Xã hội

Khốn khổ vì nhưng quy định trên trời

Bộ NN&PTNT vừa được phát hiện là một trong những nơi có nhiều giấy phép “con” nhất. Có giấy phép quy định người nuôi lợn phải xử lý nước thải (từ chuồng lợn) đến mức có thể uống được...

Minh họa: Khều

45.000 tấn mật ong, 225.000 giấy phép kiểm dịch
 
Câu chuyện đàn ong “cõng” quá nhiều phí và quy định, được bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Nuôi ong Việt Nam nhắc đến tại diễn đàn doanh nghiệp (DN) nông nghiệp tổ chức mới đây, khiến nhiều người ngỡ ngàng. Bà cho biết, ngành ong đang tạo việc làm cho trên 35 nghìn nông dân, trong đó khoảng 4.000 người nuôi ong chuyên nghiệp.
 
Chỉ 9 tháng đầu năm 2014, ngành này xuất khẩu vượt kế hoạch đến năm 2020, với trên 40 nghìn tấn, kim ngạch trên 100 triệu USD. Việt Nam nằm trong Top 3 thế giới về xuất khẩu mật ong. “Dù tỷ trọng xuất khẩu nhỏ, nhưng mật ong là sản phẩm từ động vật duy nhất của Việt Nam có thể xuất sang Mỹ, EU”- bà Hằng nói.
 
Tuy nhiên, ngành ong đang gặp nhiều vướng mắc, nhất là về kiểm dịch. Theo Quyết định 47 (Bộ NN&PTNT, năm 2005), nếu vận chuyển 200 kg mật ong từ huyện này sang huyện khác, phải làm thủ tục kiểm dịch. Với khoảng 45 nghìn tấn mật ong, bà Hằng tính ra, phải tới 225.000 giấy phép kiểm dịch vận chuyển ra khỏi huyện. “Nếu một ngày cấp phép 1 lần, phải mất 616 năm mới cấp hết số giấy phép trên. Chưa kể, bộ máy ở cấp huyện không có đủ phương tiện, con người, thiếu chuyên môn về ngành ong”- bà Hằng nói.
 
Theo Hội Nuôi ong, trước đây, chỉ cần kiểm dịch một lần ở một địa phương là được, nhưng nay kiểm dịch chỉ có giá trị trong tỉnh. Vậy nên, nếu chuyển ong từ miền Nam ra Bắc, sẽ qua rất nhiều trạm kiểm dịch và mỗi trạm như thế ong đều “mắc”.
 
“Nông dân nuôi ong chả biết gọi ai, lại gọi lên Hội. Hội phải nhờ quen biết ở các tỉnh, họ mới giải quyết cho đi”- bà Hằng nói. Đáng ngại hơn, ở nhiều địa phương, có tình trạng xua đuổi, đánh người nuôi ong, thậm chí đốt đàn ong, xịt thuốc sâu cho ong chết. Như ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), người nuôi ong bị đuổi, làm 200 đàn ong bị chết, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
 
Ngoài ra, theo Thông tư 23 (năm 2009, Bộ NN&PTNT), các đơn vị xuất khẩu mật ong phải thông qua Hội để kiểm định, xác nhận. Việc này nhằm tránh chuyển tải mật ong từ Trung Quốc qua (mật ong Trung Quốc xuất sang Mỹ phải chịu thuế bán phá giá 2,65 USD/kg, nên họ tìm cách đẩy qua nước thứ 3, như Việt Nam).
 
Tuy nhiên, Hội Nuôi ong hiện có 29 hội viên, nhưng có tới 45 đơn vị xuất khẩu. Bà Hằng nói: “Thông tư này chưa được thực hiện nghiêm túc, cần rà soát, xử lý các trường hợp vi phạm. Nếu không theo Thông tư, rất khó giải thích với các cơ quan nước ngoài”.
 
Nhiều người nuôi lợn cho rằng một số quy định nuôi gia súc bất hợp lý gây khó khăn cho người nuôi
 
Nước thải từ chuồng lợn… phải uống được
 
Cũng “bí” như ong, người chăn nuôi lợn đang đối mặt nhiều quy định lạ lùng. Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Cty CP Thanh Bình (hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam), cho biết: Trong ngành thức ăn gia súc, thế giới đăng ký chất lượng chỉ yêu cầu 4 tiêu chuẩn, nhưng ở Việt Nam bắt tới 15 tiêu chuẩn.
 
Theo ông, thế giới chỉ yêu cầu chất nào không khuyến khích cho tối đa là bao nhiêu; còn chất khuyến khích có quy định tối thiểu. “Chẳng hạn đạm là chất khuyến khích, tôi đăng ký 15%, nhưng khi làm có thể lên 16% (tốt hơn 15%) thì thanh tra cứ máy móc, thấy khác là phạt. Còn những chất như canxi, muối… không khuyến khích, tỷ lệ dưới mức đăng ký chút có thể được, nhưng cũng bị phạt. Tôi kiến nghị nhiều lần, Bộ NN&PTNT nói cân nhắc, mà mãi vẫn chưa sửa”- ông Bình nói.
 
Ông Bình nói thêm: “Chẳng hạn, tôi chỉ đăng ký một chất là 10%. Nói thật, tính toán công thức vậy, chứ chả đơn vị nào làm đúng 10% được. Bởi vì một sản phẩm được tổ hợp rất nhiều thành phần cộng vào, phải có sai số chứ. Đằng này, cơ quan thanh tra, thấy không giống là đè ra phạt. Rất mệt mỏi, cái này đưa ra để quản lý, sao lại thích phạt”- ông Bình nói.
 
Từng đầu tư nuôi hàng chục nghìn con heo ở Đông Nam Bộ, ông Bình cho hay, quy định về xử lý môi trường của Bộ TN&MT đang “tiêu diệt ngành chăn nuôi”. Theo ông, nếu quy định nước thải từ trại heo ra phải đạt tiêu chuẩn loại A - tức là uống được, loại B - là tắm được… chắc không ai làm nổi; kể cả DN lớn chứ đừng nói cơ sở chăn nuôi nhỏ.
 
Nhiều DN chăn nuôi ở Đồng Nai bị phạt “lên bờ xuống ruộng” vì quy định trên. Ông Bình cho rằng, không ai làm được, mà vẫn áp dụng, doanh nghiệp tìm mọi cách để “lách”. “Trước đây, tôi cũng nuôi tới 20 nghìn con heo, nhưng đã đóng cửa trại cho khỏe, vì những quy định đưa ra nhìn đã bất hợp lý”- ông Bình cho biết.
 
Trong khi đó, tại HTX Chăn nuôi Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội)- HTX chăn nuôi lớn nhất miền Bắc cũng “khóc dở mếu dở” vì những quy định về môi trường. Ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX cho biết: Nông dân bươn chải làm ăn, trình độ a, b, c…, bảo phải đầu tư xử lý công nghệ nước thải theo quy định A, B,C gì đó khó lắm! Điều lạ là, cảnh sát môi trường, cán bộ môi trường cứ xuống kiểm tra phạt lên, phạt xuống, mà cũng không hướng dẫn cho cách nào để xử lý.
 
Ông Chiến cho biết, bản thân ông là chủ nhiệm HTX, được Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (thuộc Bộ TN&MT) hỗ trợ xây dựng mô hình nước thải. Thế nhưng, khi công trình vận hành, cán bộ môi trường của thành phố xuống kiểm tra, bảo không đạt chuẩn. Từ đó, cán bộ chức năng “đè” ra phạt không thương tiếc, công trình phải “đắp chiếu”.
 
“Ở Việt Nam, người nuôi ong ngoài bị đuổi đánh, họ còn phải trả tiền cho chủ vườn, chính quyền, 10-20 triệu đồng, tùy quy mô. Ngoài ra, họ còn trả cho công an, môi trường… Một đàn ong phải trả quá nhiều loại phí”.
Phó Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam
Theo Tiền phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo