Không có chuyện chặn các tin nhắn có cú pháp “bầu cử”
Tại cuộc họp báo, thông báo về tình hình triển khai công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử 22/5, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đến nay mọi công tác chuẩn bị tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo đúng tiến độ, sẵn sàng cho ngày bầu cử.
Hiện cả nước đã thành lập 63 Ủy ban bầu cử cấp tỉnh; 712 Ủy ban bầu cử cấp huyện; 11.162 Ủy ban bầu cử cấp xã; 184 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội; 1.096 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 6.721 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; 79.988 Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã; 91.476 Tổ bầu cử. Báo Công An TP. HCM thông tin.
Ngày 22/5, hơn 69 triệu cử tri sẽ lựa chọn những người có đức, có tài để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội; 3.918 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 24.993 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; 294.055 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
Tại 184 đơn vị bầu cử, cử tri sẽ lựa chọn bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XIV trong tổng số 870 người ứng cử. Trong đó, 197 người ứng cử ở Trung ương, 662 người ứng cử ở địa phương và 11 người tự ứng cử.
Tại 1.096 đơn vị bầu cử, cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu 3.918 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Tại 6.721 đơn vị bầu cử, cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu 24.993 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; Tại 79.888 đơn vị bầu cử, cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu 294.055 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
Thực hiện Kế hoạch giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến nay, Hội đồng bầu cử đã tổ chức 3 đợt giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021. Từ 19 đến ngày 22-5-2016, có 13 đoàn kiểm tra công tác bầu cử tại một số đơn vị quân đội và 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí trong và ngoài nước về các vấn đề xung quanh cuộc bầu cử sắp tới, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo điều 73 Luật bầu cử, người ứng cử, đại diện cơ quan tổ chức, các phóng viên báo chí, kể cả phóng viên báo chí nước ngoài đều có thể được chứng kiến việc kiểm phiếu.
Trong quá trình kiểm phiếu, nếu phát hiện có gian lận, vi phạm pháp luật thì người ứng cử có quyền khiếu nại. Về việc bỏ phiếu thay người khác, ông Phúc cho biết, theo quy định của pháp luật thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, tùy mức độ sẽ xử lý. Người dân cần hiểu rằng đây là quyền và trách nhiệm của công dân, không nên nhờ người khác bỏ hộ, theo tin tức báo Giao Thông.
Về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử, ông Nguyễn Hanh Phúc cho biết, hiện Hội đồng bầu cử quốc gia đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai lực lượng nắm địa bàn, theo sát tình hình địa phương, chủ động rà soát, tham mưu giải quyết những vấn đề phức tạp về an ninh, chú trọng an ninh trật tự, an toàn ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng giáp biên giới; thực hiện các biện pháp đấu tranh, phòng chống âm mưu phá hoại cuộc bầu cử để đảm bảo tuyệt đối an toàn trước, trong và sau ngày bầu cử.
End of content
Không có tin nào tiếp theo