thành viên EU và Nghị viện Châu Âu (EP).
Ông Ngọc An cho biết, đây là thủ tục nội bộ của EU và quá trình này có thể kéo dài trong một số năm. Trong quá trình phê chuẩn, Việt Nam và EU đã thỏa thuận triển khai sớm một số nội dung của PCA bao gồm tăng cường hợp tác Việt Nam - EU trong các diễn đàn quốc tế và khu vực (LHQ, ASEM, ASEAN - EU...), thúc đẩy đàm phán FTA và tiếp tục thúc đẩy EU sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam và hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành khác như giáo dục - đào tạo, môi trường và biến đổi khí hậu, năng lượng, ngăn ngừa và giảm nhẹ thiên tai.
Hồng Lĩnh (Theo Nhân Dân)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững