Không có gì tốt nhất, chỉ có cái tốt hơn
Lớn lên cùng thời cuộc
Lối nói chuyện thẳng thắn, đúng chất miền Tây, Đoàn Võ Khang Duy đưa chúng tôi tới các kế hoạch toàn “sắt với tôn” của AMECO một cách rất tự nhiên, thoải mái.
Nào là, AMECO đã chiếm lĩnh thị trường cơ khí chế tạo máy, dây chuyền cán, cắt tôn thép, dây chuyền mạ tôn ở Việt Nam; đang là nhà cung cấp thiết bị cho Bluescope, Tôn Hoa Sen, Tôn Đông Á, Ô tô Trường Hải, Tôn Nippovina, Tấm lợp Đông Anh, Thép SMC..., toàn những tên tuổi lớn; rồi thì đang có mặt tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia... và cả EU, Autralia, Trung Đông và châu Phi…
Cũng không hiểu sao, người thanh niên sinh ra vào thời bình, yêu lịch sử, mê tiểu thuyết về 9 năm trường kỳ chống Pháp của nhân dân Việt Nam, rồi cuộc nội chiến gắn với giải phóng nô lệ của Mỹ, tìm hiểu những nền văn hoá, thích nghe nhạc Trịnh, nhạc Thanh Tùng, ôm ấp ước có thể viết văn… như anh lại say với các loại máy móc, công cụ cơ khí đến thế.
Sinh năm 1975 ở Long Khánh (Đồng Nai), tuổi thơ của Duy gắn với những câu chuyện khoa học của Báo Khăn Quàng Đỏ. Thời kỳ ấy, miền Nam vừa được giải phóng, cuộc sống sau chiến tranh vô cùng khó khăn, những cậu bé tầm tuổi Duy ở các vùng quê thường phải lo phụ giúp cha mẹ kiếm sống.
Có lẽ vậy mà các bài viết trong mục “Em yêu sáng tạo” của Báo Khăn Quàng Đỏ, phụ trương “Em yêu khoa học” ngày nào đã nâng đỡ tâm hồn cậu bé Duy vốn nhạy cảm và ham hiểu biết. Duy đã từng đạp xe hơn 60 cây số từ nhà ra tới TP.Biên Hoà để tìm mua bằng được phụ tùng về lắp ráp các loại nhiệt kế, mô hình xe hơi hay các mô hình tự động hóa theo chỉ dẫn của báo.
Niềm đam mê với cơ khí lớn dần… để rồi sau này, Duy trở thành sinh viên khoa cơ khí.
Nhưng niềm đam mê của tuổi thơ có thể chưa đủ để dẫn tới một tổng giám đốc công ty cơ khí có tầm trong ngành cơ khí, có trong tay một nhà máy sản xuất với diện tích 6.000 m2 tại Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B, Dĩ An, Bình Dương với hơn 170 nhân viên, kỹ sư, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, được trang bị máy móc, công cụ đồng bộ.
Có thể, Đoàn Võ Khang Duy sẽ mãi là một chuyên viên kỹ thuật ở Viện Cơ học ứng dụng TP. Hồ Chí Minh (nơi anh bắt đầu vào nghề sau khi tốt nghiệp) nếu như không có Luật Doanh nghiệp có hiệu lực vào năm 2000. Luồng gió mới của cuộc cách mạng tư duy với khu vực kinh tế tư nhân đã thổi bùng ước mơ của người thanh niên trẻ đang hào hứng hoà mình vào sự đổi thay của đất nước.
“Có thể tôi may mắn khi là người sinh ra đúng thời điểm, khởi nghiệp đúng lúc cả đất nước đang mở rộng vòng tay đối với các doanh nghiệp tư nhân. Cùng với một số bạn đồng học, chúng tôi mở cơ sở cơ khí đầu tiên vào năm 2001. Khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp, xây dựng, bất động sản phát triển rất nhanh, trong khi ngành cơ khí lại đi chậm hơn. Đó là cơ hội của chúng tôi, những người được đào tạo bài bản…”, anh kể.
Các loại máy cán, máy cắt tôn thép phục vụ cho ngành công nghiệp xây dựng và công nghiệp phụ trợ nói chung của Công ty TNHH cơ khí An Lộc được thị trường đón nhận… Và Công ty cổ phần Công nghiệp AMECO được thành lập để thu hút thêm nguồn lực, mở rộng sản xuất, đáp ứng như cầu thị trường đang ngày càng rộng mở…
Chuyện “đội mạnh” ở AMECO
Khi được hỏi, tại sao anh tự tin cho rằng, AMECO đứng hàng đầu trong lĩnh vực cơ khí không chỉ trong nước, mà là trong khu vực ASEAN, Tổng giám đốc Đoàn Võ Khang Duy trả lời thắng thắn, đơn giản là vì Việt Nam có thế mạnh sản xuất máy cơ khí so với các nước khác trong khu vực.
“Chiến tranh kéo dài, rồi đất nước chịu cảnh cấm vận, chúng ta phải tự nghiên cứu, chế tạo nhiều loại máy cơ khí nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Từ những loại rất thô sơ như xe công nông, xe cải tiến rồi tới các loại máy nông nghiệp đều được bàn tay, khối óc người kỹ sư, nông dân Việt Nam mày mò. Điều kiện lịch sử như vậy khiến tư duy của những người làm cơ khí như chúng tôi hay hướng tới nghiên cứu sản xuất máy móc đồng bộ. Các nước ASEAN khác thường chọn phương châm tổ chức sản xuất tập trung vào một số phụ tùng, chi tiết máy”, anh Duy nói.
Tất nhiên, mỗi hướng đi đều có một đích riêng. Nếu các nước ASEAN đang tạo được thế cạnh tranh riêng về ngành công nghiệp phụ trợ hùng mạnh, thì với các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam như AMECO, yếu tố đồng bộ là điểm nhấn. Song không dễ dàng để tạo được sức mạnh khi doanh nghiệp Việt Nam khởi động khá lâu sau các nước.
“Cách đi nhanh là học hỏi. Tôi sợ nhất những người dốt mà không chịu học. Riêng với máy móc cơ khí, nếu không tổ chức sản xuất tốt để có sản phẩm tốt, giá thành cạnh tranh và dịch vụ hậu mãi uy tín, anh không thể trở thành “đội mạnh” được, dù có tập hợp bao nhiều đầu óc, bàn tay vàng của ngành cơ khí đi chăng nữa. Và tôi đã chọn áp dụng theo cách tổ chức sản xuất mà các công ty Nhật Bản đang làm, đầu tiên là 5S (Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng), bên cạnh đó là học hỏi các thương hiệu lớn trong ngành máy móc cơ khí của Đức, Mỹ”, anh Duy tiếp tục câu chuyện về các loại máy móc cơ khí.
Anh đặc biệt tâm đắc với văn hoá kinh doanh của người Nhật, với triết lý “không có gì tốt nhất, chỉ có cái tốt hơn”. AMECO đang được dẫn theo hướng cải tiến liên tục, kể cả con người, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Kết quả đầu tiên, theo anh Duy, đó đội ngũ cán bộ công nhân viên đặt yếu tố trung thực, uy tín lên hàng đầu. Công ty sẵn sàng chịu phạt hợp đồng nếu làm sai. Đây là yếu tố mấu chốt tạo nên “đội mạnh” ở AMECO mà anh tâm đắc.
Rồi thì năm 2009, AMECO đã đạt Chứng nhận Tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001:2008 cấp bởi Global GROUP (tổ chức hàng đầu về chất lượng mang uy tín toàn cầu của Vương Quốc Anh) cho các sản phẩm máy cán tôn, máy cắt, máy gấp tôn thép đầu tiên của các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành cơ khí. Chứng nhận này đã mở đường để AMECO đến với nhóm đầu trong các doanh nghiệp cơ khí tại thị trường ASEAN…
Nhưng khó khăn đang rất lớn với những doanh nghiệp ngành cơ khí như AMECO. Khủng hoảng kinh tế đang khiến sức khoẻ của nhiều doanh nghiệp Việt Nam yếu đi rất nhiều, khiến kế hoạch phát triển các trung tâm công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành cơ khi hiện đại chắc sẽ bị chậm lại.
“Tôi mong mỏi sau thời kỳ suy giảm kinh tế, Chính phủ sẽ có chính sách để phát triển nhanh những trung tâm gia công cơ khí hiện đại ngang tầm các nước phát triển. Đó là các trung tâm công nghiệp phụ trợ hoàn hảo để các doanh nghiệp chế tạo như chúng tôi vững bước trong cạnh tranh với nhiều sản phẩm công nghệ cao hơn”, anh Duy chia sẻ trăn trở của người làm nghề.
Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng
Đoàn Võ Khang Duy đang là Ủy viên Ban Chấp hành và là Trưởng ban Hội viên của Hội Doanh nghiệp Trẻ TP.HCM (YBA). Ban Hội viên có 10 anh em, gánh vác đủ việc, từ phát triển và hỗ trợ hội viên, tổ chức các sự kiện đến cả tìm nhà tài trợ, đối tác đầu tư, tổ chức việc hiếu hỷ cho các thành viên…
Vậy mà theo anh Duy, 15% thời gian của anh đang dành cho các hoạt động đoàn hội. Tại sao ư? Vì anh tin rằng, hội sẽ hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp trẻ trong phát triển kinh doanh, điều mà anh không có được khi bắt đầu khởi nghiệp vào những năm 2000.
Hiện giờ, anh vẫn học được rất nhiều kiến thức về quản trị kinh doanh, về lập kế hoạch, về xây dựng chiến lược… khi tham gia YBA. Và rằng, anh đang được sống trong một cộng đồng doanh nhân thực sự ấm áp, sẵn sàng chia sẻ, điều mà các doanh nhân mong muốn vô cùng khi thương trường nhiều khi căng thẳng và sát thương chẳng khác một cuộc chiến…
Anh đang tham vọng hỗ trợ nhiều hơn nữa các bạn trẻ cũng đam mê sự găng đua của thương trường, nơi không bao giờ có điểm đích cố định. Đây là lý do anh hào hứng với Trung tâm Hỗ trợ thanh niên Khởi Nghiệp - Hội Liên hiệp thanh niên TP. Hồ Chí Minh.
Thói quen đọc sách lịch sử anh vẫn mang theo trong mình. Anh vẫn nằm lòng câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, vị lãnh đạo mà anh tôn là thần tượng, rằng “đừng sợ sự không tròn trịa, chỉ nên sợ dốt mà không chịu học, làm chuyện gì cũng lớt lớt, thiếu ngay thẳng, thờ ơ với việc chung và trộm cắp”… để tiếp tục khẳng định vị trí của AMECO, của doanh nhân Đoàn Võ Khang Duy trong sự đi lên của đất nước sau 37 năm hoàn toàn thống nhất…
Theo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo