Không có việc nhẹ mà lương cao!
“Bẫy” tìm việc cuối năm
Thấy bạn bè rủ nhau đi tìm việc làm thêm cuối năm, Minh Hà, sinh viên (SV) năm thứ nhất Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, đứng ngồi không yên. Chẳng là, cô đang cần 2 triệu đồng để mua tặng em trai chiếc xe đạp đi học.
Đọc trên mạng thấy một công ty ở đường Phạm Văn Đồng, Q.Cầu Giấy tuyển nhân viên đánh máy tại nhà, việc nhẹ nhàng, lương cao 6 - 7 triệu đồng/tháng, 2 tuần chuyển khoản một lần. Ngoài ký hợp đồng, công ty này còn hứa hẹn đóng bảo hiểm y tế, kèm theo các chế độ đầy đủ.
Hà cho biết: “Khi mình đến phỏng vấn, nhân viên công ty yêu cầu đóng 500.000 đồng tiền mua bản quyền phần mềm. Họ nói, công ty sẽ hoàn trả sau 3 tháng nếu làm đủ 150.000 captcha (ký tự gồm chữ và số). Vay tiền bạn bè, mình đóng vào đó. Khi về, kể với bạn cùng lớp, bạn mình nói phần mềm cung cấp miễn phí. Mình quay lại xin rút tiền nhưng họ không cho. Tiền đã đóng, mình cố gắng làm, nhưng kiên nhẫn được 1 tuần đành bỏ cuộc vì gõ sai, tài khoản bị khóa. Vậy là mất đứt nửa triệu đồng”.
Tương tự, trong lúc chờ xe buýt đến trường, Vũ Thanh Cảnh, SV Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, nhận được tờ rơi tuyển dụng nhân viên nhặt bóng tennis. “Đang cần việc làm thêm buổi tối, đọc thông báo 150.000 đồng/ca/2 tiếng, mình mừng như bắt được vàng.
Sau khi nộp bản photo CMND và thẻ SV, đóng 300.000 đồng tiền hồ sơ, công ty phát tài liệu bảo mình về học thuộc nội quy nhân viên và nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, hẹn 5 ngày sau quay lại kiểm tra. Thi xong, họ thông báo kết quả không đạt, bảo mình chờ bao giờ có đợt thi mới sẽ báo. Nhưng đến giờ hơn 1 tháng vẫn chưa thấy đâu, mình gọi điện hỏi, họ đều nói chưa có lịch. Chẳng biết chờ đến bao giờ, tiền đóng vào không lấy ra được”, Thanh Cảnh chua chát kể.
Tiền mất, việc làm không có, thậm chí nhiều bạn trẻ còn bị hăm dọa. Bùi Quang Hòa, SV Trường CĐ Thương mại - Du lịch Hà Nội, bộc bạch: “Mình không hiểu tại sao lại dễ dàng đưa tiền cho trung tâm giới thiệu việc làm ở Q.Thanh Xuân. Họ nói bán vé xem phim, đóng 250.000 đồng khoản phí, mình cứ như là bị thôi miên. Tự tin với bài thi lý thuyết, vậy mà lại bị đánh trượt. Đến công ty yêu cầu xem lại bài thi, đòi lại tiền thì bị nhân viên mắng mỏ, kêu mấy thanh niên xăm trổ đầy mình ra dọa”.
Doanh nghiệp không thu tiền của người lao động
Không chỉ “câu kéo” SV tại các cổng trường, trạm xe buýt, người môi giới lao động còn “tấn công” trung tâm giới thiệu việc làm để “săn” lao động. Mới đây, Trung tâm giải quyết việc làm Hà Nội đã phải dán thông báo tại khu tuyển dụng cảnh báo người lao động.
Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc trung tâm này, cho hay: “Những người môi giới trên không đăng ký tuyển dụng với trung tâm, nhưng trà trộn vào xem thông tin tại khu vực niêm yết thông tin tuyển dụng và đã có những hoạt động môi giới, lừa đảo thu tiền của người lao động như: bán vé xem phim, nhặt bóng, làm online hoặc lôi kéo lao động bán hàng đa cấp, bán bảo hiểm… Để ngăn chặn, ngoài biện pháp thông báo lưu ý tránh không tiếp xúc với những người môi giới này, chúng tôi còn yêu cầu đội bảo vệ không cho họ vào cổng”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Thanh niên Hà Nội, cảnh báo cuối năm là thời điểm các kẻ lừa đảo hoạt động mạnh nhất. Theo bà Trinh, họ thường nhằm vào SV năm thứ nhất và SV mới ra trường đang cần việc làm. “Bạn trẻ phải hết sức cẩn thận với những dạng thông tin tuyển dụng như việc nhẹ, lương cao, đóng tiền mua tài liệu, tiền hồ sơ... Tất cả đều là lừa đảo bởi các doanh nghiệp tuyển dụng không được thu bất cứ khoản tiền nào của người lao động”, bà Trinh nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo