Xã hội

Không dám tin đây là một cây cầu!

Đã hơn 2 năm nay, cầu chính bị nước lũ cuốn trôi, thay vào đó là cầu tạm được làm bằng tre nứa. Nguy cơ mất an toàn là rất lớn, hiểm nguy rình rập từng ngày, nhất là khi mùa mưa bão đến.

Đó là thực trạng đã và đang diễn ra hàng ngày trên chiếc cầu Cốc Mẳm, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An được bắc qua sông Dinh. Chiếc cầu là đường đi chính của hàng trăm hộ dân thuộc 2 xóm Sơn Tiến và Cốc Mẳm. Đã hơn 2 năm nay, cầu chính bị nước lũ cuốn trôi sau trận lũ lụt, thay vào đó là cầu tạm được làm bằng tre nứa.
 
Bên cạnh mố cầu xi măng và hơn ¼ nhịp cầu gãy đổ còn sót lại là chiếc cầu tạm làm bằng tre nứa do dân bản dựng lên. Trên những chiếc cọc chống sơ sài là những tấm nền mặt cầu đan ghép bằng tre, mét, mỗi khi có xe máy đi qua, cầu rung lên bần bật. Vẫn biết là mất an toàn, nguy hiểm… nhưng vì là đường đi lại chính nên hàng trăm hộ dân nơi đây đã quen dần và "kiên gan" với chiếc cầu tạm từ nhiều năm nay.
 
Được biết ở 2 xóm Sơn Tiến và Cốc Mẳm có gần 150 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Thổ, gần 100 em nhỏ đang theo học phổ thông các cấp, người dân ở đây sống chủ yếu bằng trồng ngô, sắn mía, vì không có ruộng nước, cuộc sống thường ngày gặp rất nhiều khó khăn nên đến nay vẫn còn còn 30 hộ nghèo.

Cái ăn không đủ nên việc góp tiền làm cầu là không thể. Chỉ tính trong vòng một năm, đã 5 lần cầu tạm bị nước cuốn trôi, người dân lại chỉ biết cùng nhau góp tre, mét và cọc gỗ có sẵn trong gia đình cùng vài ngày công để tạo nên những chiếc cầu tạm mới.

Khi mùa mưa lũ về, người dân lại lo gom góp gạo và thức ăn dự trữ trong những ngày bị cô lập, trẻ em nghỉ học hoặc đến trường bằng bè. Chị Trương Thị Phước - người dân Bản Cốc Mẳm -cho biết: “Mùa mưa ở đây khó khăn lắm, nhà nào không đủ điều kiện tích trữ gạo thì phải đi vay ăn. Mong muốn thì không nhiều, chỉ mong được hỗ trợ làm cái cầu để đi lại và con em đi học cho an tâm”.

Trước đây, trên dòng sông này, huyện Quỳ Hợp và nhân dân xã Thọ Thành đã 2 lần lên kế hoạch tiết kiệm các nguồn thu, cùng sự hỗ trợ của nhà nước, vận động nhân dân đóng góp để xây cầu trụ bê tông kiên cố. Năm 2005 xã trích ngân sách 250 triệu, vận động nhân dân trong xã đóng góp vật liệu và ngày công, cầu bê tông thành hình, nhưng chỉ đưa vào sử dụng được hơn 6 tháng thì đã bị lũ cuốn trôi. Đầu năm 2008, huyện Quỳ Hợp tiến hành khảo sát, triển khai làm cầu mới kiên cố hơn với thiết kế dầm thép, trụ bê tông với tổng trị giá trên 600 triệu đồng. Nhưng niềm vui có cầu mới cũng chỉ tồn tại đến trận lũ quét tháng 9/2009.

Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Hợp - cho biết: “Xã Thọ Hợp là xã nghèo, nguồn thu ngân sách hạn hẹp. Mong muốn của xã là lồng ghép trong chương trình nông thôn mới để làm cầu mới này”.

Ông Trương Hải Nam - Phó phòng Công thương huyện Quỳ Hợp cho biết thêm: “Lũ năm 2009 vượt đỉnh cầu gây hư hỏng, từ đó đến nay thì chưa được tu sửa gây khó khăn cho nhân dân. Nguồn kinh phí bão lũ thì được cấp cho việc xây dưng công trình rất ít. Thời điểm này việc triển khai công trình mới lại khó khăn…”.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Dân Trí)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo