Pháp luật

Khởi tố bảo mẫu tội “hành hạ người khác” chưa chính xác?

Luật sư Hoàng Cao Sang, trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Việt Luật, cho rằng cơ quan Công an khởi tố bảo mẫu tội “hành hạ người khác” là chưa chính xác. Mà chính xác hơn phải là phải khởi tố về tôi “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác” theo điều 104.

Luật sư Hoàng Cao Sang cho biết: "Ngày 17/12, Công an quận Thủ Đức đã khởi tố và bắt tạm giam đối với hai bảo mẫu tại trường mầm non tư thục Phương Anh, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM vì đã có hành vi gí đấu, lấy khăn bịt mũi, bóp cổ, tát vào mặt, đánh vào người các cháu bé với tội “hành hạ người khác” theo điều 110 BLHS. 

Theo tôi, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với  hai bảo mẫu với tội “hành hạ người khác” là chưa phù hợp, chưa phản ánh đúng với bản chất của vấn đề. Mà chính xác hơn, là phải khởi tố về tội “cố ý gây thương tích hoặc “gây tổn hại sức khỏe cho người khác” theo điều 104 BLHS mới phù hợp.
 
Theo clip mà chúng ta thấy được thì thời gian dài là hai bảo mẫu gí đầu, đè cổ, bưng bỏ vào thùng nước, lau mặt mặt cho bé bằng khăn bẩn và bằng một cách thô bạo… Nhưng đỉnh điểm hành động của hai bảo mẫu là đánh, tát, bóp cổ giật mạnh… liên tục như vậy thì không còn dừng lại việc đối xử nữa mà đã chuyển sang thành hành động đánh đập, đã có dấu hiệu cấu thành của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác. 
 
Trong trường hợp này không cần phải có thương tật trên 11% mà vẫn có thể khởi tố vụ án. Bởi đã có hai hành vi được quy định tại khoản 1, điều 104 là: đối với trẻ em; và đối với nhiều người.
 
Còn theo tinh thần của tội “hành hạ người khác” là dựa trên cách đối xử của những người có mối quan hệ và bị lệ thuộc. Nghĩa là người phạm tội lợi dụng mối quan hệ đó để đối xử tệ bạc, tàn ác với người lệ thuộc mình. Ví dụ như con nuôi dưỡng mẹ nhưng thường xuyên bỏ đói, không cho tắm rửa, chửi mắng...
 
Luật sư Hoàng Cao Sang cho rằng phải khởi tố hành vi này theo điều104 BLHS.
 
Khởi tố về tội “hành hạ người khác” trong vụ việc 2 bảo mâu ở Thủ Đức thể hiện sự bất nhất trong cách áp dụng pháp luật của chúng ta. Bởi trước đây, vào năm 2008 bảo mẫu Quảng Thị Kim Thoa cũng đã đánh, tát các cháu sau đó bị bắt và khởi tố về tội cố ý gây thương tích và bị Tòa án tỉnh Đồng Nai xử phạt 12 tháng tù giam. 
 
Trong khi đó trường hợp của hai bảo mẫu tại trường Phương Anh cũng giống y hệt như bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa trước đây nhưng Công an quận Thủ Đức lại khởi tố về tội “hành hạ người khác”.
 
Nghĩa là trước đây cũng hành vi đó nhưng khởi tố về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác theo điều 104 BLHS. Nay cũng hành vi này lại khởi tố về tội hành hạ người khác theo điều 110 BLHS.
 
Khi truy cứu trách nhiệm hình sự  một người chúng ta cần phải xác định rõ là “hành vi nào, tội danh đó” chứ không thể áp dụng tội danh “giống giống” được. Nếu khởi tố với tội danh “hành hạ người khác” sẽ không phản ánh được tính chất, mức độ phạm tội của hai bảo mẫu này.
 
Chỉ một tình huống đơn giản như vậy nhưng 2 quyết định khởi tố đã  khác nhau, chứng tỏ cách hiểu luật môi nơi môi khác. Như vậy nước ta khó lòng hình thành được án lệ". 
InforNet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo