Không bắt buộc phải nghỉ hưu trước tuổi
Theo quy định tại Điều 187 Bộ luật Lao động: “1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
2. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này”.
Ông Bùi Đức Thọ (buiductho.xm@..) hỏi: Quy định tại khoản 2 nêu trên là điều kiện bắt buộc hay là điều kiện ưu đãi với người lao động (cán bộ công chức hành chính sự nghiệp)? Khi người lao động là cán bộ công chức hành chính sự nghiệp đủ điều kiện tại khoản 2 Điều 187 có đủ sức khỏe, chuyên môn, các tiêu chuẩn khác chưa có nhu cầu nghỉ hưu, người sử dụng lao động có bắt buộc người lao động (cán bộ công chức hành chính sự nghiệp) nghỉ hưu không? Hoặc khi người lao động (cán bộ công chức hành chính sự nghiệp) đủ điều kiện tại khoản 2 Điều 187 có nhu cầu nghỉ hưu, người sử dụng lao động có bắt buộc người lao động tiếp tục làm việc khi đủ điều kiện tại khoản 1 không?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 187 Bộ Luật Lao động, người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này (nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi).
Theo quy định của Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động khi nghỉ việc có 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì được giảm tối đa 5 tuổi so với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường.
Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được giảm tối đa 10 tuổi; riêng đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì không kể tuổi đời.
Trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định trên mà vẫn muốn tiếp tục làm việc và người sử dụng lao động vẫn có nhu cầu thì người lao động tiếp tục làm việc và tham gia BHXH bắt buộc theo quy định.
Trường hợp người sử dụng lao động không có nhu cầu hoặc người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì thủ tục, hồ sơ giải quyết để người lao động hưởng lương hưu được quy định tại Điều 119, Điều 122 Luật BHXH. Theo đó, người sử dụng lao động phải ra quyết định nghỉ việc và lập hồ sơ hưởng lương hưu đối với người đang đóng BHXH gửi cơ quan BHXH giải quyết theo quy định.
Đối với cán bộ công chức, viên chức thì việc ra quyết định nghỉ hưu phải thực hiện theo quy định tại Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 của Chính phủ quy định về thôi việc và nghỉ hưu đối với công chức; Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
End of content
Không có tin nào tiếp theo