Khởi tố 3 cán bộ BIDV chi nhánh Gia Định, Trịnh Xuân Thanh đầu thú
Trịnh Xuân Thanh đầu thú
Ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh, sinh ngày 13/2/1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại: Nhà 24 - C2 Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội; hiện là bị can bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19/9/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.
Tối 3/8, trên chương trình thời sự VTV1 đã phát sóng về cuộc phỏng vấn với đối tượng Trịnh Xuân Thanh. Theo VTV, trong đơn ra đầu thú, ông Trịnh Xuân Thanh viết: “Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong việc thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn ở lại Đức. Trong thời gian này cuộc sống trốn tránh, bấp bênh, luôn lo sợ. Được sự động viên của gia đình và bạn bè tôi đã về Việt Nam và ra đầu thú tại cơ quan an ninh điều tra để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật".
"Trong quá trình trốn chạy tôi cũng nghĩ mình suy nghĩ không chín chắn nên đã quyết định đi trốn. Tôi nhận thức thấy rằng mình phải về đối diện với sự thật. Và cái thứ hai là cần về gặp lại mọi người. Rồi đặc biệt là báo cáo với lãnh đạo, mình đã nhận thức được khuyết điểm, xin lỗi. Được gia đình động viên, tôi đã ra đầu thú", đối tượng Trịnh Xuân Thanh nói trên VTV.
Khởi tố, bắt giam Trầm Bê
Như Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa tin, chiều 1/8, Bộ Công an đã phát đi thông tin cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đang thụ lý điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Tiên Phong Bank; Sacombank; BIDV và Ngân hàng Xây dựng.
Theo đó, căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra vụ án, ngày 31/7/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can đối với 25 đối tượng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự và ra Lệnh bắt tạm giam đối với 16 bị can.
Cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các Quyết định và Lệnh của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; trong đó có bị can Trầm Bê, sinh năm 1959, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank và bị can Phan Huy Khang, sinh năm 1973, nguyên Tổng Giám đốc Sacombank.
Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh đối với các bị can đồng thời khẩn trương điều tra mở rộng, thu hồi tài sản để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Động thái này được Bộ Công an đưa ra trong tiến trình điều tra giai đoạn hai, của đại án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh) gây thất thoát tổng cộng hơn 15.000 tỷ đồng. Theo điều tra ban đầu, ông Trầm Bê cùng hàng loạt cán bộ của Sacombank đã cố tình lách quy định, giúp ông Danh vay tiền của ngân hàng.
Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Agribank CN Krông Bông bị bắt
Chiều 2/8, đại tá Nguyễn Trọng Hà - Trưởng phòng CSĐT tội phạm kinh tế và tham nhũng, Công an tỉnh Đắk Lắk - cho biết, đã bắt giữ, hiện đang khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Ngô Quốc Vinh - Giám đốc Chi nhánh ngân hàng Agribank Krông Bông - vì những sai phạm trong quá trình công tác, báo Lao động đưa tin.
Đại tá Hà thông tin, ông Vinh bị bắt để điều tra làm rõ hành vi cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan điều tra cho hay, ông Vinh khi giữ chức vụ giám đốc chi nhánh ngân hàng đã cố ý làm trái các quy định để Chu Ngọc Hải có cơ hội lừa đảo chiếm đoạt nhiều tỉ đồng của ngân hàng.
Trước đó, trong tháng 5 vừa qua, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Chu Ngọc Hải (33 tuổi, trú phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) nguyên cán bộ Chi nhánh Agribank Krông Bông về tội làm giả hồ sơ, chiếm đoạt tiền sử dụng vào mục đích cá nhân.
Từ năm 2015 – 2/2017, Hải lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao làm giả hồ sơ của khách hàng vay tiền. Quá trình này Hải đã thực hiện chiếm đoạt hơn 120 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Krông Bông để sử dụng vào mục đích cá nhân.
Khởi tố 3 cán bộ BIDV chi nhánh Gia Định
Ngày 3/8 nguồn tin từ C46 Bộ Công an cho biết đã khởi tố thêm 3 cán bộ của ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Định vì có liên quan đến vụ ông Trầm Bê nguyên Phó chủ tịch HĐQT Sacombank và ông Phan Huy Khang - nguyên Tổng giám đốc Sacombank về tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng mới bị khởi tố vừa qua. Tuy nhiên, ba cán bộ chi nhánh Gia Định của BIDV được cho tại ngoại để điều tra về các sai phạm.
Cụ thể, các bị can bị khởi tố gồm: ông Hoàng Long Hà - phó giám đốc ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Định, Nguyễn Ngọc Sơn - trưởng phòng khách hàng BIDV; Nguyễn Vũ Bảo - cán bộ phòng khách hàng BIDV. Cơ quan điều tra xác định các lãnh đạo, cán bộ ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Định này đã giúp cho Phạm Công Danh trong vụ ông Danh gửi hơn 3.000 tỉ đồng qua BIDV bằng hồ sơ vay vốn khống. Trong thương vụ này, ngân hàng BIDV bị thiệt hại 1.170 tỉ đồng.
Cụ thể, Phạm Công Danh chỉ đạo đồng phạm lập hồ sơ vay vốn khống với tổng số tiền 4.700 tỉ đồng để thực hiện đề án tăng vốn điều lệ cho VNCB từ 3.000 tỉ đồng lên 4.700 tỉ đồng bằng cách gửi tiền sang BIDV hơn 3.000 tỉ đồng để cầm cố bảo lãnh và trả nợ các khoản vay của 12 công ty do bị can Danh lập. Hành vi này gây thiệt hại hơn 2.550 tỉ đồng của VNCB, báo Giao thông đưa tin.
Được biết, ngoài Trầm Bê và Phan Huy Khang vừa bị bắt, cơ quan CSĐT cũng đã khởi tố 23 bị can khác, trong đó 15 người đang tạm giam về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại một số ngân hàng như Sacombank, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB)...
Truy tố nguyên Phó viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên
Ngày 4/8, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra cáo trạng truy tố Dương Quang Hợp (SN 1956), nguyên Phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Thái Nguyên về tội “Ra quyết định trái pháp luật”.
Theo cáo trạng, năm 2008 Công an tỉnh Thái Nguyên bắt tạm giam Võ Khánh Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Anh (vợ Dương), cùng trú tại Thái Nguyên, về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo tin tức trên báo Tiền phong.
Sau khi xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, tòa án kết luận vợ chồng Dương lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 183 tỷ đồng của 27 bị hại và lừa đảo chiếm đoạt 2,6 tỷ đồng của 2 bị hại, tuyên phạt tù chung thân Dương và tù giam 30 năm đối với Quỳnh Anh.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Nguyên đã kê biên một số mảnh đất, tài sản của vợ chồng Dương đã được định giá và chuyển theo hồ sơ vụ án đến Viện KSND tỉnh để truy tố, xét xử.
Kiểm sát viên Hoàng Anh Sơn được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, ông Sơn dự thảo cáo trạng, đề xuất truy tố bị can, đề xuất chuyển vật chứng cho Phó viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên Dương Quang Hợp ký duyệt ban hành.
Quá trình chỉ đạo, ông Hợp căn cứ vào thoả thuận giữa vợ chồng Dương và một số bị hại, người liên quan để ban hành các quyết định huỷ bỏ lệnh kê biên tài sản và ban hành quyết định trả lại vật chứng cho một số người trái quy định pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Tháng 1/2011, ông Hợp đã chỉ đạo cấp dưới soạn thảo nội dung để ký quyết định huỷ bỏ 3 lệnh kê biên tài sản của cơ quan cảnh sát điều tra và ký 7 quyết định trả vật chứng được định giá hơn 11,6 tỷ. Trong danh sách được nhận tài sản kê biên có 2 người không phải là bị hại trong vụ án (được trả lại số tài sản hơn 10 tỷ đồng).
Việc ban hành các quyết định hủy bỏ lệnh kê biên tài sản và trả lại vật chứng cho các đương sự của ông Hợp là trái quy định pháp luật, tạo điều kiện cho Dương và Quỳnh Anh tẩu tán tài sản bị kê biên, khiến 23 bị hại khác trong vụ án mất quyền bồi thường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo